22/11/2019 08:29 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) Một cột mốc đặc biệt sẽ đến với tỉnh Quảng Ninh và ngành than cả nước sau vài tuần nữa: thời điểm tròn 180 năm đánh dấu việc mỏ than đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được tổ chức khai thác tại núi Yên Lãng (Yên Thọ, Đông Triều)
1.Cụ thể, vào năm Minh Mệnh thứ 20, ngày mồng 6 tháng 12 năm âm lịch (tức ngày 10/1/1840 năm dương lịch), vua Minh Mạng đã có “Dụ” cho phép Tổng đốc Hải Yên (Quảng Ninh ngày nay) Tôn Thất Bật, chính thức tổ chức khai thác than ở địa điểm này.
Các câu chuyện về việc người xưa phát hiện ra than đá ở Đông Triều vào khoảng cuối thế kỷ XVII đã được nhắc tới khá nhiều trong những mẩu chuyện dân gian. Để có được dòng thông tin cụ thể về điểm khai thác than đầu tiên và những người thợ mỏ khai thác than có tổ chức đầu tiên ở Việt Nam là một hành trình dài nhiều năm tìm kiếm. Và lịch sử ngành công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam đã có sự thay đổi căn bản khi Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế sưu tập được bức Dụ ngày 10/1/1840 (ngày 6 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 20) của vua Minh Mạng, với nội dung cho phép Tổng đốc hạt Hải Yên (vùng Quảng Ninh ngày nay) là Tôn Thất Bật, khai thác than đá ở Đông Triều.
Bức “Dụ” này có thể dịch đại ý:Tháng này, Tổng đốc Hải Yên Tôn Thất Bật tâu xin thuê dân công đào mỏ lấy than ở núi An Lãnh, xã Đông Triều, thuộc hạt đó. Trước đây Bộ Hộ đã tư cho hạt đó đào lấy 10 vạn cân than đúng kỳ chở về kinh đô giao nạp. Trẫm nghĩ nhân dân hạt đó vừa mới lại được hơi an ổn, sao nỡ đem việc không gấp gáp mà làm họ vất vả. Bọn Bật lại tâu hạt đó sau biến cố vụ mùa vừa mất, thu hoạch kém, đời sống rất khó khăn, dân đều tình nguyện làm thuê để lấy tiền nuôi thân. Nay nghĩ dân trong hạt phần lớn nghèo hèn, đáng thương xót chu cấp. Lệnh chuẩn theo lời cầu xin. Các ngươi nên thận trọng, chớ sơ suất để an uý lòng Trẫm muốn ra ân cho dân.
Sau nhiều hội thảo và tọa đàm, tính xác thực và khoa học của bức Dụ này đã được công nhận. Bức Dụ cổ đặc biệt quan trọng và quý giá đối với ngành than - khoáng sản Việt Nam, bởi tính nhân văn của nó: Việc phát hiện ra than đá và những người đầu tiên đã khai thác than đá ở Đông Triều đều là người Việt Nam;vua nước Nam khai sinh nền công nghiệp than Việt Nam, đồng thời, cho phép xác nhận mốc ra đời, chính thức mở ra ngành khai thác than, khoáng sản trên toàn quốc.
Các từ liệu để lại cho biết: công cuộc khai thác than đá này đã bước đầu tạo ra đội ngũ thợ mỏ ở địa phương - những “công nhân mỏ” đầu tiên tại Việt Nam - trước khi Triều đình nhà Nguyễn ký bán khu mỏ Đông Triều cho người Pháp để lập Công ty Than Đông Triều vào năm 1888.
2. Việc lập hồ sơ xếp hạng di tích cho điểm khai thác than đặc biệt này cũng lập tức được triển khai .Đến 12/8/2008, bộ hồ sơ di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam đã được Hội đồng xét duyệt hồ sơ di tích tỉnh Quảng Ninh thông qua. UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 3171/QĐ-UBND ngày 1/10/2008 công nhận và xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố cho Di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại núi Yên Lãng, xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Tiếp đó, ngày 28/9/2009, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam đã làm lễ động thổ, khởi công xây dựng Thạch trụ yểm sơn, mở đầu cho công việc tôn tạo di tích này.Sau đó, mặt bằng tại khu có di tích Miếu Mỏ đã được san gạt theo quy hoạch, nơi đây sẽ xây dựng đền, lập bia ghi lại bản "Dụ" của vua Minh Mạng; đường nối hai khu di tích cũng được mở rộng, đổ bê tông, lắp đặt hệ thống chiếu sáng... Và đến ngày kỷ niệm 170 năm bản "Dụ" của vua Minh Mạng ra đời, bia ghi lại bản "Dụ" của vua Minh Mạng đã được khánh thành.
Năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tôn tạo và phát huy Khu di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại xã Yên Thọ có diện tích nghiên cứu quy hoạch 87,75ha, diện tích vùng bảo vệ di tích 41,2ha. Khu vực lập quy hoạch chi tiết trên 23,5ha, gồm khu di tích đền Thượng (Miếu Mỏ) trên 4,7ha, khu di tích miếu Bãi Tràng Tiền 1,2ha, khu Thạch trụ yểm sơn gần 2,3ha, khu đền Hạ trên 2,5ha, khu bảo tàng ngành than - khoáng sản Việt Nam trên 2,5ha, khu tái tạo cảnh quan tự nhiên trên 4,3ha, khu quản lý di tích và tiếp đón khách tham quan trên 0,8ha. Tiếp đó, xí nghiệp Địa chất Đông Triều tiếp tục đầu tư dựng đài Hoàng Đế lệnh chỉ bằng đá xanh, trên đài có khắc bức Dụ của vua Minh Mạng từ năm 1840.
Gần đây nhất, đầu tháng 11/2019, TKV đã xây dựng công trình nhà bia tưởng niệm những người thợ mỏ đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than. Nhà bia nằm trong dự án Khu di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại núi Yên Lãng, xã Yên Thọ, đặt ở bên trái đền Thượng trên đường bộ hành dẫn từ nghi môn ngoại lên nghi môn nội, quay hướng Nam vuông góc với trục chính tâm của đền Thượng và nằm trong khuôn viên cây xanh.
Với lớp trầm tích văn hóa – lịch sử mang theo, chắc chắn điểm di tích này cần được quy hoạch để trở thành địa chỉ đỏ về nguồn của ngành Than, để lớp lớp các thế hệ thợ mỏ tìm về, kết nối với các tuyến, điểm du lịch tâm linh của thị xã, của tỉnh để thu hút khách du lịch. Và xa hơn, hi vọng khu di tích trong tương lai sẽ được nâng hạng, được làm hồ sơ trình các cấp xếp hạng là Di tích cấp quốc gia cho tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa sâu sắc của nó.
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất