22/05/2014 08:00 GMT+7 | Bóng đá Đức
(lienminhbng.org) - “Tôi không đến Brazil để tận hưởng ánh mặt trời. Tôi có mục tiêu rõ ràng. Đó tất nhiên là chiếc Cúp vàng”. Philipp Lahm nói như thế với nhật báo Bild. Chàng đội trưởng bé nhỏ của ĐT Đức đến Brazil để chinh phục điều vĩ đại nhất.
Sau cuộc khủng hoảng cục bộ ở những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20 và đầu những năm 2000, sự xuất hiện của thế hệ của Lahm cùng cuộc cách mạng về lối chơi của Juergen Klinsmann đã mang lại một sức sống mới cho ĐT Đức. Người ta gọi thế hệ của Lahm, của Schweinsteiger là thế hệ vàng.
Vàng nhưng chưa phải vàng mười
Trên thực tế, đó đúng là lực lượng tốt nhất và hùng hậu nhất mà người Đức có được sau thành công rực rỡ những năm 1970 của những huyền thoại Beckenbauer, Gerd Mueller…Những gì Lahm và các đồng đội đã làm được là vô cùng đáng ngưỡng mộ. Kể từ World Cup 2006, họ luôn ít nhất đi đến bán kết các giải đấu lớn mà mình tham dự - thành tích mà không có bất kì đội bóng nào trên thế giới có được.
Không những thế, Mannschaft còn làm mê đắm lòng người bằng một lối chơi tấn công khoáng đạt, đẹp mắt và cực kì hấp dẫn. Đấy là những lí do mà thế hệ của Lahm được coi là một thế hệ vàng. Thế nhưng, điều đáng tiếc vàng đấy chưa phải là vàng mười, khi mà họ liên tục gục ngã khi đã ở rất gần ngưỡng cửa thiên đường.
Tại World Cup 2006 và Euro 2012 là thất bại trước người Italy đều ở bán kết. Xen giữa đó là thất bại trước Tây Ban Nha tại Euro 2008 (chung kết) và World Cup 2010 (bán kết), theo cùng một kịch bản đau đớn, chỉ bởi một nhát kiếm duy nhất của đối phương.
Bây giờ hoặc không bao giờ
Có đến 3/4 lần, đội bóng của Lahm chỉ chịu buông súng trước những nhà vô địch. Đấy có thể đơn giản chỉ là một sự thiếu may mắn. Nhưng với việc thất bại lặp đi lặp lại như vậy thì người ta hoàn toàn có quyền nghĩ rằng Loew và các học trò có vấn đề. Họ thiếu bản lĩnh và cái đầu lạnh vốn là đặc sản của người Đức để vượt qua những thời điểm quyết định. Lịch sử vốn chỉ nhớ tên người chiến thắng. Hành trình mà đoàn quân do Lahm làm đội trưởng đã trải qua là rất đáng nể, nhưng nếu không có những danh hiệu cụ thể, họ sẽ chỉ được nhớ đến như những kẻ chiến bại (dù vĩ đại).
Thế hệ của Lahm cần một chiếc Cúp ở cấp độ ĐTQG để sánh cùng với các bậc tiền bối; để có thể thực sự trở thành những huyền thoại của bóng đá Đức và quan trọng hơn nữa để vàng đúng là vàng mười. Tâm sự trên tờ Bild, Lahm đã nhận định rằng World Cup 2014 gần như chắc chắn sẽ là kì World Cup cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ của anh. Đấy cũng là điều dễ hiểu, bởi gánh nặng tuổi tác là thứ chẳng chừa một ai. Ở kì World Cup sau đây 4 năm, Lahm hay Schweinsteiger đều sẽ bước lên hàng lão tướng và nếu có góp mặt thì họ cũng khó có thể tiếp tục gánh vác trọng trách ở ĐT Đức.
Vì thế, kì World Cup tại Brazil lần này cũng sẽ là cơ hội cuối cùng để Lahm viết nốt chương cuối dang dở trong sự nghiệp của mình. Sau khi đã giành đủ mọi vinh quang trong màu áo CLB, đặc biệt là sau cú ăn 3 lịch sử ở mùa giải năm ngoái, một chiến quả ở ĐTQG sẽ càng trở nên quan trọng với Lahm. Nó sẽ giúp anh – một trong những cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Đức có thể khép lại sự nghiệp của mình trong viên vãn, thay vì day dứt, tiếc nuối!
5 Lahm xếp thứ 5 trong số những cầu thủ có số lần khoác áo ĐT Đức nhiều nhất trong lịch sử với 105 lần. Hiện chỉ có Klose (131 lần), Podolski (112 lần) là những cầu thủ đang còn thi đấu có số lần khoác áo ĐTQG nhiều hơn Lahm. 6 World Cup 2014 sẽ là giải đấu lớn thứ 6 cùng ĐT Đức của Philipp Lahm. Trước đó, anh đã tham dự các kì Euro 2004, 2008 và 2012 cùng World Cup 2006, 2010. 45 Trong số 105 lần khoác áo ĐTQG thì có 45 trận Lahm có vinh dự đeo băng đội trưởng. Trong lịch sử ĐT Đức chỉ có 4 người khác đảm nhiệm trọng trách ấy nhiều lần hơn anh |
Đức Phan
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất