Trung Quốc bức xúc vì chiến binh đất nung Tần Thuỷ Hoàng bị cho là 'giống Hy Lạp'

19/10/2016 21:59 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Vài ngày trở lại đây, nhiều tờ báo quốc tế đã đưa tin đội binh mã đất nung ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Tây Bắc Trung Quốc, được hình thành với sự góp sức của người Hy Lạp cổ đại và các nhà điêu khắc phương Tây.

Tuy nhiên, Li Xiuzhen, nhà khảo cổ hàng đầu thuộc Bảo tàng Di chỉ Lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã phủ nhận điều đó và tuyên bố lời nói của bà về sức ảnh hưởng phương Tây tới 8.000 bức tượng binh mã đất nung đã bị BBC trích dẫn sai lệch.


Tiến sĩ, nhà khảo cổ Trung Quốc Li Xiuzhen (trái) tại di chỉ đội quân binh mã đất nung ở Tây An

Theo tin của BBC, phát hành hôm 12/10, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra rằng, nguồn cảm hứng để tạo nên đội quân binh mã đất nung tại lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, có thể từ Hy Lạp cổ đại.

Bài báo này trích đăng lời Li Xiuzhen, nói rằng: “Chúng tôi nghĩ đội quân binh mã đất nung, nghệ sĩ nhào lộn và tượng đồng tìm thấy tại di chỉ này được làm với cảm hứng lấy từ nghệ thuật và các tác phẩm điêu khắc của Hy Lạp cổ đại”.

Song Li khẳng định BBC đã trích sai lời bà và bài báo đã bỏ rất nhiều thông tin mà bà đã nói với phóng viên BBC.

“Tôi nghĩ đội quân binh mã đất nung có thể lấy cảm hứng từ nền văn hóa phương Tây, song những bức tượng này được làm rất độc đáo với bàn tay của người Trung Quốc. BBC đã cường điệu những bình luận của tôi về nguồn cảm hứng phương Tây và bỏ hẳn đi những điểm chính mà tôi nói trong cuộc phỏng vấn” – Li nói.


Đội quân đất nung ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc)

Theo bà Li, tính chất địa phương và môi trường văn hóa, như đất, nghệ nhân và văn hóa tang lễ truyền thống, tất cả góp phần tạo nên sự hình thành của đội quân binh mã đất nung.

Bà Li còn nhấn mạnh rằng, bài báo đã trích đăng lời bà ngay trước lời nói của giáo sư Lukas Nickel thuộc trường Đại học Vienna (Áo), người có quan điểm trái ngược với bà song được trích dẫn theo cách khiến người đọc cảm nhận họ có cùng quan điểm.

Theo bài báo, giáo sư Nickel nói: “Tôi cho rằng, một nhà điêu khác Hy Lạp có thể đã có mặt tại di chỉ này để hướng dẫn người dân địa phương làm tượng đát nung”.

Bà Li tuyên bố: “Tôi là một nhà khảo cổ và tôi coi trọng chứng cứ. Tôi không hề tìm thấy bất cứ tên tuổi người Hy Lạp nào trên lưng các bức tượng chiến binh đất nung và điều đó ủng hộ cho ý kiến của tôi rằng, chẳng hề có nghệ sĩ Hy Lạp nào tới Trung Quốc để đào tạo các nhà điêu khắc địa phương”.

Tuấn Vĩ
Theo Tân Hoa Xã

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm