Dọc đường Tây Bắc (kỳ 2) (*): Mùa đi 'săn mây'
(Dulich - lienminhbng.org) - Y Tý là một xã vùng cao, thuộc huyện Bát Xát, cách trung tâm thành phố Lào Cai hơn 70 km. Nằm trên độ cao khoảng 2.000 m, ruộng bậc thang uốn lượn trên những triền đồi, sườn núi dệt nên những hoa văn thật độc đáo cho đồng lúa.
- Câu chuyện du lịch: Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn, những ngày mênh mang nhớ...
- Câu chuyện du lịch: Thương nhớ Lý Sơn
- Câu chuyện du lịch: Người đi tìm đèn biển
- Câu chuyện du lịch: Côn Đảo mùa gió chướng
Ruộng bậc thang thì hầu như khắp vùng Tây Bắc nơi nào cũng có, nhưng Y Tý đặc biệt hơn vì là quê hương của mây. Do địa thế cao trên 2.000 m và trải dài xuống một vùng thung lũng rộng lớn nên những biển mây quanh năm của Y Tý có lẽ ít nơi sánh nổi. Mây bao quanh núi, mây lan trên đường, mây sà xuống ruộng, rừng trúc và những mái nhà.
Có một buổi sáng, chúng tôi dậy từ gà gáy đi "săn mây" ở Ngải Thầu Thượng. Con đường quanh co theo triền núi xuyên qua những ruộng bậc thang cứ ngày một hẹp dần và dẫn chúng tôi vào một biển sương mù dày đặc. Men theo một lối mòn lầy lội, chúng tôi đi như vô định, leo tiếp lên cao, nơi thấp thoáng một mái nhà có một bờ rào tre cong cong cuốn hút.
Mây và ruộng ở Y Tý
Từ đây phóng tầm mắt ra bao la đại ngàn và "đứng hình" trước một biển sương mỏng như tơ, mềm mại và uyển chuyển như khói đang chậm lan ngay dưới chân mình.
Lần đầu tiên đi săn mây, bạn sẽ vô cùng ngỡ ngàng trước sự biến đổi khôn lừơng của đất trời. Phút trước còn là khói, phút sau đã thành dải lụa khổng lồ vắt ngang hay cuốn quanh triền núi xanh màu chàm, phút sau nữa đã ngồn ngộn một màu trắng sữa, ngày một dày thêm trong những chuyển động hầu như không thể nhìn mà vẫn "thấy" thật rõ, thật gần.
Tới khoảng 8 giờ sáng, cả một biển mây mênh mông bát ngát đã ở dưới chân chúng tôi. Mây đẹp không chỉ có ở Ngải Thầu thựơng mà còn có nhiều trên đường đi Mường Hum. Nhiều khúc cua mở ra vô vàn những tầm nhìn đầy bất ngờ. Có nhiều lúc bạn có cảm giác như đang trôi đi trong một Hạ Long trên mây. Thiên đường như ở đâu đó thật gần.
Bản Jazz mùa nước đổ
Mùa nước đổ ở Y Tý kéo dài từ tháng 5 đến tháng 6. Tùy theo con nước sẽ có những ruộng cấy sớm muộn khác nhau tạo nên những gam màu khác nhau trên những bậc thang uốn theo triền núi.
Vào những ngày nắng, những thửa ruộng đầy nước trở thành những tấm gương phản chiếu bầu trời. Chúng luôn biến hình và đổi màu, phản chiếu sự đa dạng của trời, của mây. Nếu như không tận mắt chứng kiến, tôi sẽ chẳng khi nào tin được rằng có những thửa ruộng bậc thang xanh da trời, vàng đất, trắng bạc, hay lúc trắng, lúc xanh.
Lang thang theo những bờ ruộng trên sườn đồi, bạn sẽ phát hiện ra vô số điều thú vị. Khác với ruộng bờ cao ở Hà Giang, những bậc thang ở ruộng Y Tý không cao lắm, nhưng những đường cong nơi đây thì vô cùng tuyệt mỹ.
Những đường cong như những con sóng, lúc lượn vào, lúc lại nhô ra đầy ngẫu hứng, nhưng rõ ràng là theo một trật tự vô hình của đất, trời, sông, núi. Như đang nghe một ca khúc Jazz trong tĩnh lặng, mà dàn nhạc chính là ruộng, là trời, là mây núi bao la. Đó là cảm giác của tôi khi đứng trước những ruộng bậc thang Tây Bắc.
Tiếng nước đổ từ bậc thang cao xuống những bậc thang thấp hơn, hòa cùng tiếng chim hót, tiếng gà gáy và chó sủa xa xa đã theo tôi cả vào những giấc ngủ trong những ngày ở Y Tý.
Lời mời ghé thăm nhà
Cũng như khắp nơi ở vùng cao Tây bắc, Y tý là quê hương của nhiều dân tộc nhưng nhiều nhất là Hà Nhì, H'Mông, Dao, Giáy…
Chúng tôi ghé thăm một bản của người Hà Nhì nằm dọc đường đi theo sườn núi và trên những ruộng bậc thang đang vào mùa cấy. Những ngôi nhà trình tường màu vàng nâu thấp thoáng sau những vườn đào và mận đang mùa ra trái.
Người Hà Nhì ở trong những ngôi nhà được làm từ đất nện tường dày, mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Đất sét được trộn với rơm rạ, sỏi đá, cho vào khuôn gỗ dày, giã nhuyễn tới khi khô thì dỡ khuôn. Từng lớp dày khoảng 40cm được chồng lên nhau theo cùng một cách làm như vậy, cho đến khi chúng kết thành một khối tường vững chắc, cao khoảng 4-5m, cứng như bê tông và bền vững tới hàng trăm năm.
Mái nhà của họ thường được lợp bằng nhiều lớp rạ nên rất dày và là lớp cách nhiệt rất tốt. Tuy nhiên giờ đây, phần lớn những mái rạ truyền thống đã được thay thế bằng mái tôn, cả làng chỉ còn vài ba ngôi nhà có mái cổ rêu phong phủ đầy. Để làm được một ngôi nhà tường trình rộng chừng 50-70m2 phải mất tới 5-6 tháng với rất nhiều nhân công.
Theo một lối rẽ ngoằn nghèo, chúng tôi bước vào sân một ngôi nhà có những đứa trẻ đang chơi với mấy con mèo. Hai thanh niên vừa mang cung đi bắn chim trên rừng về, thấy tôi mang máy ảnh liền ngỏ ý chụp hình và xăng xái lấy áo dân tộc ra mặc. Họ đều nói tiếng Việt khá tốt.
Góc sân nhỏ bỗng ồn ã tiếng nói cười khiến bà mẹ chạy ra, sau một hồi "xì xồ" gì đó với cậu trai bằng tiếng Hà Nhì, bà mang một bộ trang phục tóc cổ truyền của phụ nữ Hà Nhì và ra hiệu cho tôi đội lên đầu.
Những lọn tóc dày được kết thành hai bím lớn quấn vòng quanh và kết thúc bằng một chùm bông ngay giữa đỉnh đầu, khiến bộ tóc trông như chiếc vương miện và khá nặng. Một chiếc khăn màu chàm có đừơng viền thổ cẩm nhiều họa tiểt được phủ lên trên và buông hờ xuống vai làm cho bộ tóc mềm mại và nữ tính hơn.
Theo lời mời nhiệt tình của một phụ nữ hàng xóm, chúng tôi theo bà vào một ngôi nhà dưới chân con dốc ngắn. Nhà tối om, những ngôi nhà trình tường vùng này thường không có cửa sổ.
Những bậc tam cấp có khung cửa nằm chính giữa bức tường trình dẫn vào một hành lang hẹp hun hút chạy vòng theo hai phía của nhà. Sau bức tường đối diện cửa ra vào là một phòng ngủ lớn của bố mẹ. Tại hành lang đặt giường dành cho khách và con trai chưa vợ trong gia đình. Một gian nhà ngang nhỏ xíu dành làm bếp và nhà kho, nhìn ra mảnh sân nhỏ.
Không khí trong nhà ẩm thấp và đầy mùi đất, mùi cỏ. Người phụ nữ nhiệt tình mời chúng tôi ở lại ăn cơm trưa, bập bẹ tiếng Việt -"chỉ có gạo thôi" – và nở nụ cười thật tươi.
Không chỉ ở Y Tý, mà trên đường từ Y Tý đi Hoàng Su Phì, trong những ngôi làng người Tày, người Dao đỏ, Dao xanh, tại chợ phiên cuối tuần ở Hoàng Su Phì, chúng tôi luôn gặp những nụ cười thân thiện và lời mời ghé thăm nhà, một sự khác biệt hoàn toàn so với Sapa.
(*) Tiếp theo kỳ 1 "Rời xa Sapa" trên TT&VH Cuối tuần số vừa qua
Bài và ảnh: Họa sĩ Trần Thùy Linh