'Rừng khỉ thiêng' ở Bali
(Du lịch - lienminhbng.org) - Hòn đảo thiên đường Bali của đất nước Indonesia nổi tiếng với vô vàn những điểm đến quyến rũ - từ ngắm bình minh trên ngọn núi lửa Batur đến hoàng hôn huyền bí nơi đền Uluwatu và Tanah Lot, từ lướt sóng ở bãi biển xanh thắm Nusa Duo đến len lỏi trong các ngôi làng nghề điêu khắc, bên những ruộng lúa lảnh lót tiếng hát đuổi chim…
- Câu chuyện du lịch: Người Kyrgyzstan ăn gì?
- Câu chuyện du lịch: Quảng Ngãi, vẻ đẹp tiềm ẩn
- Câu chuyện du lịch: Maldives, viên ngọc giữa trùng dương
- Câu chuyện du lịch: Và tôi homestay ở Sapa...
Người lái xe giải thích, Monkey Forest là con đường chính huyết mạch của Ubud, và đó cũng là tên khu rừng thiêng trong vùng. Khi chia tay, ông dặn: Đừng quên tới Monkey Forest nhé và hãy cẩn thận đấy! Không quên thì chắc rồi, còn vụ cẩn thận thì lại là một câu chuyện khác…
Cuộc sống thanh bình trong khu rừng thiêng
Nằm ở trung tâm đảo, mang không khí an nhiên, trầm mặc, Ubud là “vùng đất thiêng” của Bali. Bên cạnh việc cập nhật văn minh của thế giới hiện đại, Ubud vẫn gìn giữ trong nó một không khí xa xưa. Hai bên con đường Monkey Forest san sát các cửa hàng, cửa hiệu, khách sạn, nhà nghỉ - có những cửa hiệu đồ nội thất tuyền gỗ và đá tuyệt vời sang trọng đến mức độ xa xỉ, có những nhà hàng tuyệt vời văn minh với hệ thống chiếu sáng tự động (khách đến gần cửa, hệ thống đèn mới bật sáng, sau đó lại tự động tắt để tiết kiệm năng lượng), có những khách sạn độc đáo và đẳng cấp kết hợp nghệ thuật điêu khắc truyền thống của người Indo với những trang thiết bị tân tiến từ phương Tây…
Lại kề bên những ngõ nhỏ tường đá dày thăm thẳm, những pho tượng đá rêu phong, những đền thờ tôn nghiêm và huyền bí, nơi sáng sáng, phụ nữ Bali trong bộ váy truyền thống mang theo hoa và nước thành kính thực hiện các nghi lễ tôn giáo thường ngày. Và một trong những khu vực tôn nghiêm lâu đời của Ubud chính là Rừng Khỉ.
Tượng khỉ trên đường phố Ubud, Bali
Nguyên gốc Monkey Forest vốn là khu rừng của làng Padangtegal. Cũng giống như những ngôi làng của người Êđê, Banar… ở Tây Nguyên, làng nào cũng có một khu rừng gọi là rừng thiêng, nơi nuôi dưỡng thế giới tâm linh cho dân làng. Pura Dalem, Pura Beji và Pura Prajapari là ba ngôi đền cổ được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 14 trong khu rừng của làng Padangtegal. Các ngôi đền cũng như khu rừng (rộng tới 10.000 m2) càng trở nên linh thiêng khi có sự xuất hiện của những chú khỉ đuôi dài. Dần dà, chúng trở thành “cư dân” chính của vùng đất này.
Trước khi qua cửa kiểm soát để trở thành những vị khách của rừng, tất cả chúng tôi đều được nhắc nhở gửi lại những đồ vật có thể “nguy hiểm” như thức ăn, bọc lại túi xách nếu có màu sắc rực rỡ, cẩn thận với máy ảnh, điện thoại… Có lẽ chẳng ai có thể hình dung hết 101 tình huống “khó xử” ở đây nếu chưa một lần trải nghiệm… Chẳng phải chờ đợi lâu, các cư dân chính của Monkey Forest xác nhận ngay sự có mặt của mình và thể hiện thái độ với những kẻ xa lạ vừa xâm nhập vào vùng đất thiêng.
Du khách mang đồ ăn vào rừng và bị khỉ bao vây
Vừa tiến sâu vào con đường chính của rừng, đang còn chút ngỡ ngàng với không khí ẩm ướt và mát lạnh của khu rừng nhiệt đới, tôi đã cảm thấy nhồn nhột như có ai đang theo dõi mình. Mà bị theo dõi thật, và không ai khác, kẻ bám riết ấy là một con khỉ khá lớn. Phải một lúc sau tôi mới hiểu ra thứ thực chất bị săn đuổi chính là cái dù (ô) màu trắng mà tôi quên gửi lại và không còn cách nào khác là nhờ đến sự hỗ trợ của nhân viên bảo vệ để “thoát thân” (dĩ nhiên là sau đó lập tức sửa sai).
Bài học “nhập gia tùy tục” ở Monkey Forest là thế. “Vụ” này thực ra rất nhẹ so với nhiều vị khách khác. Có anh bị một “tiểu đội” khỉ bám riết, con kéo quần, con túm áo, con đu trên vai, vì phát hiện anh này mang theo bánh quy trong túi! Có anh rơi vào tình cảnh tréo ngoe hơn khi một chú khỉ tinh nghịch bất ngờ đu lên vai anh, nhanh nhẹn rút phắt chiếc kính hàng hiệu của anh này rồi cứ thế ngồi trên vai anh với vẻ mặt đắc thắng.
Anh kia miệng cười như mếu, tiến thoái lưỡng nan, vừa muốn giải thoát khỏi con vật tinh quái kia, vừa sợ nó biến vào rừng luôn với cái kính hàng hiệu! Rốt cuộc, phải tới khi nhân viên bảo vệ giơ cây súng cao su (loại súng cao su ba chạc mà trẻ con ngày trước hay chơi) ra dọa, chú khỉ mới thôi trò đùa tai quái của mình. Đám đông du khách, tiếng là vào rừng xem khỉ, nhưng cuối cùng lại là cười chảy nước mắt với những cảnh bi hài của bạn bè, thậm chí là chính mình !
Tất nhiên có “một sự thay đổi không hề nhẹ” khi khu rừng thiêng trở thành một điểm thu hút khách du lịch. Đâu đó còn từng có thông tin du khách bị khỉ tấn công (cắn) khi vào chơi ở Monkey Forest… Nhưng nếu bạn rời xa khu vực khách du lịch tập trung xem khỉ, cho khỉ ăn (cũng là nơi đám khỉ tập trung “bày trò” nhiều nhất), để khẽ khàng và thanh thản trên các con đường mòn của rừng dẫn tới những ngôi đền, sẽ có một cảm giác bình yên rất khác. Vẫn sẽ thấy sự hiện diện của những chú khỉ, trong các bức tượng đá rêu phủ xanh rì hay lẹ làng chuyền qua các cành cây.
Một cuộc sống như hàng trăm năm vẫn thế ở xứ sở này, nơi con người gần với thiên nhiên, nơi con người gần với con người và gần với các đấng siêu nhiên. Sẽ không còn thấy ngạc nhiên khi ra khỏi rừng, ở một vài cửa hàng gần đó, trên con phố Monkey Forest, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những chú khỉ dạo chơi thân thiện “ngoài biên giới”. Hình ảnh “như ciné” này bất giác làm tôi nhớ thành phố Agra, Ấn Độ, với những ngôi nhà “người ra cửa trước khỉ vào cửa sau”… Nhưng Agra lại là một chuyện khác…