11/05/2023 11:58 GMT+7 | Văn hoá
Giở tập thơ Trên đỉnh Ngoạ Vân của Trần Mai Hưởng (NXB Hội Nhà văn, 2023), điều đầu tiên gây ấn tượng với chúng ta là sự trăn trở của tác giả muốn tìm hiểu tới tận cùng, muốn khám phá cho đến đáy những gì là thăm thẳm, là sâu kín nhất, từ bên trong mỗi khái niệm, mỗi vùng đất, và tiềm ẩn tận trong hồn mỗi sự vật, cho đến cả hồn người. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, mà tác giả đã đặt liền tên bốn bài thơ theo cùng một cách, và cho bốn bài thơ xếp ở gần nhau, là: Hồn nước, Hồn làng, Hồn phố, và Hồn chữ.
1. Hồn nước trong thơ tác giả, có thể được vang vọng lên từ "sóng cồn giữa trùng khơi", có thể bay lượn trong "mênh mang giữa đại ngàn", có thể lẩn khuất giữa "mỗi bản làng, vấn vương từng nếp rạ mái tranh", lại có thể "ẩn trong từng câu nói, thẳm sâu giữa lòng người". Như vậy, hồn nước vừa là một khái niệm thực sự bao quát, lại vừa ẩn hiện trong từng cảnh quan, từng sự vật ở khắp nơi, tưởng như không có hình thù cụ thể, mà lại có thể nhập vào bất cứ hình thù ở bất kỳ cảnh quan, sự vật nào, tạo nên dáng dấp cho mình.
Cách liên tưởng dồn dập và nhịp nhàng ấy làm ta thấy hồn nước thực sự ở rất gần ta, gắn bó với những gì cụ thể nhất của đời ta.
Hồn nước có thể xuất hiện từ một suy nghĩ vừa mới thảng thốt hình thành từ tâm trạng của Thái hậu Dương Vân Nga, trong một đêm Hoa Lư sâu thẳm, khi vua Đinh Tiên Hoàng vừa bị ám sát, mà "Lịch sử này cần phải bước qua/ Áo hoàng bào phải tìm người mặc", vì lúc đó, ở ngay sát biên cương, quân giặc Tống đã tiến đến rồi! (Đêm Hoa Lư).
Hồn nước ấy lại cũng còn mở ra cùng với những suy nghĩ cao thượng và nhân ái của đức vua Trần Nhân Tông, sau thuở "Xã tắc hai phen chồn ngựa đá", thì Người đã rời bỏ ngai vàng không chút luyến tiếc: "Từ giã ngai vàng ngay khi còn trẻ/ Quyền lực không mê hoặc lòng người", để đến với non thiêng Yên Tử: "Kinh pháp diệu huyền từ cuộc đời rất thực, Muôn sự khởi đầu từ muôn vạn tình thương". Cùng với cái tâm sáng trong và cao đẹp của Phật Hoàng: "Giữ nước không chỉ bằng gươm giáo/ Khoan sức dân - kế sách ngàn đời/ Kết nghĩa tình thân, mở mang bờ cõi/ Hòa hiếu, bang giao, yên những phương trời" (Trên đỉnh Ngọa Vân).
Không những cảm nhận hồn nước qua suốt chiều dài của lịch sử, Trần Mai Hưởng còn cảm nhận nó ngay trong không gian hôm nay của sông nước, đất trời, mà với tầm khái quát của một nhà báo năng nổ, trải lòng trên mỗi bước đi, anh đã gắn nó vào với những dòng sông, những vùng đất châu thổ phì nhiêu, rộng lớn: "Máu thịt đất nước mình, sông đã hóa thân/ Nhị Hà - sông Thao, Hồng Hà - sông Cái/ Mỗi địa danh, dòng sông như trẻ lại/ Cùng châu thổ sinh sôi những dải đồng bằng/ Từ sâu thẳm thời gian, suốt mấy ngàn năm/ Sông gắn bó vui buồn, thăng trầm cùng xứ sở/ Những triều đại nổi trôi, bên bồi bên lở/ Mạch ngầm vẫn lắng sâu: hồn nước muôn đời!..." (Chạm ngõ sông Hồng).
Và không phải hồn nước chỉ cuộn chảy theo những dòng sông đồng bằng, tác giả còn cảm nhận được hồn nước ngay trên vách đá đỉnh trời của Phan Xi Păng cao ngất:"Cuồn cuộn gió và bao la nắng/ Hoàng Liên Sơn sóng dựng ngang trời… / Xóm gần, bản xa, bình yên khói bếp/ Ấm áp đồi nương đang độ mùa vàng / Mảnh đất nơi địa đầu vững chãi/ Đá cũng mang hồn nước ngàn năm!".
Những tên đất rất xa nhau, liên tiếp xuất hiện trên các bài thơ, chứng cứ cho mật độ đi, mật độ sống rất dày đặc, phong phú, mà cũng rất đa năng của tác giả: Tĩnh Túc, Ô Quy Hồ, Lũng Cú, Hàm Rồng, Phan Xi Păng, Nho Quế, A Pa Chải, Cổng Trời, Suối Giàng, Xín Cải, La Pán Tần, Đỉnh Khau Phạ, Sa Pa,Thành Nhà Hồ, Cửa Thần Phù, Cửa Tùng, Hiền Lương, Côn Đảo, Đất Mũi, Hòn Trống Mái, Hòn Phụ Tử, v,v… Giữa những cái tên, đôi khi nghe còn xa lạ ấy, ta bắt gặp một cái tên quen thuộc, một nàng Tô Thị quá gần gũi với tâm sự cay đắng của bao người phụ nữ, trải qua ngàn đời chiến tranh, mòn mỏi chờ đợi người chồng mãi không trở lại, hoàn cảnh điển hình của đất nước chúng ta qua bao đời đấu tranh giữ nước: "Bao người đi giữ nước non/ Bồng con đỉnh núi, nàng còn ngóng trông/ Cho dù tan nát bão giông/ Nhiễu nhương muôn thuở ở trong cõi người/ Kỳ Cùng nước chẳng chảy xuôi/ Kiên trinh, nàng vẫn muôn đời thủy chung!"
Nhắc đến nàng Tô Thị, ta lại nhớ đến một bài thơ độc đáo khác của Trần Mai Hưởng, nói về một người phụ nữ khác, cũng đầy hoàn cảnh bi thương, nhưng không phải vì chờ chồng, mà lại bị chồng hắt hủi không thương tiếc, vì tham vọng "mưu bá đồ vương" của mình, bài Viếng bà Phi Yến. Ai ra thăm Côn Đảo cũng được nghe kể truyền thuyết về bà, vốn là vợ vua Gia Long thời vua còn đang long đong chưa làm nên sự nghiệp, phải đi cầu ngoại viện để đánh nhà Tây Sơn. Bà can vua: "Cùng là máu đỏ da vàng/ Cớ sao phải viện ngoại bang tương tàn". Cũng theo truyền thuyết, lúc ấy bà đang bế con nhỏ trên tay, vua nổi giận vì lời can ngăn ấy, giằng lấy đứa con nhỏ - là hoàng tử tương lai - ném xuống biển và đầy bà ở lại đảo. "Chúa còn ham mộng sơn hà/ Thì tình cốt nhục có là gì đâu!".
Bài thơ cảm động với mọi tình tiết kịch tính, thể hiện rõ tính cách từng nhân vật.
2. Bút pháp của Trần Mai Hưởng rất đa dạng. Anh vẫn luôn trung thành với tiêu chí là phải phát hiện ra được những khía cạnh tâm trạng thật sâu kín và tinh tế, có những nét khác biệt, khiến ta phải nhớ lâu.
Khi trở lại đề tài chiến tranh muôn thuở, với cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh khai thác một đề tài lạ: Miêu tả tâm trạng một bà mẹ có hai con, người con lớn đi bộ đội giải phóng, người con út lại là sinh viên vừa tốt nghiệp, thì bị chính quyền ngụy lùa vào lính, trong đợt động viên cuối cùng của cuộc chiến: "Ngày chia tay, mẹ còn kịp nói/ Anh Hai theo Giải phóng vào rừng/ Chẳng biết mất, còn, no, đói/ Bay đừng để đạn lên nòng!".
Nhưng số phận lại quá khắc nghiệt với cậu sinh viên trẻ, dù anh vẫn nhớ lời mẹ dặn: "Người lính ấy, chưa nổ phát súng nào/ Về phía người thân/ Anh đã ngã vào lòng đất/ Trong ngày cuối cùng của chiến tranh!".
Trần Mai Hưởng cũng không hề dụng công miêu tả sự kiện nào nhiều khói lửa, bom đạn của chiến tranh, mà vẫn chỉ muốn đi sâu vào tâm trạng thầm kín của con người trong chiến tranh. Và bên cạnh số phận của cậu sinh viên trẻ đi lính ngụy, phải chết tức tưởi vô ích như trong bài thơ trên, nhà thơ lại dành một bài thơ khác để nói về bi kịch cá nhân của hai vợ chồng người lính cách mạng: Người chiến sĩ chiến thắng vẻ vang trở về, tuy anh được gặp lại vợ, nhưng không thể có con được nữa. Trong ba lô anh mang về cho vợ, có một con búp bê nhựa Sài Gòn: "Con búp bê Sài Gòn/ To bằng em bé/ Váy xanh nơ đỏ, tóc bồng/ Miệng cười xinh/ Giấc mộng hòa bình!".
Nhưng đau xót, là anh bị thương tật, chị thì đã quá lứa lỡ thì, nên con búp bê trở thành em bé duy nhất mà họ có thể có: "Năm tháng trôi/ Họ thành người già/ Con búp bê ngày một cũ/ Thời gian bụi phủ!". Không thể có phép lạ nào, nên sau cùng, con búp bê phải đóng vai đứa con mồ côi duy nhất của đôi vợ chồng người lính già: "Ngày họ về thế giới bên kia/ Bàn thờ khói hương trầm mặc/ Con búp bê ngơ ngác/ Xiêu vẹo trên nóc tủ/ Một mình!".
3. Trần Mai Hưởng cũng thường xuyên nuôi dưỡng trong mình tính hài hước lạc quan, đậm chất văn nghệ dân gian, biết giễu cợt cái ác, cái tầm thường đáng khinh luôn bao vây quanh mình.
Bài thơ Hề chèo thể hiện rõ bản lĩnh của người bình dân trong xã hội phong kiến xưa, biết đứng cao hơn nỗi "buồn vui của muôn kiếp con người": "Vuông chiếu trùm khắp nhân gian/ Sân đình nghiêng ngả bao phen khóc cười/ Hề áo ngắn, hề áo dài/ Cõi trần muôn nỗi bi hài bể dâu/ Giễu mình mà chẳng dễ đâu/ Tiếng cười gánh mọi nỗi đau nhân tình!".
Cùng cách giễu đời, kiểu văn nghệ dân gian thâm thúy ấy, còn được tác giả diễn tả sắc sảo trong bài Trạng Quỳnh, mà tiếng cười sâu cay của họ, như tác giả nhấn mạnh, đã đủ làm "nghiêng ngả đám quyền uy và các vị thánh thần" trong xã hội xưa, đến nỗi ông Cống Quỳnh, vì được nhân dân yêu thích quá, đã phong ngay ông lên làm Trạng: "Người dám cho vua ăn mầm đá/ Dạy dỗ đám giàu sang trọc phú bạc tiền".
Một lẽ đương nhiên, là do họ phải sống quá vất vả và cay cực, nên nếu không tạo ra được tiếng cười lạc quan và giễu cợt ở dạng ấy, thì đơn giản là họ cũng không thể nào sống nổi: "Người dân quê lam lũ đã bao đời/ Cần tiếng cười như cơm ăn, áo mặc/ Để sống qua nhũng nhiễu của mỗi thời!".
Ngòi bút của tác giả cũng mạnh dạn đi sâu vào phê phán một số mặt yếu kém, lộ rõ trong quá trình đô thị hóa cứng nhắc, chạy theo kinh tế thị trường một cách bị động, và quy hoạch hóa còn manh mún, lộn xộn, ở một số vùng ven đô và nông thôn ngày nay. Làng quê xưa vốn êm ả, mới đây còn: "Thơm thảo lúa và hoa / Mùa qua rồi mùa đến/ Hò hẹn từ xa xưa", và : "Người làng mình ngày ấy/ Chăm chỉ và hiền hòa/ Con trai yêu con gái/ Giếng làng trăng ngân nga…" Vậy mà sau một thời gian xáo trộn đi, bị mất gốc, hóa ra "dở thành thị, dở nông thôn", và lại bị đồng tiền của kinh tế thị trường chi phối, nên thành ra: "Dân làng phiêu bạt hết/ Đất bán cho người giàu/ Nơi giếng làng ngày trước/ Giờ thành quán cơm Tàu!".
Nếu không uốn nắn kịp thời, phát huy tinh thần làm chủ của dân, tu chỉnh lại quá trình quy hoạch lộn xộn và "đô thị hóa" như kiểu ấy, thì nông thôn truyền thống sẽ bị phá vỡ một cách đáng tiếc: "Những nông dân không ruộng/ Bỗng dưng thành mồ côi/Những làng đang tan vỡ/ Hồn về đâu cả rồi! ".
Tuy nhiên, đi sâu vào bút pháp của nhà thơ Trần Mai Hưởng, điều nổi lên rõ nhất là lối viết rất kiệm lời của anh, luôn để cho "ý tại ngôn ngoại", tạo điều kiện sao cho người đọc có chỗ tự suy ngẫm để đồng hành cùng bài thơ, chứ tác giả không nói hết, không chiếm hết phần độc giả.
Có thể đơn cử một bài trong số đó, ví dụ bài Ý nghĩ trong đêm. Bài thơ giản dị; ít lời, thậm chí cách miêu tả, diễn giải cũng rất kiềm chế: "Có gì vậy/ Đêm phương Nam yên tĩnh/ Thành phố đang ngủ say/ Một mình thức giấc/ Tôi đã đến đây/ Một thời trẻ trung gian khó". Sự kìm nén cảm xúc ấy làm người đọc chờ đợi có một giây phút nào nổ bùng sau đó. Nhưng không! Tác giả vẫn chỉ điềm đạm chia sẻ thêm vài thông tin tối thiểu, hình như nói mà như không nói, như cũng chỉ để tự nhắc nhở cho chính bản thân mình: "Mùa xuân đầu tiên/ Những người đầu tiên/ Niềm vui đầu tiên/ Nỗi buồn đầu tiên".
Thế thôi! Rồi trên cái nền mờ sương ấy, tác giả rọi một tia chớp đột ngột: Cô nữ sinh áo trắn / Hồn nhiên/ Như một tia nắng/ Buổi bình minh!". Câu thơ cũng tinh khiết, trong veo như em gái nữ sinh áo trắng. Và đoạn cuối cùng: "Em có còn cầm trên ta / Những ngày xuân ấy/ Cho tôi mượn lại/ Dù chỉ một lần!" thì ta có cảm giác đó là những lời khẩn khoản, chỉ nên đọc nhẹ như lời nói thầm, mà không nên cao giọng nói to lên quá!
Bài thơ hầu như chẳng cần giải thích thêm điều gì cả, nhưng thực sự tinh tế, khiến ta "cảm" được bằng trái tim điều tác giả muốn gửi gắm, gấp nhiều lần những câu đã nói ra.
Thơ Trần Mai Hưởng đã đạt đến tầm ấy, xin chúc anh mãi mãi giữ được sự kiệm lời tinh tế như vậy: Lối nói hàm súc, "ý tại ngôn ngoại", chỉ cần nói tối thiểu thôi, mà toát lên xúc động khôn cùng, điều mà mọi nhà thơ của mọi thời đều phấn đấu để đạt đến.
"Trần Mai Hưởng biết khai thác những hoàn cảnh đặc biệt, để dựng nên những bức phác họa thơ có tính nhân văn sâu sắc. Khi có dịp đi công tác sang Mỹ, anh đã dành thời gian đến thăm nghĩa trang California, và đã viết những dòng chia sẻ với những người xa xứ, đã phải mãi mãi nằm lại ở đó: "Thập loại chúng sinh, kẻ Nam, người Bắc/ Yên nghỉ bên nhau, hàng nối tiếp hàng!/Trưa nghĩa trang, nghe lòng trĩu nặng/ Những linh hồn không siêu thoát, quẩn quanh!" - nhà thơ Bằng Việt.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất