U22 Việt Nam: Phần đầu của cơn ác mộng

04/07/2012 06:49 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH)- Thất bại nặng nề của ĐT U22 VN ở vòng loại giải U22 châu Á 2013 thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh rất lớn với bóng đá VN, mà nếu không có những giải pháp chấn chỉnh cấp thiết và kịp thời thì đây mới chỉ có thể là phần đầu của cơn ác mộng, khi bóng đá VN đang có dấu hiệu sa sút thấy rõ ở sân chơi khu vực.

Trước khi bước vào vòng loại giải U22 châu Á 2013, VFF đặt mục tiêu giành vé vào VCK với tư cách là đội xếp thứ 2 bảng G, tức là chúng ta dự tính chỉ đứng sau Hàn Quốc và sẽ qua mặt những đối thủ đồng cân đồng lạng như Myanmar, Malaysia, nhưng cuối cùng chúng ta đã kết thúc vòng loại ở vị trí thứ nhì… từ dưới lên, chỉ hơn được đúng Philippines, nền bóng đá thuộc hạng yếu kém nhất trong khu vực Đông Nam Á. Thậm chí VN còn đứng sau cả Đài Loan Trung Quốc, đội bóng đã vượt qua VN ở lượt trận đầu tiên với tỷ số 2-1.

Kết quả này thực sự là một nỗi thất vọng rất lớn, bởi ai cũng biết ĐT U22 chính là lứa kế cận của ĐTVN trong tương lai rất gần, và kịch bản nào sẽ xảy ra với ĐTVN ở AFF Cup 2014 hay AFF Cup 2016, khi những cầu thủ vừa tham dự vòng loại giải U22 châu Á 2013 sẽ đóng vai chính? Mà cũng chẳng cần phải nghĩ tới AFF Cup 2014 hay 2016 cho xa xôi, ngay ở kỳ SEA Games 27 diễn ra vào năm sau tại Myanmar, nếu ĐT U22 VN cứ đá như thế thì có khi chúng ta còn không qua nổi vòng bảng.

Như TT&VH đã từng đề cập, sự xuống dốc về chất lượng của bóng đá trẻ VN không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có từ rất lâu rồi, và chúng ta bây giờ đơn giản là đang phải gánh chịu hậu quả từ cách làm bóng đá theo kiểu “ăn xổi”, “lấy ngắn nuôi dài” của mình. Nhìn vào danh sách các nhà vô địch V-League trong gần 10 năm qua thì chỉ có SHB.ĐN (vô địch năm 2009) và SLNA (vô địch năm 2011) là sở hữu hệ thống đào tạo trẻ tương đối bài bản và đến nay vẫn đều đặn “xuất xưởng” một số cầu thủ có chất lượng, còn ĐT.LA. B.BD hay HN.T&T thì gần như chỉ biết mua cầu thủ từ tứ xứ và có đốt đuốc giữa ban ngày cũng khó tìm nổi một trụ cột trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của chính CLB.


Nỗi buồn SEA Games 26 có thể lặp lại ở SEA Games 27 nếu như bóng đá VN không kịp thời chấn chỉnh và thay đổi. Ảnh: Quốc Khánh

Không những thế, những vấn nạn như mua bán sang tên đổi chủ đội bóng, tình trạng ngoại binh nhập tịch lan tràn trên sân cỏ VN… vẫn chưa được VFF giải quyết triệt để nên sự phát triển của bóng đá VN ngày càng lệch lạc và thiếu cân đối. Trong hoàn cảnh như thế, nếu giải VĐQG và hạng Nhất QG vẫn liên tục cung cấp được cầu thủ có chất lượng tốt cho ĐTVN và ĐT U22 mới là chuyện lạ, còn khó khăn và chật vật như hiện nay lại là điều rất bình thường.

Và đừng nghĩ rằng chỉ ĐT U22 mới có vấn đề, vì thử nhớ lại mà xem, một tiền đạo đã ngoài 30 tuổi như Việt Thắng vẫn là lựa chọn không thể thay thế trên hàng công ĐTVN, hay một chân sút hầu như trận nào cũng đá chính nhưng ¾ chặng đường của mùa giải 2012 đã trôi qua mà chỉ có vẻn vẹn 3 bàn thắng như Anh Đức vẫn được gọi vào ĐTVN thì đủ hiểu chúng ta đang khủng hoảng cầu thủ giỏi đến cỡ nào.

Chỉ khoảng 3, 4 năm nữa thôi, khi Việt Thắng không còn thi đấu, còn Công Vinh, Quang Hải bước qua tuổi 30, không biết ĐT Việt Nam sẽ giao phó nhiệm vụ ghi bàn cho chân sút nào, khi mà ở tuyệt đại đa số các CLB, vị trí tiền đạo mũi nhọn đều được dành cho ngoại binh và cầu thủ nội muốn có chỗ đứng trong đội hình xuất phát thì buộc phải dạt ra cánh hoặc lui về phía sau. Còn nhớ ở kỳ SEA Games 26 tại Indonesia vào năm ngoái, cơn khủng hoảng chân sút của ĐT U23 VN nghiêm trọng đến độ HLV Goetz phải mang tới SEA Games một tiền đạo thậm chí còn không có suất chính thức ở một CLB hạng Nhất như Tuấn Anh.

Thế nhưng, điều đáng nói là ở chỗ vấn đề của 2 ĐT hiện nay không chỉ nằm trên hàng tiền đạo, và có lí do để lo ngại cho tương lai của bóng đá ở sân chơi khu vực trong thời gian sắp tới, khi chúng ta gần như không có nhiều tiến bộ, và thậm chí còn có phần tụt lùi, trong khi các đối thủ láng giềng thì đang thăng tiến như vũ bão.

Mai An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm