Đời sống bao cấp (Bài 13): Chuyện sơ tán (phần 1)

06/08/2014 15:35 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Chiến tranh phá hoại của Mỹ bắt đầu liên tục từ năm 1965 đến năm 1973, sau Hiệp định Paris thì chấm dứt. Đó là quãng thời gian mà những người dân sống ở các thành thị, đặc biệt ở Hà Nội, Hải Phòng phải đi sơ tán ra các vùng nông thôn.

Đó là những chuyến đi dài, gian khó và chia lìa gia đình, cũng có một số người chết ngay trong những chuyến sơ tán đó, vì bom đạn cũng không chừa các vùng nông thôn, có người chết vì bệnh tật, có người ở lại nông thôn vĩnh viễn, và có những người sau chiến tranh nhiều năm mới quay lại được nhà cũ. Những câu chuyện dài này có lẽ phải do rất nhiều người, nhiều gia đình tự kể lại. Tôi chỉ biết phần của mình và ít nhiều xung quanh mình.


Hầm trú ẩn chữ A để tránh các trận ném bom tại nơi sơ tán. Ảnh Thomas Billhardt, chụp khoảng 1972-1973. Nguồn: reds.vn

Thoạt tiên, chúng tôi còn bé nên đi sơ tán theo cơ quan của bố mẹ. Nếu nhà có con đông, hai bố mẹ làm ở hai nơi khác nhau, thì gia đình chia đôi tùy theo sao cho hợp lý, một nửa đi theo mẹ một nửa đi theo bố. Gia đình tôi một nửa anh chị đã trưởng thành, cơ quan mẹ là thương nghiệp ở lại Hà Nội phục vụ các trận địa pháo, một nửa chúng tôi còn học phổ thông nên theo cơ quan bố đi tận huyện Thanh Ba, Phú Thọ, lúc đó còn rừng xanh núi đỏ bạt ngàn, với những cây chò cao hàng chục mét.

Rồi cơ quan lại chuyển về Hà Tây, loanh quanh nhiều huyện khác nhau, các anh tôi đi bộ đội dần ngay từ nơi sơ tán, cuối cùng đến năm 1974, thì tôi và người chị còn sống ở Đông Anh trong một trường cấp 3. Trong quãng thời gian đó, cũng nhiều lần quay lại Hà Nội, do tạm ngưng chiến, khoảng thời gian ngắn trong các năm 1967, 1968, 1969, 1970 người ta có thể quay về Hà Nội một vài tháng và rồi 1971, 1972 cuộc chiến căng thẳng hẳn lên, thời gian ở sơ tán là cả năm. Đó cũng là thời gian đi lại chung cho tất cả những người sơ tán.


Đường phố tan hoang sau trận oanh tạc của máy bay Mỹ. Người dân thành phố phải sơ tán hết về các vùng nông thôn lân cân. Ảnh Thomas Billhardt, chụp khoảng 1972-1973. Nguồn: reds.vn

Lao động ở vùng sơ tán, cả người lớn và trẻ con đều phải tham gia. Ảnh Thomas Billhardt, chụp khoảng 1972-1973. Nguồn: reds.vn

Những người đi sơ tán theo cơ quan thoạt tiên được cơ quan chở đến nơi bằng ô-tô, còn từ sau đó là hoàn toàn tự túc. Ban đầu, mọi người vẫn phải quay lại Hà Nội đong gạo, sau thì có thể đong ở các kho gạo địa phương, nhưng ngoài gạo ra các địa phương lúc đó rất nghèo, nên người ta vẫn phải đi lại thành thị để tiếp tế.

Hàng tuần các đoàn xe đạp tay xách nách mang kìn kìn hai chiều từ nông thôn về thành thị và ngược lại. Chiều đi địa phương bao giờ cũng nặng nhọc, xe đạp biến thành cái xe thồ - bao gạo, chăn màn, quần áo, sách vở, bếp dầu, can dầu, can mỡ, chai nước mắm, bọc bánh kẹo, nồi niêu, xoong chảo… đủ mọi thứ lỉnh kỉnh khác. Cảnh tượng thường xuyên là vài ông bố vụng về đánh tuột tất cả các thứ ra đường, nom như một mẹt hàng xén vãi. Phụ nữ cũng phải thồ như vậy và cũng bon bon xe đạp hàng tuần trên mọi nẻo đường.

Tết nhất, ngày lễ đôi khi người ta cho gia đình về nhà chơi, thì bố mẹ mỗi người đèo đến hai ba đứa con, ngồi phía trước, phía sau xe đạp, cùng mọi thứ đồ như vậy. Hoặc chồng đèo vợ bế một con phía sau, con lớn ngồi khung phía trước, hai bên hông xe là các bao bì. Có thể nói chiếc xe đạp Thống Nhất lúc đó cực tốt mới bươn chải được như vậy trên quãng đường ngắn là 50 km, dài là hàng trăm km. Ngoài ra ai nấy phải tự mang đồ chữa xe, ít kìm búa, móc lốp, bơm cá nhân, vài viên bi, nan hoa, miếng dán, hộp nhựa và đánh săm.

Đàn ông khi đó, thậm chí đàn bà, đều chữa được xe đạp và tự cắt tóc được cả. Chiều thứ Bảy ở nơi sơ tán người ta gọi là ngày: cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết, liếc đồng hồ… để chuồn về Hà Nội. Vợ chồng trẻ chỉ gặp nhau được khi đó, chuyện riêng tư là những cơ hội hiếm hoi.

(Còn nữa)

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm