Chuyên gia Phan Anh Tú: 'Tôi đứng về phe... bóng đá nữ'

11/02/2013 15:24 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Nhà thơ Dương Tường từng tuyên bố: Tôi đứng về phe nước mắt. Còn tuần này, “tuyên ngôn” Tôi đứng về phe... bóng đá nữ trở thành chủ đề cho chầu cà phê với ông Phan Anh Tú, Trưởng ban bóng đá nữ LĐBĐVN.

*Bóng đá Việt Nam đang xuống dốc thê thảm, nhưng đó là bóng đá nam, hình như người ta quên mất bóng đá Việt Nam còn có bóng đá nữ nữa. Mà bóng đá nữ đâu có thế phải không ông?

- Bóng đá nữ có một năm khá thành công với giải vô địch quốc gia có tính cạnh tranh cao, trong sáng và lành mạnh. khi chức vô địch thuộc về Than Việt Nam một cách sòng phẳng và xứng đáng. Giải bóng đá U19 nữ cũng vậy, rất gay cấn nhưng sòng phẳng, khán giả đến sân đông, cổ vũ nhiệt tình.

Ở cấp đội tuyển quốc gia, bóng đá nữ đã giành lại ngôi vô địch Đông Nam Á chỉ sau đúng một năm nhường cho người Thái, như vậy cuộc chuyển giao thế hệ của bóng đá nữ đã diễn ra suôn sẻ, sau SEA Games 2009 ở Lào. Đội tuyển U19 nữ cũng để lại nhiều ấn tượng đẹp ở vòng loại U19 châu Á ở TP.HCM.

* Theo ông vì sao bóng đá nữ lại không rơi vào khủng hoảng như bóng đá nam?

- Có nhiều nguyên nhân. Bóng đá nữ thực chất được phát triển sau bóng đá nam, giống như các môn thể thao mới cho nữ sau này như quyền anh, vật, cử tạ... , nên luôn bị coi là thứ yếu so với các đồng nghiệp nam giới.



Bóng đá nữ Việt Nam gặt hái được nhiều thành công nhưng chưa được quan tâm như bóng đá nam

Thứ nữa là cấp quản lý bóng đá nữ ở Việt Nam thường là các đơn vị nhà nước sử dụng nguồn ngân sách phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, do phần lớn là các sở văn hóa, thể thao và du lịch các địa phương quản lý và nuôi dưỡng, nên ít chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, trong khi đó bóng đá nam hầu như toàn bộ là do doanh nghiệp quản lý, cấp kinh phí, do vậy khi kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả là ảnh hưởng trực tiếp đến các đội bóng.

Về mặt khách quan phải nói bóng đá nam bề bộn hơn nhiều, giải đấu lớn hơn, nhiều câu lạc bộ hơn, kinh phí nhiều hơn, tính cạnh tranh quyết liệt hơn (có sự lên hạng và xuống hạng), do vậy người ta phải toan tính về nó nhiều hơn và tinh vi hơn. Trên đấu trường quốc tế, nhất là ở khu vực Đông Nam Á, châu Á, bóng đá nam phải gặp nhiều đối thủ ngang tài ngang sức hơn, nhiều nước có nền bóng đá phát triển tiên tiến hơn… Trong khi bóng đá nữ ít đối thủ hơn vì nhiều nước ở châu Á và Đông Nam Á theo đạo Hồi, nên bóng đá nữ ít được quan tâm phát triển. Chính vì vậy bóng đá nam để đạt thành tích quốc tế như bóng đá nữ là vô cùng khó khăn.

* Vì sao chỉ có bóng đá nam mới cương quyết nội hóa huấn luyện viên, còn bóng đá nữ thì vẫn tin dùng huấn luyện viên ngoại?

- Đối với huấn luyện viên đội tuyển, thực chất lúc này nội hay ngoại không quan trọng bằng việc xác định phương hướng phát triển. Cũng như khi ta chữa bệnh, phải chẩn đoán đúng bệnh và có phác đồ điều trị, cái gì trước, cái gì sau, cái nào là cơ bản, cái nào là thứ yếu. Thế thì mới tìm được thầy thuốc, chuyên gia giỏi cho căn bệnh đó. Bóng đá cũng vậy, nếu khiếm khuyết đó chuyên gia nội làm được thì cần gì đến chuyên gia ngoại. Ngược lại, nếu việc đó quá tầm với chuyên gia nội, thì phải cần đến chuyên gia ngoại là điều tất nhiên.

Với bóng đá nữ đang khỏe mạnh và đi đúng hướng, một huấn luyện viên ngoại có quá trình làm việc lâu dài với đội tuyển, hiểu bóng đá Việt Nam, hiểu bóng đá khu vực, luôn nhận được sự tôn trọng của đồng nghiệp và đặc biệt là từ vận động viên, và hiện đang thành công, thì sao ta lại phải thay đổi.

* Trong xếp hạng của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), bóng đá nữ Việt Nam lọt vào top sáu đội hàng đầu, nghĩa là hơn hẳn bóng đá nam. Có sẵn trình độ như vậy,  sao ta không tập trung đầu tư lớn?

- Theo bảng xếp hạng của AFC, bóng đá nữ Việt Nam xếp thứ sáu châu Á, cơ hội tham dự vòng chung kết World Cup 2015 rất cao, hơn hẳn bóng đá nam. Nếu như thành tích của các đội tuyển quốc gia là niềm vui, niềm hãnh diện cho đông đảo người dân trong cả nước, thì cả đội tuyển nam nữ có vai trò như nhau.

Đặc biệt thể thao thành tích cao của Việt Nam tại các đấu trường khu vực, hầu hết các vận động viên đạt thành tích cao nhất cũng hay là vận động viên nữ, như huy chương bạc Olympic đầu tiên là của Trần Hiếu Ngân (taekwondo), chức vô địch thế giới môn wushu là Nguyễn Thuý Hiền, môn karate là của Nguyễn Hoàng Ngân... và gần đây nhất huy chương vàng châu Á thể dục dụng cụ là nữ Phan Hà Thanh và còn nhiều tên tuổi khác, trong khi đó đối với nam thì khiêm tốn hơn.

Vì vậy tính chiến lược cho việc giành huy chương quốc tế của Việt Nam lúc này về nữ sẽ có nhiều lợi thế hơn nam. Bóng đá cũng cần phải làm như vậy, nên đầu tư cho bóng đá nữ nhiều hơn, và dành cho nó một chương trình mục tiêu riêng hướng đến vòng chung kết World Cup 2015. Nếu đạt được mục đích đó thì là niềm vinh dự tự hào chung cho những người yêu bóng đá Việt Nam.

* Bao giờ ta có giải bóng đá nữ giống như V-League của bóng đá nam? Liệu bóng đá nữ có tiến lên chuyên nghiệp hay chỉ dừng lại ở mức phong trào?

- Bóng đá nữ ở thời điểm này làm theo bóng đá nam rất khó, muốn bóng đá nữ lên chuyên nghiệp, thì bóng đá nữ phải có khả năng truyền tải được nhiều thông tin đại chúng, khả năng làm tiếp thị tốt trong nền kinh tế thị trường. Các doanh nghiệp chưa muốn đầu tư vào bóng đá nữ, cũng như nhiều môn thể thao khác như điền kinh, bơi lội, bắn súng..., đều là những môn thể thao Olympic cả, vì nó chưa có khả năng truyền tải thông tin đại chúng cao.

Ngược lại, bóng chuyền nữ lại xã hội hóa rất dễ dàng, các doanh nghiệp sẵn sàng nhảy vào. Ngoài việc yêu thích bóng chuyền nữ có nhiều cô gái xinh đẹp, lại sẵn có lực lượng khán giả khá đông đảo và nhiệt huyết, điều này bóng đá nữ chưa làm được. Trong tương lai khi bóng đá nữ thế giới và khu vực được nhiều người quan tâm hơn, bóng đá nữ Việt Nam có chất lượng cao hơn và bề dày về thành tích quốc tế hơn, được xã hội quan tâm hơn, thì lúc đó việc lên chuyên mới có thể nghĩ đến. Hiện giờ trên thế giới cũng rất ít nước có bóng đá nữ chuyên nghiệp.

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm