Đời sống thời bao cấp (Bài 9): Đời sống văn hóa

02/07/2014 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Phong trào bình dân học vụ xóa nạn mù chữ vốn được phát động ngay sau Cách mạng tháng 8/1945, vẫn được tiếp tục sau năm 1954, dưới tên gọi mới bổ túc văn hóa.

Ở khắp các nơi người ta tổ chức các lớp học ban đêm cho mọi đối tượng, nhất là học phổ thông cơ sở từ lớp một đến lớp mười. Giáo viên có thể lấy từ các trường phố thông cơ sở địa phương hoặc bất kỳ ai có trình độ, người học cấp hai dạy người học cấp một, người học cấp ba dạy người học cấp hai. Tuổi tác của giáo viên cũng không câu nệ gì cả, 15, 16, 17 tuổi đều có thể đi dạy, học sinh cũng vậy 30, 40, 60 tuổi đều có thể đi học.

Sau này bổ túc văn hóa được chính quy dần, dạy cho các đối tượng là bộ đội, cán bộ, công nhân, nông dân đã đi làm nhưng thiếu bằng cấp. Rồi đến phong trào học ngoại ngữ ban đêm bắt đầu từ những năm 1970, nhất là tiếng Anh và tiếng Pháp.


Dàn đồng ca thiếu nhi biểu diễn trong Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Jones Griffiths, chụp năm 1985. Nguồn: reds.vn

Sau năm 1954, nhiều công trường và nông trường XHCN được mở ra trong kế hoạch xây dựng XHCN 5 năm một. Ví dụ Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đại thủy nông Bắc Hưng Hải… thu hút hàng vạn công nhân và kỹ sư. Các văn nghệ sĩ cũng được điều đến đó theo hai dạng: dạng đi làm hoàn toàn như công nhân, nông dân và hưởng chế độ như thế, để cải tạo tư tưởng; dạng ba cùng - cùng ăn, cùng ở, cùng làm, hưởng theo chế độ văn nghệ sĩ mà mình công tác, thời gian làm ở địa phương vừa sáng tác vừa lao động, từ vài tháng đến vài năm, tùy theo, và có thể chuyển đổi địa bàn.

Cho đến nay người ta vẫn có ý kiến trái ngược, đây là thời gian không may hay may cho nghệ sĩ, vì không ít người trưởng thành từ gian khó trong thực tế, không ít tác phẩm tốt ra đời từ đó, cũng như không ít người bị đánh quỵ hoàn toàn không vẽ vời được gì cả.


Một rạp chiếu bóng tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh chụp khoảng đầu những năm 1990. Nguồn: reds.vn

Buổi giao thời của văn hóa cũ và văn hóa mới, rất nhiều nghệ nhân, cán bộ lưu dung (do Pháp đào tạo) được sử dụng như chuyên gia, xen lẫn với những nhà văn hóa, nghệ sĩ được đào tạo trong xã hội mới. Lúc đó, bất kể tuổi tác, bằng cấp, ai có tay nghề đều được kính trọng, và rồi dần dần, những người không phải là đảng viên, không được đào tạo dưới mái trường XHCN, ra ngoài và về hưu, thay thể bằng những nhà văn hóa, nghệ sĩ của xã hội mới, xấu tốt, giỏi kém lẫn lộn dần, văn hóa có chiều hướng xuống cấp, cho đến khi kinh tế thị trường hình thành thì vấn đề này trở nên rõ nét.    


Một hàng kem ở TP.Hồ Chí Minh. Ảnh chụp khoảng đầu những năm 1990. Nguồn: reds.vn

Do tình hình chiến tranh và buổi đầu của CNXH ở miền Bắc, đời sống văn hóa được quản lý chặt chẽ. Các tệ nạn mại dâm, bạo lực, trộm cắp đều được khống chế ở mức tối đa và luôn được đưa ra dư luận lên án. Thông tin xã hội cũng đơn thuần, ngoài ít báo chí, đài phát thanh, đến mãi năm 1971, mới có đài truyền hình và trong vài năm đầu chương trình rất nghèo nàn với hai buổi phát sóng hàng tuần, sau nâng thành ba buổi, và chỉ có một kênh duy nhất. 

Năm 1976, người Việt mới được xem bóng đá quốc tế khi truyền hình phát lại giải bóng đá thế giới năm 1974. Ti-vi những năm đó là vô cùng quý hiếm, nên thường được mở vào buổi tối ở ngoài đường, trước cửa đồn công an, hoặc trụ sở phường. Mọi người thưởng đến sớm, ngồi chật kín trước máy phát hình to tướng, nên trước giờ xem ti-vi người ta cho đọc báo Nhân Dân và Quân Đội nửa tiếng.

Chủ nghĩa hiện đại (Modern Art) trong nghệ thuật, ban đầu bị phê phán kịch liệt, được gọi là những cây nấm độc sặc sỡ mọc trên thân gỗ mục của chủ nghĩa tư bản, đến năm 1980, những ảnh hưởng của nó, mới được chấp nhận phần nào. Nói chung văn hóa thời bao cấp là nền văn hóa có định hướng, tương đối thuần khiết, vài lĩnh vực đạt đỉnh cao, còn nói chung nghèo nàn một chiều, nhưng ít nhất cũng tạo ra một đời sống xã hội ổn định và có lý tưởng.

(Còn nữa)

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm