Chuông nguyện hồn ai...
(lienminhbng.org) - Ngay từ tinh mơ sáng nay, tôi đã không thể dậy chạy thể dục để được ngắm những con phố, những ngôi nhà xinh như mộng ở khu người Việt quận Santa Ana, vì trời đổ mưa suốt đêm, kết thành từng sợi nhớ sợi thương khiến tôi trằn trọc không thể ngủ.
2h sáng, buộc phải dậy chong đèn, pha tách cà phê thơm nồng, ngắm mưa qua ô cửa. Những ngôi nhà xinh xinh ánh đèn trang hoàng cho lễ Giáng sinh nhấp nháy lung linh ngoài kia. Mấy hôm nay lang thang khắp nơi, chứng kiến nhiều em bé Việt kiều, thuộc thế hệ thứ 3 xúm xuýt gói quà, tập múa hát để biểu diễn trong nhà thờ Kính nổi tiếng nhất của cộng đồng Việt Nam ở Mỹ trong đêm Giáng sinh đêm 24/1 tới, rất đáng yêu!
Tác giả tại quán cà phê của vợ cũ ca sĩ Bằng Kiều
Thế hệ thứ 3 của cộng đồng Việt kiều tại Mỹ không còn sõi tiếng Việt. Ký ức xa xăm của các em được giải phóng cơ bản để hướng đến một công dân Mỹ đích thực, một công dân toàn cầu được trang bị những nền tảng văn minh, tri thức cốt lõi.
Tôi nghĩ đấy cũng là điều cần trăn trở bởi thú thật những năm tháng chiến tranh đi qua đã để lại vết thương tâm hồn sâu sắc trong lòng bao thế hệ người Việt. Thế là quá đủ rồi.
Bọn trẻ con càng không có lỗi!
***
Hôm ở Paris, những ngày đầu tìm hiểu cộng đồng Việt kiều ở phố người Việt, tôi cũng bắt gặp nhiều ánh mắt dò xét, băn khoăn, thẳng thắn và cả lạnh lẽo, khi biết thân phận mình. Nhưng sau vài ba lần trò chuyện, tiếp xúc trên tinh thần không "chính trị, chính triếc", mọi thứ tốt lên rất nhiều.
Khép lại quá khứ đau thương, hướng đến sự phát triển hợp tác đa chiều, có lẽ đấy cũng là sứ mệnh nhọc nhằn của những thế hệ tiếp theo, như đám nhóc vô ưu mà đầy trí tiết, ở đây và cả thế giới.
Thế hệ trẻ hiện đại thường có tư duy khoáng đạt.
Tác giả trước nhà tù Theo Lacy Facility, nơi từng giam giữ Minh Béo
Tôi cũng thích văn chương Mỹ đương đại hơn. Cũng tư duy lại cách tiếp cận các tác phẩm kinh điển tác giả xây dựng các tuyến nhân vật dưới giác độ nào. Thái độ nào?
Như câu hỏi vì sao "Giết con chim nhại" của Harper Lee trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp sáng tác (mãi đến năm ngoái, 2015, tức là khi bà ở tuổi 88 mới trở thành cuốn sách bán chạy nhất, chỉ sau Bible (Kinh thánh) với hơn 40 triệu bản sách đã phát hành, và vẫn được tiếp tục in mỗi năm? Tại sao nó đứng số 1 trong số các tác phẩm văn học “a must read” của thế giới?
Phải chăng để trẻ em kiến giải thế giới cũng là cảnh giới và phương thức để chúng ta dễ tiếp cận thông điệp?
Giết con chim nhại là lát cắt về những năm tháng thơ ấu, lúc những đứa trẻ bắt đầu biết quan sát, biết nhận thức và cần một tấm gương lớn để soi chiếu và học hỏi. Cuốn tiểu thuyết được diễn đạt với văn phong dung dị, tuyệt đẹp, qua hồi ức của Scout, cô bé gái 8 tuổi sống với bố và anh trai cùng một người giúp việc. Dù với những trải nghiệm trẻ thơ trong sáng về cuộc sống thường ngày của hai anh em, của cậu bạn Dill tò mò hiếu động hàng xóm nhưng có rất nhiều câu nói lương tri khai sáng khác cho người lớn, soi sáng mình, soi sáng cho những điều tăm tối, nhất là những đứa trẻ mới lớn chưa tự lý giải được, và thậm chí cả những người lớn mà lý trí họ bị che mờ bởi những định kiến do đám đông tạo nên.
Tôi say sưa ngắm các em bé gói quà, ca hát.
Tôi nhớ đoạn bé Scout từng thốt lên: “Bố Atticus đúng. Không bao giờ thực sự biết một người cho đến khi bạn ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ. Có một điều không thuận theo những luật lệ của đám đông, đấy là lương tri của một con người”.
Như lúc sáng nay đứng trước nhà tù Theo Lacy Facility, nơi nhốt Minh Béo, tôi không oán giận cũng không chia sẻ những tội lỗi của nghệ sỹ này. Tôi chỉ nghĩ không ai hiểu anh ta bằng anh ta. Chỉ pháp luật hỗ trợ và cá nhân mới đánh thức được lương tri của anh ta.
Chỉ anh ta mới nắm được mật ngữ đời mình để thay đổi bằng lương tri tươi mới, sau biến cố lớn của cuộc đời.
Ai mà chẳng từng nghe tới nguyên lý tảng băng trôi của Hemingway, 7/8 phần chìm, 1 phần nổi, bí hiểm như cuộc sống, như một con người, một hiện tượng cụ thể, không dễ dàng phán xét.
Ngồi uống cà phê ở quán của vợ cũ Bằng Kiều- Trizzie Phương Trinh. Mưa vẫn đổ ầm ào. Nhìn poster Trinh dán trước cửa về một chương trình ca nhạc có ảnh chồng cũ, hiểu thêm rằng tình vẫn chưa thể xa trong trái tim người nghệ sỹ có 3 mặt con với anh chàng có giọng cao vút.
Rất nhiều cặp đôi đẹp đã li tan, khi sang chốn này, hoặc muốn đột phá giới hạn tình yêu nhưng chưa phá tan được những lũy thành cố hữu. Như Thu Phương- Huy MC, Quang Dũng- Jennifer Phạm, Lam Trường- Ngô Ý An...
Dân ta và dân bên này mấy ngày nay cũng đang xôn xao về mối tình Ngọc Trinh- Hoàng Kiều.
Phải nói nhìn cơ ngơi của ông Kiều, tôi cũng như quá nhiều người kinh phục. Chắc mãnh hổ thương trường này cũng là mãnh hổ tình trường, không dễ " bị xỏ mũi", đừng vội lo cho ông ta, nhiều Việt Kiều tủm tỉm bình luận với tôi.
Họ cũng dành thời gian về cái chết của tuyệt sắc giai nhân Sài Gòn một thời- Đặng Tuyết Mai, vợ cũ ông Nguyễn Cao Kỳ, mẹ M.C Kỳ Duyên, với sự xót thương đúng chất "nghĩa tử, nghĩa tận".
***
“Hãy nói về cuộc đời, khi tôi không còn nữa, sẽ lấy được những gì, về bên kia thế giới, ngoài trống vắng mà thôi, Thụy ơi, và tình ơi!”.
Cà phê rơi rơi... ai rồi cũng chết, sẽ lấy được những gì?
Cuộc đời này, thế giới sẽ làm tất cả chúng ta tan vỡ, sống và chết trong suy nghĩ của mọi người ra sao sẽ tạo sự khác biệt.
Những lời ca lúc này sao mà day dứt. Cái chết của tuyệt sắc giai nhân một thời- Đặng Tuyết Mai- vợ cũ ông Nguyễn Cao Kỳ, là đề tài được khai thác không chỉ ở Cali. Tôi đang ở cách nơi bà sống chỉ vài chục phút đi xe mà thôi.
***
Mấy chục năm nay bà Tuyết Mai sống trong im lặng, bí ẩn, chết trong day dứt, tựa như "người đàn bà quyền lực rồng"- Trần Lệ Xuân.
Để ý trên mạng, cả bên này lẫn nhiều giới trẻ bên ta, vẫn có nhiều người "đánh giá cao" chuyện tình của tướng râu kẽm và Đặng Tuyết Mai, dưới ở góc độ ái tình.
Tình yêu vốn không có lời!
Hãy nghe bà Tuyết Mai từng thổ lộ như sau về chuyện tình với Nguyễn Cao Kỳ: “Đến tận bây giờ, dù tình xưa đã tắt nhưng tôi vẫn còn nhớ anh Kỳ có đôi mắt rất đàn ông. Người đàn bà nào nhìn vào cũng sụm chân run rẩy. Tôi cũng từng ngụp lặn trong ánh mắt ấy. Ở anh Kỳ có nét phong trần, phóng khoáng, ngang tàng, nhưng đầy nghệ sĩ”.
Mối tình này sẽ còn tốn nhiều giấy bút đây. Hic.
***
Kết thúc ngày, tôi vui mừng khôn xiết khi được chị Hồng, chị con Dì ruột tôi đến thăm. Chị là cô gái Huế trẻ tuổi nhưng còn sót lại rất nhiều nét Huế cổ xưa. Tôi nhớ những kỷ niệm êm đềm thời là gã trai tồ tồ từ miền núi xa lắc xứ Nghệ vào đất Phú Xuân, ở nhà chị tại Huế đi học đại học. Sêm sêm tuổi, chị là người bạn thân nhất của tôi. Tôi cũng được chị dạy nấu ăn, dạy nhiều điều tinh tế của cuộc sống. Lúc đó tôi đã từng mơ sau này lấy được cô vợ mẫu người như chị.
Sang đây bốn năm nhưng đến lúc này chị vẫn không tin là lại trú ngụ xứ người. Hai chị em mừng mừng tủi tủi. Tám đủ thứ chuyện không đầu không cuối.
Tôi nhủ sẽ lòng cố gắng dành nhiều thời gian để sắp xếp công việc được giao, thăm những người quen cho vơi nỗi nhớ.
Cali lúc này đã 4h sáng. Tôi nghe tiếng chuông nhà thờ Kính thầm thì vọng tới như sương như khói sương.
Chuông đang nguyện hồn ai...
Nguyễn Hữu Quý (Từ California, Mỹ)