02/07/2019 05:35 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sau Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn, Ba ngôi của người, Nguyễn Việt Hà vừa ra mắt Thị dân tiểu thuyết.
1. Hình như ông nhà văn này hễ viết dài thì “mặc định” ra cho mình một cái không gian địa lý, về Hà Nội, mà chỉ trong một con phố. Phố ấy giờ không phải chỉ có nhà thờ, mà còn cả đền, chùa, ngõ ngách cùng với những suy nghĩ, triết lý của mỗi tôn giáo. Nối chúng lại với nhau, tìm cách hòa đồng có vẻ là ý định của nhà văn. Nhưng được trình bầy trong quãng thời gian cách nay hơn kém trăm năm, sách lại có màu sử thi. Vậy là ôm chứa lớn, phức tạp rồi. Nhưng lại không tồn tại khái niệm “câu chuyện” để mà kể ra, và chèn vào nhiều “mảnh mẩu” được hoặc không được đặt tên.
Nhiều đoạn, nhiều trang tôi không hiểu được và cũng không cố cày như con trâu để hiểu. Rất may là thấy cuốn hút, có lẽ do cách viết của Việt Hà nương theo quan niệm (?) “tiểu thuyết là Ngôi Lời kể lể nhỏ” chăng? Nhà văn như là ghét những dấu chấm hỏi, chấm than, hai chấm, xuống dòng có gạch nhưng lại trọng thị dấu chấm hết, thỉnh thoảng “đảo phách” đặt tính từ trước danh từ hay trạng từ trước động từ. Một nhân vật của anh muốn tuyệt đối hóa chủ quan mình, chẳng cần viết cho “đám đông vô minh”, vì vậy kể, tả không đóng vai trò lớn mà chuyển sang “kể lể nhỏ” chăng?
Chừng như để cho ta đỡ mệt mà đọc tiếp, giữa những uyên bác cao siêu, tác giả chèn vào những nhả nhớt bông phèng hoặc chi tiết thời sự, phả vào những “phép” độc. Một tiết tấu văn không dễ theo dõi, vừa triết lý, trầm ngâm, cổ kính thoắt đã bặm trợn hay châm chọc, hình như có hơi hướng những tạp văn thành danh Nguyễn Việt Hà. Dồi dào chữ đắt, anh có nhiều chọn lựa để thể hiện một tình huống, cho ra những sắc thái khác nhau.
2.Thị thành đông đảo và lắm giai tầng thật. Nhưng thị dân được “tính” vào đây ít người nghèo, chẳng có nông dân và không đậm màu cần lao. Đấy là những Nho gia cuối mùa, thông phán, người Tây học, nhà văn thiếu tự tin (?), tay chơi suy đồi, người chung chiêng đức tin để phải chọn theo Phật, Thánh hay núp dưới bóng Chúa... Họ có nỗi khổ tâm, dằn vặt của kẻ ăn ngon mặc đẹp, chứa ký ức mất mát hoặc mớ chữ trong đầu chứ không phải loại chỉ cần no ấm là đủ. Và ngay mỗi con người ấy cũng không thể xác định đơn sắc là tích hay tiêu cực.
Cái mạch quyến rũ tôi nhất là phố đầu thế kỷ XX, sử coi là giai đoạn “cận đại”. Xung quanh “ấm” Bình có những Lương Văn Can, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... Lượn lờ tâm trạng xã hội vừa muốn đuổi Tây đi vừa bị nền văn minh của nó đè ép. Yêu nước, ghét thực dân, nhưng không hẳn “chân Nho”, “ấm” Bình hoài nghi sự thành công của vụ Hà Thành đầu độc nhưng vẫn tham gia, thậm chí viết thư từ vợ như một hành động tuyệt mệnh. Giãi bày kỹ tâm lý nhân vật chứ không mô tả kết cục bi thảm của cuộc nổi dậy, chắc tác giả ưa thích cái quá trình, nguyên nhân, hậu quả của một vận động hơn cao trào, sự biến. Đoạn “sử thi” này cũng he hé cuộc chọn lựa để được độc lập của các cụ ta: bạo lực hay dân trí đi trước - đề tài đang được bàn luận rôm rả.
Sang thời “hiện đại”, mọi thứ như là hiện ra theo kiểu “mờ chồng”, vì nhân vật cứ lúc “ông” lúc “thằng”, từng trải quá để mỏi mệt, buông bỏ nhưng bản năng ao ước, ham sống vẫn còn. Cải tạo tư sản, bổ sung thành phần..., phố lắm thăng trầm quá nên đức tin con người cũng mờ mờ ảo ảo, vị hoài nghi, suy đồi “di truyền” từ Lâm, Tĩnh sang thanh niên Tùng. Mạch văn này có chỗ “rẽ ngang” rất đắt (cỗ Hà Nội), lại có chỗ lan man; lôi cả thời sự vào liệu có đáng... Nhưng đây là “kể lể nhỏ” kia mà. Trong cuộc chơi rất riêng này, Nguyễn Việt Hà tha hồ tìm tòi, đi xa về gần tung tẩy rồi vòng vèo trở lại mạch chính. Rất lắm công phu và cũng thật tự do.
Làng văn giờ lắm ảnh hưởng, nhiều người muốn cách tân, nhưng thành công lại gian nan thay. Không phải cứ lý trí mà thắng, khó nhất là để mạch văn mới chảy ra thật tự nhiên. Đối với tôi, cuốn này của anh lý thú nhiều hơn rối rắm. Còn người đọc đón nhận nó thế nào, sẽ ngao ngán khó tiêu hóa hay hào hứng cười sằng sặc hoặc cả hai, lại là câu chuyện khác.
Trần Chiến
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất