Ăn lẩu cá linh, chuột đồng quay lu, chơi rừng tràm Trà Sư tháng 9 này là số 1
(Dulich - lienminhbng.org) - Tôi đến Trà Sư, An Giang vào những ngày đầu của mùa nước nổi bởi lời đồn thổi về một nơi có cảnh sắc chẳng những thanh bình đặc trưng của miền Tây sông nước mà còn rất đỗi đặc biệt bởi cánh rừng tràm hàng ngàn hecta quanh năm xanh ngăn ngắt chỉ nơi đây có được.
Đó là một buổi sớm mai tinh sương thanh khiết, khi điên điển còn soi bóng vàng rực cùng con nước. Từng chùm hoa trĩu nặng như cố gom hết màu của nắng vào trong những chiếc cánh nhỏ mỏng tang đong đưa hai bên bờ.
- Câu chuyện du lịch: Đánh thức làng chài bí ẩn Ninh Vân
- Câu chuyện du lịch: Cửu Trại Câu – xứ sở thần tiên có thật trên Trái Đất
- Câu chuyện du lịch: 9 trải nghiệm du lịch Nam Phi
- Câu chuyện du lịch: Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn, những ngày mênh mang nhớ...
Vòng quay của chiếc xe đạp nhỏ len lỏi trên con đường nhựa vừa đủ hai người đi, cố hít cho đầy lồng ngực bầu không khí miền quê yên ả tinh khôi này. Thi thoảng, người ta bắt gặp một ao sen hoặc súng đua màu rực rỡ ven đường như gắng níu kéo mùa hạ dài thêm ra mãi. Tôi lén ngắt một búp sen non vừa nứt, cắn nhẹ một hạt nhỏ, vị ngọt thanh ứa ra lẫn chút đăng đắng, đọng lại thơm thơm nơi đầu lưỡi.
Bên dưới những hàng thốt nốt phủ tán xanh ngắt đứng nghiêng nghiêng trong nắng là những cánh đồng rộng bát ngát đang bắt đầu lên mạ xanh nõn bên những người Việt gốc Chăm cần mẫn làm đồng. Một nét văn hoá lúa nước vẫn còn in đậm bên trong xứ xở của tâm linh, chùa chiền.
Cuối cùng thì cánh rừng nguyên sinh cũng hiện ra xanh ngút tận chân trời. Một màu xanh của cỏ cây, rong rêu và của những cánh bèo phủ kín màu phù sa con nước. Đôi cánh vạc chao nghiêng, cất lên tiếng kêu trong veo của buổi sớm mai. Chiếc xuồng câu đưa tôi len lỏi giữa hàng tràm ngăn ngắt xanh như ngọc.
Thi thoảng, một cơn gió thổi qua, những cánh hoa trắng muốt, trong ngần li ti rơi, rồi vướng trên mái tóc dài đen mượt của cô lái đò. Một khoảnh khắc nên thơ, dịu dàng đến vô cùng giữa cảnh sắc dung dị, hài hoà điển hình của vẻ đẹp miền Tây Nam Bộ. Càng sâu vào trong, cảnh tượng thiên nhiên càng hoang sơ, bình lặng, từng đàn chim bay lượn, đôi lúc sà vào mặt nước, rồi lại tỏa đi khắp bầu trời. Bên cạnh tôi lúc này là từng mảng bèo xanh ngọt ngào có thể dễ dàng chạm vào được.
Sau khi kết thúc chuyến tham quan bằng ghe, tôi được giới thiệu đi về thuyền máy để đến Vọng gác quan sát cao 23,5 mét; nơi có thể quan sát toàn cảnh rừng tràm bạt ngàn rộng 845 ha này. Từ trên đài quan sát, có thể nhìn thấy rõ một số ngọn núi trong dải Thất Sơn như: Núi Ông Két (Anh Vũ Sơn) Núi Ông Cấm (Thiên Cấm Sơn) tượng Phật Di Lặc cao 33,6m nằm trên ngọn núi Ông Cấm và núi Sam.
Trên vọng cao nhìn cảnh đồng bằng, rừng núi, thiên nhiên bao la, đón làn gió mát rượi sẽ khiến bao mệt mỏi, bộn bề của cuộc sống, tâm hồn như lắng lại, hòa cùng hơi thở với từng nhành cây, ngọn cỏ nơi đây rồi tan vào trong hư không.
Cá linh, thịt chuột
Lúc này thì bụng tôi cũng bắt đầu kêu réo ầm ĩ đòi ăn. Ẩm thực ở khu du lịch rừng tràm Trà Sư này cũng mang đậm chất Tây Nam Bộ với những món ăn đặc trưng vô cùng. Tôi gọi cho mình một con cá lóc thui rơm ăn kèm bún, rau các loại cuốn cùng bánh tráng chấm nước mắm me chua chua ngọt ngọt lạ miệng.
Và một cái lẩu cá linh nấu kèm bông điên điển chẳng những rất thơm ngon mà lại còn đẹp mắt nữa chứ! Cá linh là một loại cá sống trong tự nhiên mà chỉ miền Tây mới có, và đặc biệt là chỉ có mùa nước nổi cá linh mới theo con nước đổ về. Đó được xem là sản vật thiêng liêng trời phú cho những con người miền Tây hồn hậu. Từ cá linh, người ta có thể chế biến rất nhiều món như: mắm cá linh, lẩu cá linh, cá linh kho, cá linh chiên bột, …
Một đặc sản nữa không thể không nhắc đến ở miền đồng bằng sông nước này là món chuột đồng nướng muối ớt hay chuột đồng quay lu, chuột đồng gác bếp. Lúc mới được mời thưởng thức, tôi khẽ rùng mình sợ nhưng sau khi nghe giải thích chuột đồng ở đây chỉ ăn gạo, lúa ở đồng nên rất sạch, thì tôi cũng cố thử một miếng cho biết với người ta.
Quả thật, chuột được chế biến rất cẩn thận lại ướp gia vị vừa ăn rồi nướng lên vàng ươm, thơm ngon tuyệt hảo, cái vị béo mềm tan ra trong miệng, không thể cưỡng lại được. Nếu đã đến đây thì cũng nên ăn thử một lần, sẽ không bao giờ hối tiếc đâu. Thật đấy!
Sau một ngày lang thang sông nước, tôi mệt nhoài đạp xe trở lại Châu Đốc để nghỉ ngơi, không quên mua mang theo một lọ dầu tràm cùng lít mật ong rừng tràm là đặc sản nổi tiếng An Giang. Tạm biệt Trà Sư, Châu Đốc đang hứa hẹn tôi nhiều bất ngờ thú vị hấp dẫn khác để khám phá!
Bài & Ảnh: Lê Viên