26/12/2014 10:20 GMT+7 | Thế giới
Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2014 Đà Nẵng đã nhanh chóng trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút ngày càng đông khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời Du lịch Đà Nẵng cũng đón nhận nhiều giải thưởng uy tín thế giới.
Để phát huy những thành quả đã đạt được trong những năm qua, ngành Du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch Đà Nẵng tổ chức xây dựng kế hoạch hành động nhằm xây dựng thành phố bên bờ sông Hàn này trở thành một điểm đến hấp dẫn, nổi bật trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Xuân Bình.
* Kích cầu du lịch nhằm mục đích làm thế nào để du khách đến với Đà Nẵng ngày càng nhiều hơn và chi tiêu càng nhiều càng tốt. Vậy TP Đà Nẵng, Trung tâm đã có những khảo sát nào để có thể nắm bắt được nhu cầu thực sự của du khách qua đó có thể nâng cao các dịch vụ sẵn có, phát triển các sản phẩm du lịch hay quà lưu niệm để du khách có thể vui vẻ móc hầu bao?
- Trung tâm Xúc tiến Du lịch đã thực hiện khảo sát đối với 5 thị trường quốc tế trọng điểm là Nhật, Hàn, Thái Lan, Đức và Úc. Mỗi thị trường chúng tôi phối hợp với các đơn vị lữ khách, khách sạn để phát 500 phiếu khảo sát, ngoài ra các phiếu khảo sát này cũng được đặt tại Trung tâm Hỗ trợ Du khách và đăng online. Khảo sát nhắm đến việc tìm hiểu thói quen và hành vi của khách quốc tế khi du lịch Đà Nẵng, mức độ hài lòng và những đánh giá của họ đối với điểm đến như phong cảnh, môi trường, sản phẩm – dịch vụ du lịch. Với kết quả dự kiến được công bố vào cuối năm 2014, chúng tôi hi vọng sẽ nắm bắt tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của du khách để kịp thời áp dụng và cải thiện chất lượng du lịch cho năm mới 2015.
* Thực tế, Đà Nẵng vẫn bị xem là thiếu những điểm tham quan, mua sắm nhất là các sản phẩm du lịch về đêm. Vậy kế hoạch sắp tới của Thành phố như thế nào?
- Phát triển giải trí về đêm để phục vụ du lịch là một câu chuyện được thảo luận thường xuyên và phía thành phố cũng tiếp nhận nhiều ý tưởng, đề xuất để đảm bảo hiệu quả triển khai. Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương cho phép triển khai dự án Phố đêm sông Hàn dọc bờ đông cầu sông Hàn với tổng mức đầu tư hơn 12,7 tỉ đồng. Phố đêm sẽ quy tụ khoảng 200 gian hàng được thiết kế theo mô hình các con thuyền hướng ra biển, dự kiến sẽ trở thành một địa điểm thu hút người dân và du khách. Chúng tôi cũng đang rà soát và đề xuất các khu du lịch, các tuyến đường du lịch cần quy hoạch các địa điểm bán sản phẩm lưu niệm.
Thực tế ở Đà Nẵng, người dân vẫn có thói quen nghỉ ngơi sớm và đa số các cửa hàng đều đóng cửa lúc 10h. Vì vậy bên cạnh việc khuyến khích đầu tư hạ tầng để hình thành các khu điểm giải trí, Trung tâm cũng nghiên cứu đề xuất các hoạt động cộng đồng sôi động có thể thu hút và giữ chân người dân, du khách ở các điểm giải trí lâu hơn.
* Những công trình, sản phẩm du lịch mới sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian tới hầu như đều là của những nhà đầu tư tư nhân và có phần tự phát. Vậy vai trò của Thành phố như thế nào trong việc định hướng phát triển du lịch đúng tầm tránh tình trạng nhiều sản phẩm du lịch mới ra đời nhưng không thu hút được sự quan tâm của du khách?
- Định hướng phát triển du lịch của thành phố đã có, theo đó các doanh nghiệp sẽ tiến hành đầu tư để khai thác các khía cạnh dịch vụ phù hợp, các sản phẩm dịch vụ chính và bổ sung trong định hướng chung. Tuy nhiên, phải cần có thời gian để các sản phẩm dịch vụ tự nâng cao chất lượng và khai thác nguồn khách tốt hơn. Trong quá trình đó, Thành phố đều có sự hỗ trợ về mặt chính sách, Trung tâm Xúc tiến Du lịch hỗ trợ cụ thể về việc truyền thông, giới thiệu sản phẩm – dịch vụ cho doanh nghiệp.
* Đà Nẵng đang tiếp tục phấn đấu duy trì biểu tượng thành phố đáng sống, thành phố tổ chức sự kiện và mới đây là trở thành điểm đến nổi bật nhất năm 2015. Và trong chương trình hành động truyền thông cho du lịch Đà Nẵng sắp đến, thành phố nhắm đến việc quảng bá cho các giải thưởng uy tín về du lịch Đà Nẵng đã đạt được, đặc biệt là giải thưởng của TripAdvisor: top 10 điểm đến mới nổi sáng giá nhất thế giới cho năm 2015. Vậy theo ông việc đầu tư dàn trải cho việc truyền thông nhiều “thương hiệu” của Đà Nẵng như vậy có thực sự hiệu quả?
- Tôi cho rằng các thương hiệu nêu trên là những thuộc tính của một thành phố du lịch, một thành phố đáng sống, gắn với những giá trị cốt lõi và bản sắc của thành phố. Các “thương hiệu” đến nay vẫn đang là những cảm nhận, lời khen ngợi khách quan dành tặng dành cho Đà Nẵng, chúng tôi đang phấn đấu để định vị và cụ thể hơn trở thành thương hiệu của thành phố.
Đồng thời, trong chương trình họp báo Công bố thông tin và kế hoạch hành động (nhằm hưởng ứng danh hiệu) Đà Nẵng – Điểm đến mới nổi hấp dẫn nhất năm 2015, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý triển khai các hoạt động nhằm khai thác giá trị truyền thông từ danh hiệu do TripAdvisor bình chọn. Được báo chí quốc tế giới thiệu rất nhiều, đây sẽ là một danh hiệu dễ nhận biết và khá hấp dẫn với du khách quốc tế. Trong quá trình phát triển du lịch, Đà Nẵng sẽ tiếp tục nắm bắt các cơ hội truyền thông hấp dẫn như thế này để giới thiệu thành phố đến du khách quốc tế.
* Trong năm 2015, Đà Nẵng sẽ tổ chức nhiều sự kiện lớn, tuy nhiên vấn đề kinh phí vẫn là câu hỏi khó cho việc tổ chức các sự kiện?
- Kinh phí tổ chức luôn là vấn đề được bàn đến đầu tiên. Tuy nhiên, chính sự quyết tâm, hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp trong công tác tổ chức giúp thành phố giải quyết được khó khăn về tài chính. Tôi cho rằng để tổ chức các sự kiện có tính liên tục và bền vững cần xây dựng cho được cơ chế hợp tác công tư để phối hợp nguồn lực.
* Hiện tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận vẫn có nhiều Trường, Trung tâm, Cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch khu vực miền Trung – Tây Nguyên trong đó có Đà Nẵng. Tuy nhiên nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là các hướng dẫn viên tiếng Anh vẫn chiếm phần đông trong khi các thứ tiếng khác như Nhật, Hàn, Thái, Nga, Đức… vẫn bị xem là thiếu trầm trọng. Vậy định hướng phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch của TP như thế nào để tránh tình trạng các cơ sở đào tạo thì vẫn tuyển sinh đào tạo nhưng các học viên ra trường lại không đáp ứng được nhu cầu của TP?
- Nhân lực ngành du lịch Đà Nẵng vẫn đang thiếu hụt, một trong số các nguyên nhân là sự chênh lệch giữa chất lượng đầu ra của học viên ngành du lịch và yêu cầu tuyển dụng của các đơn vị. Để khắc phục điều này, chúng tôi đã có những đề xuất cụ thể cho năm 2015 như kiến nghị các cơ sở đào tạo nghề du lịch điều chỉnh, xây dựng mới chương trình dạy nghề du lịch theo bộ tiêu chuẩn 10 kỹ năng nghề VTOS phiên bản 2013 và bộ tiêu chuẩn 8 kỹ năng nghề quốc gia. Triển khai thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch, sẽ chính thức có hiệu lực trong Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Tăng cường phối hợp với doanh nghiệp trong công tác đào tạo tại chỗ cũng như tổ chức các hội thi tay nghề giỏi hàng năm.
Thành phố nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các học viên ngành du lịch và phương án thành lập Đại học Du lịch Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng về đào tạo du lịch cho cả khu vực miền Trung.
* Năm qua tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước ước đạt 3.800.000 lượt, tăng 21,9% so với năm 2013, trong đó khách quốc tế ước đạt 955.000 lượt, tăng 28,5% và khách nội địa ước đạt 2.845.000 lượt, tăng 19,8% so cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 9.740 tỷ đồng, tăng 25,1% so với năm 2013. Vậy mục tiêu mà Thành phố nhắm đến cho năm 2015 và những năm tiêu theo như thế nào?
- Thành phố đã xây dựng mục tiêu về lượng du khách và doanh thu ngành du lịch cho từng năm trong giai đoạn 2015 – 2020. Cụ thể năm 2015, Đà Nẵng phấn đấu đạt 4,4 triệu du khách với 1,1 triệu khách quốc tế, doanh thu 4720 tỉ đồng. Năm 2018, số lượt du khách ước đạt 6,4 triệu với 1,2 triệu khách quốc tế, doanh thu 6460 tỉ đồng. Và năm 2014, các con số tương ứng sẽ là 8,1 triệu du khách, 1,4 triệu du khách quốc tế và 10100 tỉ đồng doanh thu.
* Cám ơn ông!
Hiếu Nguyên (Thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất