11/12/2024 13:21 GMT+7 | Văn hoá
Cần xác định hệ giá trị đặc trưng của con người Hà Nội: Làm rõ các phẩm chất cốt lõi như hào hoa, thanh lịch, thân thiện, hòa bình, văn minh, sáng tạo. Lượng hóa các chuẩn mực của người Hà Nội thành tiêu chí cụ thể để đo lường và phát triển các giá trị văn hóa đặc trưng này.
Sáng 11/9, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức Hội nghị tọa đàm Triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong tình hình mới gắn với xây dựng chuẩn mực, tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Kỷ nguyên mới, Thủ đô Hà Nội phải là địa phương đi đầu
Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh nêu rõ: Hội nghị tập trung thảo luận 2 vấn đề trọng tâm: Thứ nhất là xác định hệ giá trị đặc trưng của con người Hà Nội: Làm rõ các phẩm chất cốt lõi như hào hoa, thanh lịch, thân thiện, hòa bình, văn minh, sáng tạo, đồng thời nhấn mạnh yếu tố đại diện cho vị thế Thủ đô. Thứ hai là lượng hóa các chuẩn mực của người Hà Nội thành tiêu chí cụ thể là một bước quan trọng để có thể đánh giá, đo lường và phát triển các giá trị văn hóa đặc trưng này.
Tiêu chí xây dựng người Hà Nội phải phù hợp với bối cảnh mới với phương trâm cụ thể, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện. Việc xây dựng các chuẩn mực và tiêu chí người Hà Nội không chỉ nhằm nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân mà còn góp phần gia tăng sức cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế của Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận xã hội và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đối diện với không ít thách thức. Sự giao thoa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và ảnh hưởng quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng một hệ giá trị con người phù hợp với thời đại, đồng thời khẳng định tính đại diện của Thủ đô đối với cả nước… Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Tuyên giáo Thành ủy tăng cường tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh; trong đó xác định xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, tiến hành thường xuyên.
Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng cũng cho rằng, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa là nguồn sức mạnh mềm mà các nước trên thế giới đều tập trung phát triển. Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia, một trong tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và quan hệ quốc tế. Thủ đô Hà Nội với bề dày hàng nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa các giá trị văn hóa. Đây là một ưu thế của Thủ đô Hà Nội.
"Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình dân tộc thì Thủ đô Hà Nội cũng là một địa phương đi đầu trong việc triển khai này. Và chúng ta thấy rằng, Hà Nội ngày càng phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa con người trong việc tạo thành nguồn lực nội sinh để phát triển Thủ đô. Hà Nội coi văn hóa là nguồn lực, động lực, là sức mạnh nội sinh để phát triển Thủ đô" - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng khẳng định.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng nhận định, Hà Nội sẽ trở thành một thành phố thông minh, thành phố sang tạo, thành phố phát triển thì chúng ta cần phải coi trọng vấn đề phát triển văn hóa. Với số lượng di tích, di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội rất lớn, cùng với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đứng đầu cả nước… là nguồn tài sản rất quý của phát triển văn hóa. Và để văn hóa Hà Nội đi đầu, gương mẫu thì chung ta phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Và muốn xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thì phải có tiêu chí và tiêu chí cần phù hợp với tình hình mới hiện nay.
Chuẩn mực Người Hà Nội phù hợp với tình hình mới
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng khẳng định, trong tình hình hiện nay, việc xây dựng, tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, gia đình cần có những chương trình, kế hoạch vừa mang tính chiến lược, vừa cụ thể. Hà Nội đã xây dựng được bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, nơi công cộng, ở thôn, tổ dân phố xây dựng các hương ước, quy ước… là những điều rất cần thiết trong đời sống hàng ngày. Và việc hoàn thiện các tiêu chí xây dựng chuẩn mực Người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế thực sự cần thiết. Trong quá trình tổ chức thực hiện cần lưu ý đến yếu tố địa phương, cần thận trọng để phù hợp với văn hóa, tập tục, phong tục, tập quán mỗi địa phương.
Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Hoàn Kiếm Trần Thị Thúy Lan cho hay: Việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch văn minh được Quận Hoàn Kiếm coi là động lực để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Điều này đã được cụ thể hóa trong nhiều phong trào được đề ra, như xây dựng "Gia đình văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa"…; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh. Quận Hoàn Kiếm duy trì, phát huy những giá trị sẵn có và xây dựng một hệ giá trị gia đình bền vững tập trung tuyên truyền để người dân trên địa bàn quận nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển của xã hội. Coi đây là một tiền đề để giúp triển khai thực tế các kế hoạch hành động xây dựng gia đình Thủ đô tiến bộ
Thông qua triển khai các giải pháp, bước đầu ghi nhận những kết quả khả quan với nhiều mô hình, sáng kiến hay, góp phần đưa các nội dung chương trình từng bước đi vào cuộc sống, thiết thực trong việc xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội trên địa bàn Quận.
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Lương Đức Thắng chia sẻ: "Hà Nội cần nhận thức rõ vai trò đặc biệt của Thủ đô, từ đó xác định và truyền tải giá trị văn hóa cốt lõi đến toàn xã hội. Đặc biệt, phải nghiên cứu và phát huy các giá trị văn hóa đặc thù của từng quận huyện trong thành phố, nhằm bảo tồn và phát triển những nét văn hóa đặc sắc của các vùng.
Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục về các giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Nếu thực hiện tốt, các giá trị văn hóa này sẽ được bảo tồn và phát triển bền vững theo thời gian, từ đó, góp phần xây dựng một nền văn hóa vững mạnh cho Thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung".
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã lắng nghe và đóng góp nhiều ý kiến trong việc xây dựng Chuẩn mực Người Hà Nội "Hào hoa – Thanh lịch – Nghĩa tình – Văn minh" trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế với những tiêu chí cụ thể về các giá trị văn hóa của người Hà Nội trong bối cảnh mới. Nhiều ý kiến đặc biệt nhấn mạnh vai trò đại diện của Thủ đô qua các hành động, giá trị và tinh thần của con người Hà Nội, đặt "Người Hà Nội" vào vị trí dẫn dắt trong tiến trình vừa đổi mới hội nhập quốc tế vừa giũ gìn được các giá trị văn hóa của dân tộc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất