Đời sống thời bao cấp (Bài 4): Phân phối & đồng lương

26/05/2014 06:31 GMT+7 | Văn hoá


(lienminhbng.org) -


Nhất gạo nhì rau

Tam dầu tứ muối

Thịt thì đuôi đuối

Cá biển mất mùa

Đậu phụ chua chua

Nước chấm nhạt thếch

Mì chính có đếch

Vải sợi chưa về

Săm lốp thiếu ghê

Cái gì cũng thiếu…

(Ca dao thời Bao cấp)


Xếp hàng trước cửa hàng thực phẩm. Mô hình trong triển lãm Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp, 1975 - 1986 tại Bảo tàng Dân tộc học năm 2007. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Từng làm kế toán trong quân đội, tôi cũng nhớ ít nhiều về các mức lương mà cán bộ binh sĩ được hưởng, còn đồng lương của cán bộ nhà nước bên ngoài thì chỉ biết theo những gì qua bố mẹ anh chị mình. Mức lương thấp nhất của người cán bộ, trong ngành kế toán là 36 đồng vào những năm 1960. Song quãng thời gian trước chiến tranh phá hoại, năm 1960, đời sống tương đối ổn định, 36 đồng người ta có thể tạm đủ sống cho mình và nuôi một đứa con, đại khái chi phí từ 2 - 5 đồng tiền thuê nhà, tiền điện nước từ 1 - 2 đồng, 1 - 2 đồng cho con đi học, ăn hai người hết 20 đồng, mặc hết 5 đồng, ngoài ra vài chi tiêu lặt vặt, là không còn gì. Nếu là gia đình, có hai vợ chồng một đứa con, lương chồng 65 đồng theo hệ đại học, vợ 36 đồng theo hệ trung cấp, thì cũng có cuộc sống ổn định, hàng tuần có thể đi xem phim, mua một hai cuốn sách, cho con đi chơi công viên, các dịch vụ xã hội khác, như y tế, vệ sinh công cộng hầu như không mất tiền. Một người tốt nghiệp đại học, mức lương là 65 đồng, phải đi thực tập chừng 2-3 năm và hưởng 75% của 65 đồng, rồi sau đó mới nhận lương chính. Mức lương cán bộ tùy theo thấp cấp, trung cấp, cao cấp mà tăng lên, đôi khi theo niên hạn, đôi khi theo thành tích, hoặc không tăng gì cả vì bị trù úm, dường như không theo quy luật nào. Nói chung chỉ có cán bộ từ trung cấp trở lên, với mức lương trên 112 đồng/tháng là đủ sống, còn trở xuống đều hết sức vất vả khi cuộc chiến kề cận. Nếu chỉ xét riêng đồng lương, người ta sẽ không hiểu vấn đề này. Nhân dân bình thường được mua 1,5 lạng thịt/tháng, nhưng cán bộ cao cấp tới 6 cân/tháng, cho nên sự chênh lệch do giá thị trường chợ đen tới 100 đồng, ngoài ra tiêu chuẩn  ưu tiên đường sữa, chè thuốc, hàng phân phối cũng tạo ra sự chênh lệch đến 100 đồng nữa. Trong khi đó các gia đình cán bộ thông thường tương đối đông con, bình thường là ba con, đông là bảy đến chín con, với hai người đi làm đồng lương cán bộ thì tất cả chỉ là sao cho đủ ăn, không còn đầu óc nào cho việc khác. Thời kỳ Bao cấp, không nhất thiết người ta phải tốt nghiệp đại học mới có thể đi làm, hệ trung cấp, cao đẳng, tay nghề tốt không bằng cấp là được rồi, ngoài ra trong lĩnh vực sư phạm do thiếu giáo viên nên có nhiều lớp học 7 cộng 2 (mới tốt nghiệp lớp 7 học thêm hai năm nữa), 10 cộng 2, 10 cộng 3 dạy từ mẫu giáo đến trung học cơ sở - chính là những người hưởng lương bậc thấp trong phạm vi từ 32 đến 40 đồng/tháng. Đời sống của những người này rất gian khó. Trong sinh hoạt cơ quan, người ta vay nhau điếu thuốc, lạng chè, vài hào, và đòi nhau đến vài xu, cũng như sinh hoạt xóm giềng, vay nhau vài thìa nước mắm, muôi mỡ, nhúm muối, một hai bát gạo, lạng đường là hết sức thông thường. Điều mà nhiều người bây giờ không thể tưởng tượng được. Mẹ tôi làm ở một cửa hàng ăn uống, người ta rán bánh rán và quẩy nhiều lần trong một chảo dầu mỡ, cho đến khi chảo dầu cặn này đen kịt lại, thì mới bán rẻ cho nhân viên. Nhà tôi thường dùng mỡ dầu đen đó vừa xào rán vừa thắp đèn lúc mất điện, đến giờ mà không bị ung thư thì phải nói là trời thương.


Phố Tô Tịch (Hà Nội), khoảng những năm 1980. Ảnh: John Ramsden

Giá trị của đồng lương cứ thấp dần khi kinh tế đi xuống. Theo những thống kê kinh tế Việt Nam năm 1955 - 2000, thì mức lương năm 1880 so với năm 1978 chỉ còn 51,1%, năm 1984 còn 32,7%. Vào khoảng những năm 1984, đồng lương của cán bộ trong sinh hoạt gia đình chỉ đủ dùng trong một tuần. Vậy còn những ba tuần nữa, người ta phải sống làm sao. Làm thêm là tất yếu với mọi người có thể lao động được - buôn bán vặt, quấn thuốc lá, bơm xe đạp, đổi gạo thuê, dạy học thêm, làm ca đêm… nghĩa là ai nấy đều phải làm tất cả những gì có thể làm được để có thêm thu nhập khi đồng lương không nuôi sống được mình và gia đình.


Một phụ nữ đang đổ mực vào ruột bút bi. Đây là một nghề phụ kiếm sống ở Hà Nội thời bao cấp. Ảnh: Philip Jones Griffiths

Biển nhận may quần áo của một gia đình ở phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội. Đây cũng là một nghề phụ của phụ nữ thời gian này. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm