19/10/2014 06:03 GMT+7 | Các ĐTQG
(lienminhbng.org) - Nếu như U19 Việt Nam mà nòng cốt là các cầu thủ thuộc Học viện HA.GL Arsenal JMG được sự bao bọc, chăm sóc đến từng chi tiết của bầu Đức thì U19 Myanmar cũng nhận được sự hậu thuẫn cực lớn từ tỷ phú Zaw Zaw.
Ông trùm kinh tế sinh ra tại Irrawaddy (Myanmar) này đang được tận hưởng men say chiến thắng cùng các cầu thủ U19 Myanmar, những người đã làm nên kỳ tích cho bóng đá Myanmar với tấm vé dự World Cup U20 thế giới 2015.
Tuy nhiên, không phải cho đến khi U19 Myanmar vượt qua U19 UAE tại tứ kết VCK U19 châu Á 2014 để qua đó giành quyền vào thi đấu bán kết, đồng thời chính thức đoạt vé dự World Cup U20 thế giới thì cái tên Zaw Zaw mới trở nên thân thuộc với những người yêu bóng đá Myanmar.
Sinh ngày 22/8/1967, tỷ phú Zaw Zaw đang là một trong những nhân vật có tiếng tăm nhất Myanmar. Ông được biết đến như một ông trùm kinh tế, sở hữu Tập đoàn Max Myanmar Group.
Đây là Tập đoàn kinh doanh đa ngành từ du lịch, giao thông vận tải, ngân hàng, công nghiệp… Bàn tay của Zaw Zaw chạm đến gần như mọi lĩnh vực kinh tế của Myanmar.
Lên làm Chủ tịch LĐBĐ Myanmar từ năm 2005, ông Zaw Zaw đã đầu tư mạnh mẽ cho công tác đào tạo trẻ. Với tiềm lực tài chính khổng lồ, Zaw Zaw cho xây dựng 2 Học viện bóng đá trẻ tại Myanmar đồng thời khởi động Dự án đào tạo trẻ trên toàn đất nước có giá trị lên đến 1,5 triệu USD.
Nếu xét về mức độ chịu chi cho bóng đá thì tỷ phú Zaw Zaw không thua kém gì bầu Đức, Chủ tịch Tập đoàn HA.GL, Phó Chủ tịch VFF. Khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 làm Chủ tịch LĐBĐ Myanmar (MFF), ông Zaw Zaw thậm chí đã không ngần ngại bỏ tiền cá nhân ra để chi cho các hoạt động của MFF cũng như đầu tư cho các đội tuyển trẻ tập huấn, thi đấu cọ xát ở nước ngoài.
Kể từ khi ông Zaw Zaw làm Chủ tịch MMF cho đến nay, Myanmar đã xây dựng được các Học viện bóng đá ở Yangon, Mandalay, Pathein và Taunggyi, với sự hỗ trợ từ phía LĐBĐ thế giới (FIFA).
Riêng với đội tuyển U19 Myanmar, lứa cầu thủ được nước này đặt nhiều kỳ vọng cũng có rất nhiều chuyến tập huấn nước ngoài trong suốt 2 năm qua và thể hiện sự tiến bộ rõ rệt. Hồi tháng 8, U19 Myanmar đã vượt qua U19 Việt Nam với tỷ số 4-3 trong trận chung kết Hasanal Bolkiah Cup tổ chức tại Brunei.
Sau đó, dù thua U19 Việt Nam 1-4 tại bán kết giải U19 Đông Nam Á mở rộng 2014 nhưng đến VCK U19 châu Á 2014, U19 Myanmar với lợi thế sân nhà đã thi đấu đầy tự tin và tận dụng tốt cơ hội để đạt mục tiêu lọt vào VCK U20 thế giới 2015. U19 Myanmar cũng là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á được hưởng vinh dự này.
Có tiềm lực tài chính hùng mạnh, không tiếc công sức đầu tư nhưng chưa khi nào người hâm mộ bóng đá Myanmar thấy ông Chủ tịch MFF Zaw Zaw tuyên bố đặt mục tiêu gì cho đội tuyển U19 nước này. Ngay chính việc ông Zaw Zaw tin tưởng HLV người Đức Gerd Zeise suốt 4 năm qua và giao cho ông thầy này nhiều công việc từ đội U16, U19 cho đến U21 đủ thấy bóng đá Myanmar làm đào tạo trẻ có hệ thống.
Và điểm khác biệt lớn nhất giữa bóng đá Việt Nam và Myanmar, giữa bầu Đức và tỷ phú Zaw Zaw chính là số Học viện bóng đá trẻ, doanh nghiệp tại Myanmar quan tâm đến bóng đá trẻ không phải hiếm.
Với cách làm toàn diện, bài bản và khoa học như vậy, việc U19 Myanmar thành công hơn U19 Việt Nam hẳn không phải ngẫu nhiên.
Lâm Chi (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất