Tính cộng đồng trong bóng đá Tây Ban Nha: Từ nhà nước không biên giới Barcelona

18/02/2013 06:07 GMT+7

(lienminhbng.org) - Lịch sử đã tạo ra một đất nước Tây Ban Nha với đặc tính vùng miền rõ nét, và bóng đá ở đất nước này cũng chịu ảnh hưởng của sự chia rẽ ấy.

Mỗi câu lạc bộ, giống như khẩu hiệu “Hơn cả một đội bóng” của Barcelona, đội bóng vĩ đại nhất của mô hình này, trở thành biểu tượng của cả một cộng đồng, bao gồm những tính cách và giá trị sống đặc trưng, được “diễn đạt” bởi ngôn ngữ của bóng đá.

Chủ nghĩa dân tộc liên kết bóng đá và cộng đồng



Từ trái sang: Xavi, Messi và Iniesta, những sản phẩm của lò đào tạo trứ danh La Masia

Với vị trí nằm ở yết hầu con đường trên biển thông từ Á, Âu, Phi đến châu Mỹ, Tây Ban Nha trở thành nơi giao thoa giữa rất nhiều nền văn hóa, và chính điều này đã tạo ra cơ chế tự vệ rất mạnh của các tộc người cố gắng duy trì bản sắc vùng miền của họ. Nội chiến Tây Ban Nha những năm 1930 và chế độ độc tài Franco càng tạo ra sức phản kháng mãnh liệt của các cộng đồng ấy, mà bóng đá là nơi mà tính cục bộ của cộng đồng được phản ánh rõ nét nhất.

Hai cộng đồng cực đoan bậc nhất là người Catalunya và người xứ Basque, cũng lại là những nơi bóng đá phát triển mạnh mẽ nhất. Barcelona là niềm tự hào Catalunya, còn Athletic Bilbao là tiếng nói của xứ Basque. Huy hiệu của Barca in màu cờ Catalunya, và slogan của đội bóng này là “Mes que un club” (Hơn cả một câu lạc bộ), ám chỉ rằng Barca không chỉ là một đội bóng đá, mà còn là biểu tượng của một quốc gia độc lập.

Bilbao sử dụng khẩu hiệu “Con cantera y aficion, no hace falta importacion” (Với cây nhà lá vườn, chúng ta không cần ngoại quốc) như kim chỉ nam hành động trong suốt hơn 100 qua. Từ năm 1919, họ chỉ chấp nhận sử dụng cầu thủ gốc Basque. Đó cũng là năm mà Barca đã bị cấm thi đấu sáu tháng, sau khi đám đông cổ động viên của họ la ó phản đối quốc thiều Tây Ban Nha trong một trận đấu tại Camp Nou.

Trên thế giới hiện nay chỉ có chừng 2,6 triệu người được coi là có gốc Basque, và cội nguồn của câu lạc bộ này chỉ là ba tỉnh lị Bizkaia, Gipuzkoa và Araba (Alava, theo tiếng Tây Ban Nha) ở một góc tây nam tiếp giáp với vùng Aquitaine của Pháp. Dân số Catalunya hiện tại cũng chỉ vào khoảng gần 8 triệu người (khoảng một triệu dân nhập cư), chỉ bằng với... Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng khi bóng đá thực sự là một phần của cộng đồng, thì sự khiêm tốn về số lượng lại là một sự cô đặc về chất lượng.

Hai cộng đồng này và rất nhiều vùng tự trị khác (Tây Ban Nha hiện tại chia thành 17 vùng tự trị) bị đặt dưới sự đàn áp và kìm kẹp của chế độ độc tài Franco trong nhiều năm, nhưng chính điều kiện khắc nghiệt ấy lại làm tăng mối liên kết giữa đội bóng với cộng đồng, thông qua chủ nghĩa dân tộc và tính cục bộ.

Carles Puyol, một người Catalunya chính hiệu, từng bảo rằng ở thị trấn nhỏ La Pobla de Segur, Lleida, Catalunya, quê hương anh, đứa trẻ nào cũng muốn chơi bóng cho Barca. Đó còn là cam kết bền vững. Pep trước kia hay Xavi hiện tại đều trung thành với chỉ một màu áo, vì đội bóng này gắn liền với niềm tự hào về dân tộc của họ. Tương tự, Bilbao không thiếu những cầu thủ tài năng đến mức được nhiều đội bóng lớn lôi kéo, nhưng đa số giữ lòng trung thành với màu áo này. Như Andoni Zubizarretta, Joseba Extebarria trước kia, hay Fernando Llorente hiện tại.

Sự mở rộng của cộng đồng



Athletic Bilbao chỉ sử dụng cầu thủ xứ Basque

Tại Liga hiện tại, có bốn đội bóng thuộc về cộng đồng và được tổ chức bởi cộng đồng, là Real Madrid, Barcelona, Osasuna và Bilbao. Nếu như chủ sở hữu các đội bóng ở Anh và Ý thường là các nhà kinh doanh địa phương hoặc tài phiệt, thì các đội kể trên thuộc quyền sở hữu của hàng ngàn các hội viên (socios). Đó là một mô hình nhà nước cộng hoà thu nhỏ, nơi mà mỗi hội viên là một công dân, và chủ tịch, người đứng đầu nhà nước này, được bầu ra dựa trên lá phiếu của mỗi “công dân” đã được thừa nhận (bằng thẻ hội viên). Đó là người sẽ thay mặt “nhân dân” để chỉ định các vị trí quan trọng khác, và cũng có thể bị phế truất nếu không còn được các hội viên tin tưởng.

Ban đầu, tất cả chỉ đại diện cho một cộng đồng nhỏ, như Real Madrid là bộ mặt của Hoàng gia Tây Ban Nha, Barca của người Catalunya, Osasuna của người Navarre và Bilbao cho người xứ Basque. Nhưng các đội bóng này đã đẩy biên giới của họ đi khắp thế giới bằng cách khái quát dân tộc tính thành tinh thần biểu tượng của đội bóng. Cao quý, nhưng xa cách, là Real Madrid. Giản dị như Osasuna. Quật cường như Bilbao. Hay tôn trọng giá trị tự thân và bỏ qua sự hào nhoáng như Barca.

Các hội viên có quyền lựa chọn, bằng trái tim và nhận thức của họ, được dẫn dắt không chỉ bằng thành tích trên sân cỏ của các đội bóng. Các câu lạc bộ chấp nhận toàn cầu hoá và chỉ gìn giữ những nét cơ bản nhất trong văn hoá xây dựng đội bóng. Bilbao, từ chỗ chỉ thu nhận cầu thủ xứ Basque, đã chấp nhận cả cầu thủ chỉ mang gốc Basque, thậm chí là người da màu (Jonas Ramalho, ra sân ở Liga vào đầu năm nay).

Ngôn ngữ cũng là một phương tiện để lưu giữ bản sắc. Các huấn luyện viên của đội bóng, như Pep Guardiola hay Tito Vilanova hiện tại, chỉ sử dụng tiếng Catalunya trong phòng họp báo. Và một trong các điều khoản của hợp đồng với cầu thủ nước ngoài chơi cho Barca đòi hỏi họ phải nắm vững tiếng Catalunya.

Nhưng toàn cầu hóa nằm ở đây: La Masia, từ một nông trang địa phương, đã trở thành nơi thu nhận và đào tạo những đứa trẻ xuất sắc nhất được tuyển chọn trên khắp thế giới. Cộng đồng hội viên của Barca là không phân biệt tuổi tác, giới tính, tôn giáo, họ được hưởng những quyền lợi và thực hiện trách nhiệm một cách công bằng với câu lạc bộ.

Bóng đá đã trở thành chất xúc tác để tinh thần cộng đồng thấm đẫm trong mỗi đội bóng trở thành biểu tượng toàn cầu, mà Barca chính là đại diện tiêu biểu nhất của sự độc đáo này.

Xung đột và thống nhất

Tính cục bộ đã từng ngăn cản đáng kể sự lớn mạnh của bóng đá Tây Ban Nha, gây ra chia rẽ và xung đột trong đội tuyển quốc gia của họ. Người Hoàng gia luôn là kình địch trong mắt người Catalunya, và người xứ Basque thì luôn khép kín… Một đội tuyển với những cá tính xung đột đã triệt tiêu cá tính chung, và Tây Ban Nha nhiều năm chỉ là “Vua vòng loại”.

Bóng đá có thể biến niềm tự hào của một cộng đồng nhỏ bé trở thành một thứ tôn giáo trên toàn cầu

Nhưng khi tính cộng đồng ngày càng được mở rộng, với sự lớn mạnh của cộng đồng vĩ đại nhất là Barcelona, thì chính sự thừa nhận của công chúng trên toàn cầu đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho bóng đá nước này. Vai trò thủ lĩnh đội tuyển, sau nhiều năm thuộc về những người Hoàng gia (Raul, Hierro) đã chuyển sang những người Catalunya. Triết lý bóng đá của Barca đã trở thành triết lý bóng đá của đội tuyển Tây Ban Nha.

Những cuộc đấu tranh đòi quyền độc lập vẫn sẽ diễn ra trên lãnh thổ Tây Ban Nha, nhưng đội tuyển của họ thì đã chịu thống nhất, khi cộng đồng Catalunya biểu dương thành công được tinh thần của họ trên toàn thế giới, thông qua đội bóng Barca, với “cây đũa thần” tiki-taka và nhà ảo thuật Lionel Messi. Để rồi xứng đáng đại diện cho cả Tây Ban Nha. Bóng đá có thể biến niềm tự hào của một cộng đồng nhỏ bé trở thành một thứ tôn giáo trên toàn cầu.

Bây giờ, Barca là đội gần nhất của Tây Ban Nha làm được điều đó, và tương lai, nền bóng đá này hy vọng rằng, tính cộng đồng của họ không chỉ nằm ở phương diện địa lý. 

Phạm An
Thể thao &Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm