Đời sống bao cấp (Bài 14): Chuyện sơ tán (phần 2)

07/08/2014 16:14 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Tất cả những con đường dẫn đi các tỉnh xa nếu tính từ Hà Nội là Hà Tây, Hòa Bình, Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang và những tỉnh miền núi xa hơn khi đó đều bị đánh bom tan nát. Quốc lộ có trải nhựa nhưng chỉ tốt từng đoạn, còn lại bị bom và sửa chữa nhanh không đồng đều, các đường liên huyện đều bằng đất đắp, hoặc trải đá dăm, mùa nắng rất bụi còn mùa mưa rất lầy lội. Đó là những con đường mà dân sơ tán sẽ phải gian khó đi qua. Xe ô-tô chạy về địa phương thường chỉ có 1, 2 chuyến/ngày, nên đi bộ chừng 30 km là việc thường của rất nhiều người. Khi những quả bom lớn rơi ngay giữa đường, công binh chưa kịp tháo, đoàn người sơ tán rẽ ra hai bên đường ruộng vẫn xe đạp lỉnh kỉnh như vậy lội và vác dưới ruộng lầy. Cuộc sống gian nan và vận động như vậy, hóa ra lại khỏe người, hầu như không có ai ốm đau bệnh tật, và nếu có thì chắc chết vì chả có bệnh viện hay thuốc men gì. Hà Tây là tỉnh hứng chịu nhiều đợt sơ tán nhất, hầu như tất cả các gia đình nông thôn Hà Tây đều ít nhất vài lần chứa chấp người thành thị, có thể nói đó là sự hy sinh lớn lao trong chiến tranh, họ phải nhường nhà, nhường giường chiếu, bàn ghế, trường học và nhiều sinh hoạt riêng tư cho người sơ tán, các đình, đền chùa đều được trưng dụng làm kho tàng, trường học, công xưởng cho các cơ quan.


Trẻ em nông thôn tại Thái Nguyên, một trong những an toàn khu từ kháng chiến chống Pháp và là nơi sơ tán thời chiến. Ảnh: Gunter Mosler. Nguồn: paranomio.com

Trừ một vài trường chuyên đi sơ tán cả trường như các trường năng khiếu (mỹ thuật và âm nhạc), còn lại học sinh phổ thông bình thường lúc đó sơ tán về địa phương học tại trường địa phương. Cho đến những năm 1970, nhiều trường cấp 3 ở Hà Nội mới sơ tán theo trưởng. Việc học cùng với học sinh địa phương ban đầu cũng có những vấp váp nhất định, do hoàn cảnh sống lúc đó, một thời gian dài giữa nông thôn và thành thị có những cách biệt, nhưng có thể nói, những thầy cô giáo và cán bộ Đoàn địa phương đã chăm sóc rất tốt học sinh sơ tán. Bất cứ học sinh sơ tán nào cũng có thể cầm học bạ đến trường địa phương tự xin học, giáo viên địa phương được chuẩn bị tốt cho việc này. Trường có thể bán khoai sắn rẻ cho học sinh sơ tán, hướng dẫn các em đi cùng học sinh địa phương, và tìm cách cho hòa nhập sinh hoạt Đoàn, Đội, nhất là khi chúng không có bố mẹ ở đó. Học sinh Hà Nội cũng phải tham gia mọi lao động và công việc của trường ngoài giờ học và cũng được khuyến khích tham gia lao động hợp tác xã vào vụ mùa cùng với các bạn địa phương.


Lớp học tạm trong chiến tranh. Ảnh: Gunter Mosler. Nguồn: paranomio.com

 Việc sơ tán cả trường phổ thông lúc đó rất gian nan, ngoài học sinh Hà Nội phải đóng góp rất nhiều thứ và sinh hoạt chung, nồi niêu chăn màn. Bàn ghế thì đóng theo kiểu cơ động, bàn gập, ghế thấp như ngồi trên sàn nhà, dưới sàn nhiều hào giao thông được đào thông ra hầm chữ A. Dân địa phương sẽ giúp việc xây lớp học, thực ra là nhà tre trát vách đất. Các trường đại học ở Hà Nội thì phân tán trong một khu vực lớn có lẽ rộng đến một huyện với nhiều khoa khác nhau, ở những làng khác nhau. Khi chiến tranh ác liệt, ngay cả trường huyện địa phương cũng rút về làng, các lớp học cũng phân tán tại các lán tạm thời và đình chùa làng. Đến tuổi 17, 18 hầu hết học sinh đều muốn tham gia bộ đội và có thể nhập ngũ ngay tại địa phương mình sơ tán.


Tranh thủ học toán khi chăn trâu. Ảnh: Thomas Billhardt, chụp khoảng 1972-1973. Nguồn: reds.vn

 Nếu một cơ quan, trường học sơ tán tập thể thì phải tự tổ chức bếp ăn, còn những người sơ tán lẻ nấu ăn riêng hoặc cùng với chủ nhà. Vào những lúc ngưng chiến, nhiều thanh niên sơ tán mời các bạn địa phương ra Hà Nội chơi vài ngày, nhiều người trở thành vợ chồng, nhiều gia đình kết thân mãi mãi, những mâu thuẫn do sinh hoạt va chạm cũng có, nhưng về căn bản đó là thời mà cái nghĩa đồng bào trở nên tương thân tương ái hơn bao giờ hết. Trong các trường địa phương, có nơi giáo viên Hà Nội chiếm đến một nửa, nhiều người sau những năm 1976 - 1980 mới trở lại Hà Nội và việc đó cũng không dễ dàng.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm