'Donna Donna' - Bài hát không tuổi

13/03/2017 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ngày 7/4 tới đây, Sảnh Danh vọng Rock ‘n’ Roll sẽ vinh danh những nghệ sĩ đã làm nên tên tuổi cho âm nhạc nước Mỹ. Trong số này có một nghệ sĩ rất quen thuộc với Việt Nam - Joan Baez.

Nhân dịp này, một bộ hợp tuyển những ca khúc bất hủ của Joan Baez sẽ được giới thiệu và trong số đó sẽ có Donna Donna, bài hát đã làm nên tên tuổi của bà và nửa thế kỷ qua đã trở thành bài hát ca ngợi tự do được yêu thích nhất thế giới.

Câu chuyện của một chú bê khốn khổ

Donna Donna không phải là sáng tác của Joan Baez. Đây là bài hát nằm trong vở nhạc kịch Esterke ra mắt tại Mỹ vào thập niên 1940, được Aaron Zeitlin phổ thơ và Sholom Secunda soạn nhạc.

Bài hát ban đầu có tên gọi là Dana Dana, kể về tâm sự của một chú bê đang trên đường bị đem ra chợ bán và lồng vào đó là những ước vọng tự do.


Joan Baez với single “Donna Donna” phát hành năm 1960

Chú bê trên con đường đến cõi chết đã luôn miệng than vãn số phận bi thảm của mình và so sánh sự bất hạnh ấy với cánh chim đang tung bay trên bầu trời. Người nông phu khi thấy cảnh đó, đã hỏi rằng “vì sao sinh ra làm con bê làm gì cho người ta giết thịt mà không thành chim sẻ để tung cánh trên bầu trời tự do?”.

Ý của những tác giả khi lồng câu chuyện ấy muốn gửi gắm thông điệp rằng sao có những phận người, từ thế hệ này sang thế hệ khác luôn chịu quá nhiều thua thiệt, hay rộng hơn, có những dân tộc luôn phải chịu kiếp khổ đau và thậm chí lưu vong hơn mấy ngàn năm như dân tộc Do Thái.

Cho đến nay, nghĩa của tiêu đề bài hát Dana Dana vẫn chưa được những người trong cuộc giải thích thấu đáo. Nhiều người cho rằng Dana trở thành Dona rồi lại thành Donna thì đấy chính xác là tên của một cô gái Do Thái.

Trong khi đó, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ lại có từ Dana mang nghĩa là con bò. Nhiều người cũng tin đây có thể là tên của chú bê xấu số vì nó rất hợp với nội dung bài hát.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chữ Dana là tên rút gọn của chữ “Adonai”, có nghĩa là “Thượng đế” trong tiếng Do Thái cổ. Ở đoạn điệp khúc trong bài hát, chữ Dana được lặp đi lặp lại mang ý nghĩa của một sự khẩn cầu trong tuyệt vọng.

Nhưng dù được giải thích thế nào thì khi vở nhạc kịch này kết thúc thì bài hát Dana Dana cũng chỉ được biết đến trong cộng động người Do Thái lưu vong. Phải đến gần 20 năm sau bài hát này mới trở thành bài hát toàn cầu.

Bài hát “Donna Donna” qua phần lời Pháp ngữ của Claude Francois đã khác hoàn toàn so với lời gốc. Tuy nhiên, bài hát này cũng rất được hâm mộ

Những linh hồn tự do

Đã từng có nhiều người cố gắng chuyển ngữ bài hát này sang Anh ngữ để phổ biến nhưng Dana Dana vẫn chưa ra được ánh sáng. Cha đẻ của bài hát này, nhạc sĩ Sholom Secunda, đã chuyển ngữ sang tiếng Anh với nội dung bám sát bản gốc nhưng bài hát vẫn chưa được biết đến rộng rãi.

Bởi điều khó nhất khi chuyển ngữ bài hát này, là phải chuyển được những ngôn từ ẩn sâu bên trong. Kể về chú bê nhưng không chỉ là một cái chết mà là những ước vọng tự do.

Phải đến hơn một thập niên sau, cụ thể là vào năm 1956, khi hai tác giả Arthur Kevess và Teddi Schwartz cùng nhau đặt lại lời mới vừa tựa đề Donna Donna thì bài hát bắt đầu gây được chú ý.

Và bài hát đã trở thành bài hit toàn cầu khi được Joan Baez thể hiện vào năm 1960. Lúc ấy, Joan Baez đang là một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất ở Mỹ và là người luôn đi đầu trong các cuộc xuống đường đòi tự do, phản chiến…

Với tiếng hát của Joan Baez, Donna Donna trở thành bài hát của các cuộc xuống đường, là thánh ca của phong trào dân quyền…


"Donna Donna" qua giọng hát của Joan Baez

Nhiều nhà phê bình âm nhạc đã nhận xét rằng giọng hát của Joan Baez đã mang một hơi thở mới cho Donna Donna dựa trên phần lời đầy tính thơ của Arthur Kevess và Teddi Schwartz.

Thoạt nghe, bài hát tưởng như ngộ nghĩnh, qua một cuộc đối thoại tình cảm giữa người nông dân với chú bê của mình trên đường tới lò mổ. Nhưng sau khi nghe xong, ai cũng đều tìm thấy trong bài hát một thông điệp chung về những nạn nhân của áp bức và khát vọng tự do chính trị. Và quan trọng hơn, giọng hát của Joan Baez còn làm người nghe nhìn thấy một thông điệp sâu sắc hơn, đó là sự giải thoát.

Hình ảnh chú bê bị trói chặt trên đường đến lò mổ để làm thịt là một phép ẩn dụ về cuộc hành trình từ thể xác đi đến cái chết. Chú bê (nghĩa là một thân xác) có “ánh mắt thê lương” bởi lẽ nó đã đã tự gắn mình với sự sống và niềm vui, nó lo sợ không biết điều gì tồn tại ở thế giới bên kia.

Hình ảnh cánh chim tung bay trên bầu trời là đại diện cho tâm hồn. Tâm hồn linh thiêng ấy không bị ràng buộc bởi những hạn chế của thế giới vật chất. Nó tự do vượt ra ngoài các cảnh giới tâm linh, ở phía trên cao của trần thế.

Tiếng hát của Joan Baez dịu nhẹ trong tiếng guitar đệm dìu dặt tạo nên một khoảng trống trắng trước người nghe. Ở đó, như thể họ có thể vẽ nên những suy nghĩ của riêng mình, những suy nghĩ vô thức không bị trói buộc. Thông điệp được Joan Baez mang đến “nếu trân trọng sự tự do, sự tự do của linh hồn, bạn sẽ học cách vượt qua những giới hạn của thể xác và tâm trí nhỏ hẹp, sẽ hiểu cuộc sống của mình từ một góc độ cao hơn. Bạn sẽ tự do”.

Kể từ khi Joan Baez cất tiếng hát thì Donna Donna đã loang ra cả thế giới và sau đó rất nhiều người thể hiện lại ca khúc này. Và đến giờ này Donna Donna vẫn được xem là khúc thánh ca của tự do.


"Donna Donna" với giọng hát của Claude Francois

Phiên bản lời Pháp và lời Việt tại Việt Nam

Ngoài bản Anh ngữ bài hát Donna Donna được biết đến thêm qua phần Pháp ngữ khá nổi tiếng với tiếng hát của Claude François -Donna, Donna (Le Petit Garçon).

Tuy nhiên, phần lời của Claude François lại được thay đổi hoàn toàn về mặt ý nghĩa. Bản tiếng Pháp kể chuyện một cậu bé sống đầy đủ, hạnh phúc trong một ngôi nhà to đẹp, nhưng trong lòng lúc nào cũng khao khát sớm được trở thành người lớn…

Bản tiếng Pháp này rất nổi tiếng tại Việt Nam trước đây, thậm chí nhiều người còn tưởng đây là phần lời gốc của Donna Donna. Chính vì điều này mà nhạc sĩ Trần Tiến năm 1992 có đặt lời Việt cũng dựa trên bản Pháp ngữ và cũng mang tên là Donna Donna với tiếng hát của Tam ca Áo trắng.

Còn một bản Việt ngữ khác của Donna Donna cũng rất nổi tiếng có tên gọi Tiếc thương. Đây là phần lời của Tuấn Dũng với nội dung “trật khớp” hoàn toàn với bản gốc và cả bản tiếng Pháp. Phần lời này nói về tâm sự của một chàng trai trước cái chết của người yêu. Bài hát này một thời cũng rất được yêu thích.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm