Thanh Hào, Bửu Ngọc và chuyện ứng xử với tuyển thủ quốc gia

19/12/2014 12:45 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Là người trực tiếp đàm phán với Bửu Ngọc, Thanh Hào (cũng như tất cả các trường hợp đến và đi tại CLB TĐCS.Đồng Tháp khác), nguyên Giám đốc điều hành (GĐĐH) Lê Ngọc Chức đã thừa nhận, đội bóng đã sai về lý khi chậm trễ tiền lương thưởng, suốt nhiều tháng. Mặt khác, ông Chức cũng chia sẻ rằng cầu thủ cũng cần nghĩ đến cái tình.

Cái tình mà ông Chức đề cập ở đây là, Bửu Ngọc, một người con của Đồng Tháp và nhờ có bóng đá Đồng Tháp, người ta mới biết đến anh. Hay nói cách khác, nhờ bệ phóng là đội bóng quê hương, Bửu Ngọc mới có cơ hội lên đội tuyển và được nhiều CLB khác để ý, đề nghị ký hợp đồng.

Nhưng, CLB bóng đá Đồng Tháp (hay cụ thể là Công ty TNHH bóng đá Đồng Tháp, với ông Chức là GĐĐH), cũng quên không nhắc một điều rằng Ngọc đã chơi bóng, đã cống hiến rất nhiều cho bóng đá Đồng Tháp, từ các tuyến trẻ của đội bóng đến khi lên đội 1, trong thời gian hơn nửa thập niên.

Đào tạo thành hình một cầu thủ có thể chơi bóng chuyên nghiệp vốn nhọc công, song không thể vì thế mà xem nhẹ những quy tắc, luật lệ. Lò đào tạo ký hợp đồng với cầu thủ trẻ, nhưng khi đội 1 có nhu cầu sử dụng cầu thủ đó thì buộc phải ký mới hợp đồng. Khi TĐCS.Đồng Tháp chuyển giao cho chủ đầu tư mới, Ngọc hoàn toàn có quyền từ chối ký tiếp.

Ngay khi Hợp đồng đào tạo và sử dụng cầu thủ trẻ còn nguyên giá trị (từ 23/8/2010 – 23/8/2014), Bửu Ngọc đã chơi bóng cho đội 1 với mức lương được nhận dao động từ 650.000 đồng đến 1.300.000 đồng/tháng. Khi Ngọc được gọi vào đội dự tuyển và chương trình quốc gia (gọi nôm na là các ĐTQG), mức lương được nâng lên là 1.500.000 – 3.000.000 đồng/tháng. Tất cả đều được ghi trong trong phụ lục 1, Hợp đồng đào tạo và sử dụng cầu thủ trẻ.

Thanh Hào (trái) đã được rời khỏi Đồng Tháp để đến với Hà Nội.T&T. Ảnh: Quang Nhựt

Kể từ ngày Bửu Ngọc ký hợp đồng chuyên nghiệp (thay thế cho Hợp đồng đào tạo và sử dụng cầu thủ trẻ), 1/1/2013, anh mới chính thức nhận mức lương 18 triệu đồng/tháng.

Ngoài lương, Bửu Ngọc (cũng như Thanh Hào) không nhận được khoản phí ký hợp đồng nào. Trước và sau khi vụ tranh chấp quyền lợi giữa Bửu Ngọc và đội bóng chủ quản Đồng Tháp (chính ra là Công ty TNHH bóng đá Đồng Tháp, vốn đã chính thức bị giải thể kể từ ngày 31/10/2014 và hiện được thay thế bằng Công ty CP phát triển bóng đá Đồng Tháp, với chủ đầu tư mới), thủ môn này vẫn là tuyển thủ quốc gia.

Bửu Ngọc, thủ môn được đánh giá là đầy triển vọng, đã bắt đầu chơi cho U23 Việt Nam, rồi đội tuyển Olympic Việt Nam, ĐTQG, kể từ SEA Games 2011, khi anh mới 20 tuổi (Ngọc sinh năm 1991).

Nền bóng đá chưa có bộ khung ứng xử với các cầu thủ thuộc biên chế các ĐTQG, những người được xem là nguyên khí quốc gia, song ngay ở khía cạnh con người, khía cạnh cuộc sống và công việc của một cầu thủ đơn thuần, dường như Bửu Ngọc cũng có lý do chính đáng để quyết rời khỏi đội bóng Đồng Tháp.

6 tháng lương chưa trả cùng rất nhiều khoản thưởng khác bị khoanh vùng “nợ xấu” với một người không có khả năng và điều kiện tích luỹ trước đó như Bửu Ngọc thì thử hỏi anh (và gia đình) sống bằng gì?! Nếu vì tình hình khó khăn mà không thể bảo đảm cuộc sống cho Bửu Ngọc thì Đồng Tháp hoàn toàn có thể tiến hành chuyển nhượng thủ môn này cho CLB khác để thu lại một khoản tiền không nhỏ, thay vì để rơi vào cảnh phải lôi nhau ra tòa như hiện nay.

Trần Hải
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm