23/07/2021 19:45 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Trường ca khiến tôi vừa cảm động vừa ngạc nhiên. Cảm động vì câu chuyện được kể bằng một giọng điệu trường ca vừa chân thực vừa lôi cuốn, vừa rất riêng.
Ngạc nhiên vì trước khi đọc trường ca này, tôi không nghĩ có một cây viết trẻ tuổi 8x mà lại tự nguyện dấn thân vào quá khứ hơn 50 năm trước của thế hệ lính chúng tôi để dựng lên một tượng đài bất tử về Chư Tan Kra bằng thơ.
Ngày chiến tranh, khi tôi vào Tây Nguyên đã thường nghe lính thì thầm về trận đánh Chư Tan Kra bi tráng. Nghe nhưng thật khó hình dung ra. Mùa Hè 1983, tôi cùng mấy nhạc sĩ Trần Trung, Vũ Thanh, Văn Thắng, Thuận Yến, Xuân Giao và Thái Cơ đi viết ca khúc cho tỉnh Gia Lai- Kon Tum.
Ở Sa Thầy, người dẫn đường thân mật kể cho chúng tôi nghe về cuộc chiến đấu của Trung đoàn mũ sắt toàn lính “đất thánh” Hà Nội với lính Mỹ ở cao điểm 995 vừa cảm tử vừa đau thương. Nhờ thế mà tôi đã viết ca khúc Sa Thầy quê hương với câu mở đầu: "Rừng đại ngàn mây vương/ Đất thánh xưa lẫy lừng”; và câu kết: “Sừng sững Chư Mom Ray mây xanh/ Còn mãi Chư Tan Kra liệt oanh/ Ngợi ca những người anh hùng/ Rạng danh Sa Thầy quê hương”.
Viết nhưng không mường tượng hết qua lời kể vắn tắt. Bây giờ, đã ngoài thất thập mới nghe tường tận về Chư Tan Kra và cuộc quyết chiến ngày 26/3/1968 qua chia sẻ của người lính mũ sắt ngày ấy tên là Hồ Đại Đồng và đặc biệt hơn khi đọc câu chuyện đó qua trường ca Chư Tan Kra mây trắng của nữ nhà thơ Lữ Mai - một cây viết trẻ sinh 1988.
Hóa ra, thế hệ nhà thơ trẻ hôm nay chẳng những viết về hiện tại táo bạo và cởi mở mà còn dám chìm đắm vào quá khứ chiến tranh để khẳng định mình.
***
Trường ca gồm 6 chương: Giấc mơ vụn, Đỉnh gió, Bên kia đại dương, Mẹ vẫn đợi con về, Gửi hòa bình và Mẹ. Bằng giọng điệu đa âm thanh, luôn ý thức đảo chiều thời gian và nới rộng không gian, Chư Tan Kra mây trắng đã thực sự lôi cuốn người đọc từ bỡ ngỡ này đến đắm say khác.
Nếu nhìn trường ca theo góc nhìn điện ảnh, như xem một phim tài liệu chiến tranh thì chương 1 được mở ra bằng một cú lia dọc xuống và sau đó là cú lia ngang chầm chậm chập chờn giữa thiên nhiên hiện tại và đoàn quân quá khứ hiện lên từ “chiếc bi đông vùi sâu nguyên nước”.
Những người lính của “đất thánh” Hà Nội “góc phố lá bay vẩy vẩy mây vàng”.
Đọc và thấy cái chất “sử thi anh hùng ca” với cái “tôi trữ tình” bện xoắn vào nhau như không thể tách rời... Tất cả như khúc dạo đầu để dẫn về hồi ức trận mạc đã xa.
Chương 2 Đỉnh gió là chương dài nhất của trường ca. Đấy là chương xen kẽ tâm tư của những người lính già đi tìm đồng đội hôm nay với những người lính hy sinh mãi mãi trẻ trung đôi mươi. Thật khó hình dung một cô gái trẻ như Lữ Mai lại có thể tái hiện lại trận chiến năm ấy bằng giọng kể như người trong cuộc, giọng kể mà chính cựu chiến binh Hồ Đại Đồng phải khâm phục là rất chân thực, không bị giả tạo, gượng gạo.
Có cảm giác như Lữ Mai bị “nhập thần” rất sâu để có đủ công lực kéo dài mạch trường ca trong cùng một hơi thở không bị đứt quãng, “thắp một bình minh âm ỉ”, dẫn bao người tìm về hồi ức. Giọng đa thanh da diết lên rất rõ. Đấy là những người lính già đi tìm đồng đội, xưa xẻng cuốc dùng để đào công sự, nay dùng để đào di hài đồng đội.
Đấy là nữ MC dẫn chương trình Đi tìm đồng đội có lẽ đồng tuổi tác giả “run run trước ống kính máy quay”. Đấy là những đứa em tìm anh, những đứa con tìm bố trong một hy vọng mỏng manh của niềm tin son sắt giữa “bụi cỏ hoa xóa trắng mặt người”. Thủ pháp đồng hiện khiến cho giọng kể không bị hời hợt, tẻ nhạt mà luôn sống động, trào dâng của “ký ức xộc mùi thuốc độc”.
Chương 3 Bên kia đại dương là một chương đặc biệt của trường ca kể về sự thật mong muốn hóa giải của những người lính Mỹ bị “hội chứng chiến tranh” nặng nề. Đấy là những nhân vật có thực đã sát cánh cùng những cựu binh đi tìm đồng đội. Đấy là pháo thủ Desyle Perryman, Steve Edmunds, L' Loyd Bedik...
“Những người lính hai bên chiến tuyến
xưa nã đạn vào nhau
giao tranh giành giật từng ụ pháo
nay tăng võng kề bên
giữa hoàng hôn buông
bỏ súng xuống
mặt mũi lơ ngơ
sững sờ đau đớn
bỏ súng xuống
cùng thắp hương lên từng nấm mộ
chợt vỡ lẽ chúng ta là bạn”
Chương 4 Mẹ vẫn đợi con về là sự òa ra của cái “tôi trữ tình” dồn nén lại từ những chương trước. Ở chương này, tác giả thỏa sức dào dạt lên bao cung bậc mà người mẹ nào có con đi xa không từng dào dạt.
“Mẹ khóc mãi không cầm lòng được
tấm bia khắc tên con theo đồng đội đến chiến trường
mẹ đau như ngày nghe tin báo tử
Nước mắt hòa sóng cuộn lòng sông”
Đất nước đã có bao người mẹ như thế. Đấy là câu hỏi luôn nhức nhối qua bao thế hệ. Có lẽ vì vậy, các cựu chiến binh nhờ sự nhớ thương dào dạt này mà đi tới được phương pháp mới để đi tìm đồng đội hiệu quả hơn.
“Nước mắt tàn canh
hơi thở ngạt dưới hầm tối lạnh
ngôi mộ chung hòa nhau từng mạch đập
dưới ấy những mùa Xuân nghèn nghẹn
nước mưa bi đông buốt mặt người về”
Chương 4 như sự cô đọng lại của tình mẫu tử muôn đời không thay đổi, là ngọn đuốc sáng soi đường cho những kiếm tìm.
Khi người lính trẻ tự nguyện hy sinh, họ ước mong gì? Chắc chắn ai cũng mong mau chóng hòa bình. Và sự hy sinh của họ đã gửi lại cho hòa bình điều gì?
Có lẽ đây thực sự là tư tưởng chủ đạo của trường ca và cũng là tên chương 5: Gửi hòa bình. Với tưởng tượng dạt dào, bút lực tuôn chảy, Lữ Mai đã thầm vẽ ra một hiện thực hôm nay ở các miền quê và ở ngay Chư Tan Kra. Một hiện thực huyền diệu mà tác giả tin rằng do những người đã ngã xuống mang tới. Và ánh sáng từ anh linh của họ vẫn chiếu rọi, vẫn nâng đỡ.
“Hơi lính trốn trong vạt áo đi rừng
các anh đùa với bầy em nhỏ
vượt lũ đến trường
băng suối về buôn”
…
“Các anh gom ngàn sao trên cỏ
từng giọt sương ngọc quý đầu cành
sáng ra nếu đàn em dậy muộn
ngọc và sao anh cất ở mây xanh
chớ vội vàng cứ đủng đỉnh với tay
bầu trời sẽ ân cần cúi thấp
trẻ nhỏ chạm vào hái được sử thi
từ đó chơi trò gì cũng đều nở ra ngày hội”
Nhưng còn có một hiện thực lớn hơn trong hòa bình, đấy là giữa đời sống bộn bề, vẫn nguyên vẹn trắng trong một tình đồng đội quyết đi tìm đến cùng những di hài, di cốt mà đồng đội mình “gửi hòa bình”.
“Cả nhân loại căng mình chống dịch
lính chiến năm xưa lại vạch lối giữa rừng
vật vã lần theo từng giấc mơ
chắp nối hành trình dang dở”
…
“Những thương binh mặt lúc nào cũng buồn
nụ cười suốt đời méo mó
ngửa cổ dốc bầu rượu hạ thổ
không đắng không nồng
Mắt mũi tuôn mưa”
Họ tự gánh lấy trọng trách này, tự nguyện như đồng đội từng tự nguyện hy sinh. Chương kết, chương 6 - Mẹ - là chương chứa chất đầy tâm niệm mà hầu như trong trường ca nào về chiến tranh đều phải tìm đến, đều phải dựa vào mà dựng lên sức sống của tác phẩm.
“Đời lính muôn đời kỳ lạ
đến tận cùng là gặp mẹ của con
khi trúng đạn
khi nằm yên trút hơi thở cuối
miệng thốt lên hai tiếng mẹ ơi
tiếng gọi đầu tiên
tiếng gọi cuối cùng
ngọn nguồn hy sinh - sức mạnh”
Trong bản giao hưởng bi tráng Chư Tan Kra, đã đến lúc nghe cả dàn nhạc hòa vang tuôn trào cao trào da diết.
“Mây thắt khăn tang lên từng đỉnh núi
mây bời bời voan trắng tóc cô dâu
trong hạnh ngộ nhuốm màu mất mát
con chạm vào thương xót tận sâu”
…
“Đó là khi con nhìn thấy mẹ
huơ đôi tay chạm bầu sữa ngọt
miệng không còn khô khát
mắt chớp nhìn ngơ ngác
Mẹ ơi!”
***
Trung đoàn mũ sắt của lính Hà thành “đất thánh” hy sinh hơn 200 người trong trận Chư Tan Kra ngày 26/3/1968, ngay ngày hôm sau, bao nhiêu người Mỹ đã xuống đường để phản đối chiến tranh, buộc Tổng thống Mỹ ngày 31/3/1968 phải ký lệnh ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và sau đó là việc tiến tới hội nghị Paris về chiến tranh ở Việt Nam. Cũng thời gian ấy, Trung đoàn mũ sắt vào đánh Đức Lập hy sinh thêm 100 người nữa. Sau đó họ phiên chế vào Sư 7 Đông Nam Bộ. Nhưng cái tên Trung đoàn mũ sắt thì còn sừng sững mãi trong đội hình Quân đội nhân dân Việt Nam thời chống Mỹ.
Tây Nguyên ngoài vị trí chiến lược là “chòi gác của đất nước” qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, bằng tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn - cựu chiến binh Bảo Ninh đã khiến cho độc giả toàn thế giới hiểu về cuộc chiến tranh ấy như thế nào, qua văn học, qua các bản dịch tác phẩm này bằng nhiều thứ tiếng. Trước đó, cũng đã nhiều độc giả biết về chiến tranh Việt Nam qua Tây Nguyên bởi đọc trường ca Bài ca chim Chơ Rao của nhà thơ, cựu chiến binh Thu Bồn. Với riêng tôi, đóng góp khiêm nhường là có trường ca Gió Tây Nguyên cũng được độc giả quan tâm, nhất là sau khi nó nằm trong tuyển Trường ca ngắn - kịch thơ được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014.
Giờ đây, nối tiếp dòng chảy này là trường ca Chư Tan Kra mây trắng của Lữ Mai. Khi biết Lữ Mai quê ở Hà Trung, Thanh Hóa, mảnh đất đã đi vào câu thơ của Vũ Đình Văn: “Người Hà Trung nhắc anh đừng sợ lạc” thì tôi tin có lẽ do trời xui đất khiến nên nữ nhà thơ bé nhỏ này đã tiếp bước rất tự tin theo nhà thơ đồng hương Trần Vũ Mai - tác giả trường ca Ở làng Phước Hậu (vốn tên là Cảm giác lạc quan) và Nàng chim Lạc. Thật tình cờ, năm nay là năm kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ Trần Vũ Mai (1991-2021) thì Chư Tan Kra mây trắng được ấn hành như một nén hương tưởng nhớ ông của một đàn cháu đồng nghiệp.
Năm 1971 nhà thơ Trần Vũ Mai đã đi qua Chư Tan Kra để rồi từ đó đi xuống Phú Yên và hoạt động ở làng Phước Hậu (nay là ngoại ô thành phố Tuy Hòa). Quãng đường đã cho ông bài thơ dài Cực Nam nổi tiếng.
Nguyễn Thụy Kha
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất