Đội bóng chuyền nữ Việt Nam trải qua cuộc chia tay lớn nhất trong lịch sử, đối diện viễn cảnh khó tin

25/10/2023 12:00 GMT+7 | Thể thao

Suốt một thập kỷ họ liên tục nằm trong top 4 CLB mạnh nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam nhưng bây giờ họ đang đối diện với nguy cơ xuống hạng.

Ngân hàng Công Thương chia tay hàng loạt ngôi sao

Trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam, ngoài BTL Thông Tin và VTV Bình Điền Long An thì Ngân hàng Công Thương là một trong những CLB giàu truyền thống nhất. Họ từng VĐQG 2016 và từng góp mặt trong top 4 đội bóng chuyền nữ mạnh nhất Việt Nam suốt 1 thập kỷ từ 2011 đến 2020.

Thật khó tin là một trong những "chị đại" của bóng chuyền nữ Việt Nam giờ đây đang đối mặt với nguy cơ xuống hạng. Câu chuyện bi kịch của Ngân hàng Công Thương bắt đầu diễn ra sau khi đội giành ngôi á quân bóng chuyền nữ Việt Nam năm 2019.

Những vướng mắc về cơ chế khiến đội bóng ngành ngân hàng phải chứng kiến tình trạng "chảy máu chất xám" lớn nhất trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam.

CLB bóng chuyền Ngân hàng Công Thương thời còn nhiều tên tuổi đình đám

CLB bóng chuyền Ngân hàng Công Thương thời còn nhiều tên tuổi đình đám

Các nhân tố tài năng của Ngân hàng Công Thương cứ lần lượt nói lời chia tay với đội bóng. Ở bộ phận huấn luyện, sau khi chuyên gia đào tạo trẻ nổi tiếng Nguyễn Thúy Oanh ra đi thì đến lượt HLV Nguyễn Tuấn Kiệt cũng rời Ngân hàng Công Thương. Hàng loạt ngôi sao như Đoàn Thị Xuân, Nguyễn Thị Xuân, Đinh Thị Thúy, Lê Thanh Thúy, Vi Thị Như Quỳnh, Trần Tú Linh, Lưu Thị Huệ…đều dứt áo ra đi chỉ trong một thời gian rất ngắn từ trước vòng 2 giải VĐQG năm 2020 đến trước thềm mùa giải 2021.

Hiện ông Tuấn Kiệt là HLV Than Quảng Ninh, các học trò Như Quỳnh, Đoàn Thị Xuân cũng đầu quân cho đội bóng chuyền nữ đất Mỏ. Đinh Thị Thúy, Lê Thanh Thúy, Lưu Thị Huệ đều khoác áo Ninh Bình LVPB, Nguyễn Thị Xuân và Trần Tú Linh đầu quân cho Hóa Chất Đức Giang.

Cuộc "tháo chạy" lớn nhất trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam đẩy Ngân hàng Công Thương vào tình trạng khủng hoảng lực lượng trầm trọng, khiến họ thi đấu vô cùng chật vật ở các mùa giải 2021 và 2022. Mùa này là mùa thứ 3 liên tiếp Ngân hàng Công Thương chắc chắn không vào được top 4 bóng chuyền nữ Việt Nam.

Thậm chí, đội bóng chuyền nữ ngành Ngân hàng đang đối mặt với nguy cơ xuống hạng lần đầu tiên trong lịch sử. Kết thúc vòng 1 giải VĐQG 2023, chỉ có Ngân hàng Công Thương và Thanh Hóa là hai đội không thắng được trận nào và đều xếp cuối cùng trong bảng đấu của họ. Ngân hàng Công Thương mới có được 2 điểm sau vòng 1, chỉ hơn Thanh Hóa (0 điểm).

Ở vòng 2, Ngân hàng Công Thương cùng ở bảng C với Ninh Bình LVPB, Geleximco Thái Bình, BTL Thông Tin và TP HCM.

Theo thể thức thi đấu của giải, hai đội xếp cuối cùng ở các bảng C và D tại vòng 2 giải VĐQG 2023 sẽ phải xuống chơi ở giải hạng A toàn quốc vào năm sau. Ngân hàng Công Thương đang tạm xếp cuối bảng C trước khi vòng 2 khởi tranh vì họ là đội ít điểm nhất (mới có 2 điểm). Đội bóng ngành Ngân hàng phải cạnh tranh với TP HCM (hiện có 3 điểm) để hi vọng trụ hạng. Trong trường hợp không cải thiện được vị trí hiện tại, Ngân hàng Công Thương sẽ phải xuống hạng và đó sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, họ rơi vào bi kịch này sau 19 mùa giải liên tiếp góp mặt ở giải vô địch bóng chuyền Việt Nam.

HT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm