Đời sống thời bao cấp (Bài 7): Chợ đen

14/06/2014 17:21 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Sự phân phối ban đầu chủ yếu là những hàng hóa nguyên bộ (xe đạp, xô chậu) sau này được phân phối chi tiết hơn vài viên bi xe đạp, cái săm, cái lốp, cục pin, quận chỉ, cái kim, vài quyển vở, vài tập giấy, vài cái bút chì… có lẽ chỉ còn có vài quả ớt là chưa phân phối. Thoạt tiên người ta tưởng chỉ trong thời chiến tranh mới khó khăn như vậy, nhưng ngay sau thời điểm hòa bình 1975, và sớm hơn là từ 1973 sau Hiệp định Paris về Việt Nam, hàng viện trợ giảm dần đến chỗ không có tý nào. Sau cuộc chiến thực sự là khó khăn trong khi hàng vạn vết thương còn chưa lành, hàng vạn vấn đề phát sinh. Chợ đen khắp nơi phát triển đến mức nhiều mặt hàng nhà nước không kiểm soát nữa.


Bến phà qua sông, nơi hàng hóa được vận chuyển bằng gồng gánh từ vùng này sang vùng khác. Ảnh: Gunter Mosle, chụp khoảng trước 1975. Nguồn: reds.vn

Chợ đen không phải là một cái chợ theo đúng nghĩa, mà là cách phân mua bán hàng hóa chui cố gắng tránh sự kiểm soát của Nhà nước. Nó diễn ra đủ mọi nơi, mọi thời điểm, thậm chí ngay cả những người quản lý thị trường cũng không phải không có lúc dùng hàng chợ đen. Một nhà nuôi con lợn sẽ lẳng lặng giết thịt sao cho lợn không kêu, những người gần đó cũng lẳng lặng đến mua từng gói nhỏ một vài người một. Cả con lợn bị phân tán lặng lẽ như chưa từng được nuôi. Đó là chợ đen, những hình thức mua bán chuyền tay phát triển hơn bao giờ hết thời hậu chiến tạo thành một mạng lưới dân gian sôi nổi không kém gì thời hoạt động bí mật. Ở nông thôn, do hầu hết các mặt hàng thiết yếu không được cung cấp như thành thị, người ta có xu hướng tự cung tự cấp trở lại. Những bà già dựng lại khung cửu, thợ mộc, thợ nề, và thợ thủ công nói chung âm thầm hoạt động nghề trở lại sau thời kỳ hợp tác xã không thành công. Nghề đồng nát rất phát triển, trong đó các bà đồng nát chuyên thu gom phế liệu đổi kẹo, mua rẻ tiền cho các thợ thủ công tái chế, họ rất được người phương Tây ca ngợi như những nhà môi trường sớm. Khái niệm rác lúc đó chưa mấy được quan tâm vì hầu hết rác thải được thu gom từ sớm. Các chợ phiên ở nông thôn sau năm 1965 có thể nói vẫn hoạt động bình thường, rau quả củ, lợn gà, đồ mây tre đan, vải mộc, chút gạo thóc, nhất là khi những người thành thị về nông thôn sơ tán chiến tranh phá hoại không thể không cần đến chợ phiên. Ngày nào cũng có cuộc giằng xé giữa những anh quản lý thị trường và mấy bà già buôn thúng bán mẹt, đôi khi rổ rá quăng quật lung tung, rau cỏ ném bừa bãi, nhưng rồi chợ vẫn họp, rồi lại đùng một cái máy bay ném bom, tất cả quăng thúng mẹt thoát thân. Lời lãi ở chợ phiên nông thôn rất thấp, có mất cả gánh hàng cũng chỉ là vài đồng bạc. Mớ rau, nải chuối, gói kẹo bột, rổ tép riu… nhưng cũng là đồng quà tấm bánh cho phong tục sống của người Việt.


Đường phố Hà Nội đầu thập niên 1980, nơi những dân phe chợ đen hoạt động chủ yếu. Ảnh: John Ramsden. Nguồn: reds.vn

Từ sau năm 1973, ngày càng có nhiều thương binh, bộ đội giải ngũ, việc đầu tiên của họ là củng cố lại kinh tế gia đình. Chủ nghĩa công thần bắt đầu nổi lên và những thương binh, bộ đội dùng ảnh hưởng của mình trong việc buôn bán giằng co với thương nghiệp. Họ họp thành từng đoàn, thậm chí có cả đoàn thương binh hỏng mắt nắm ba lô nhau đi buôn gạo, quế, thuốc lá, chè, rượu… - cảnh tượng không khỏi khiến người ta rơi nước mắt huống chi còn bắt hàng. Rượu lúc đó được đựng vào túi ni lông dầy hay lốp cao su rồi nhét vào bị bùng nhùng như nhốt con chó con được chuyền cho khắp các quán nước. Dân Bát Tràng làm bát chui, từ một giờ sáng đã phải thồ theo đường đê ra Hà Nội, đầu cầu Long Biên đã có cánh thương binh chống nạng ở đó đưa vào chợ Bắc Qua. Nếu theo phân phối, mỗi gia đình hàng năm không có vài cái bát, nên bát ăn cơm Bát Tràng lúc đó rất mỏng hay vỡ cũng vẫn được ưa chuộng. Trong gia đình nếu đứa trẻ vụng về đánh vỡ bát là đủ lĩnh vài cái tát vào mặt.


Bên trong một xưởng sản xuất đồ mây tre đan thời bao cấp. Ảnh: Jones Griffiths. Nguồn: reds.vn

Như ngọn cỏ len lên từ kẽ đá, khó khăn mấy con người cũng phải sống. Thời chiến tranh và thời bao cấp đã thử thách tột cùng người Việt Nam, nhưng để lại vết hằn tâm lý đến mức cho đến bây giờ nhiều người đã giàu có vẫn tham lam tích lũy, nhặt nhạnh như những kẻ sắp chết đói.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm