Kinh nghiệm du lịch – phượt Pù Luông
(Du lịch - lienminhbng.org) - Mộc mạc, hoang sơ, ẩn hiện trong sương tựa như vườn treo trên cao khiến Pù Luông được gắn cho cái tên rất đẹp “thiên đường xanh” Pù Luông. Mời các bạn tham khảo bài viết chia sẻ kinh nghiệm phượt Pù Luông dưới đây.
- Kinh nghiệm du lịch - phượt Singapore đặc biệt hay
- Kinh nghiệm du lịch - phượt Đài Loan cực kỳ hữu ích
- Kinh nghiệm du lịch - phượt Nha Trang
- Kinh nghiệm du lịch - phượt Hàn Quốc
- Kinh nghiệm du lịch - phượt Hà Giang
1. Nên đi Pù Luông vào thời gian nào?
Có 2 thời điểm tuyệt nhất mà những du khách có kinh nghiệm phượt Pù Luông giá rẻ khuyên bạn nên xách ba lô khám phá Pù Luông:
- Cuối tháng 5, đầu tháng 6: Đây là thời điểm Pù Luông bắt đầu vụ lúa mới, những cánh đồng và khu ruộng bậc thang sẽ khoác một lớp áo xanh mướt, vô cùng đẹp mắt và bình yên. Đặc biệt, tuy là mùa hè, nhưng vì thuộc vùng núi đá vôi đất thấp, có nhiều rừng rậm nhiệt đới và ít dân cư sinh sống nên không khí và thời tiết ở đây khá mát mẻ, dễ chịu.
- Tháng 9 và tháng 10: Hai tháng này là thời điểm Pù Luông bước vào mùa lúa chín, tất cả các khu ruộng bậc thang bên sườn đồi sẽ chuyển sang màu vàng rực rỡ, khiến nơi đây mang một vẻ đẹp trù phú và mơ mộng. Thời điểm này cũng chính là lúc vùng đất “thiên đường giữa đại ngàn” hút khách du lịch đến Pù Luông ngắm lúa chín nhất.
2. Đến Pù Luông như thế nào?
Phương tiện phù hợp và thuận lợi nhất với chuyến phượt Pù Luông, Thanh Hóa là xe máy, bởi đường lên Pù Luông chủ yếu là đường đèo, đường đất đỏ khá khó đi.
- Tới Pù Luông bằng xe máy từ Hà Nội: Con đường xuyên suốt và chạy thẳng đến “thiên đường xanh” Pù Luông là đường 15C. Nếu bạn xuất phát từ Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc thì hãy đi xe máy theo hướng Xuân Mai, Lương Sơn, Hòa Bình đến Bản Lác, Mai Châu. Đi khoảng 17km từ Mai Châu dọc theo đường 15A, bạn rẽ trái sang đường 15C, bạn nên hỏi người đi đường về đoạn rẽ đi Pù Luông.
- Nếu bạn xuất phát từ Thanh Hóa và các tỉnh miền Trung, miền Nam: Các bạn hãy đi ngược lên Tây Bắc, men theo đường mòn Hồ Chí Minh, rồi rẽ phải tại thị trấn Cẩm Thủy, đi thẳng đến thị trấn Cành Nàng. Cuối cùng rẽ sang đường 15C và đi khoảng 10km nữa là tới Pù Luông.
3. Nhà nghỉ, khách sạn ở Pù Luông
Pù Luông là khu bảo tồn thiên nhiên, rừng rậm nhiệt đới quan trọng của Việt Nam nên hoạt động tham quan, du lịch đến đây đều là tự phát, tự đi chứ rất ít tour chuyên nghiệp. Chính vì thế, Pù Luông không có khách sạn, hình thức lưu trú chủ yếu là homestay và nhà nghỉ bình dân. Các bạn có thể tham khảo các homestay sau:
- Ở bản Kho Mường
+ Nhà Bác Nêch: 0373.8.690.293 hoặc 0945.801.124
+ Nhà Anh Nam: 01694.904.372 hoặc 0373.8.677.922
+ Thanh Tuan: 0945801224
- Ở bản Nủa
+ Nhà Anh Hoàng: 0127.99.73.969
+ Nhà Anh Minh: 0125.755.0703
- Ở bản Kịt 1
+ Nhà Anh Thao Trưởng thôn: 01672.494.42. Giá chung 50.000 đồng/người.
+ Chú ý: Nếu liên lạc không được thì các bạn cố thử vào hôm khác, vì sóng trong khu bảo tồn Pù Luông hay chập chờn. Nếu không liên hệ trước được thì bạn cũng đừng lo lắng, vào đến Pù Luông rồi đặt nhà nghỉ cũng được, hoặc nhỡ đường, xin ngủ nhà trưởng xã, mình đã từng lỡ bước ngủ nhờ như vậy.
4. Ăn uống ở Pù Luông
Bạn có thể đặt cơm ngay tại khu nhà bạn thuê ở với giá khoảng 70.000 - 80.000đ/suất.
5. Chơi gì ở Pù Luông?
- Hành trình ngắm lúa
Điểm thú vị nhất khi phượt Pù Luông chính là lưu lại những khoảnh khắc “thiên đường giữa đại ngàn” khi vào mùa lúa. Pù Luông "khoác" lên mình màu áo xanh mướt khiến nhiều người mong ngóng lên đường để ngắm nhìn vẻ đẹp bình yên giữa núi rừng, hay vàng rực khi lúa chuyển màu vàng óng.
Một hành trình khác dành cho những ai muốn thử thách bản thân sau khi kết thúc cung đường ngắm lúa là leo núi Pù Luông. Với độ cao 1.700m, bạn sẽ đi xuyên rừng để cắm trại trên đỉnh. Ngày hôm sau, bạn có thể dậy sớm để ngắm bình minh giữa không gian yên bình.
- Hoạt động ngắm thác xứ Thanh
Không chỉ mê hoặc khách du lịch bởi màu xanh non hay óng ánh sắc vàng của lúa, Pù Luông còn làm người ta say đắm bởi tiếng nước chảy róc rách giữa rừng già như thể vỗ về cuộc sống bận rộn. Trên đường trở về Hà Nội, bạn nên ghé thăm một trong những thác nước đẹp nhất xứ Thanh là thác Mây tại Thạch Lâm, Thạch Thành.
Thác Mây nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, khu vực gần vườn quốc gia Cúc Phương. Dòng thác này đổ xuống từ đỉnh núi Thạch Lâm, tại độ cao 100 m. Thác có 9 bậc gối lên nhau tạo những con nước mềm mại. Đường vào đây không có biển chỉ dẫn nên bạn phải sử dụng phần mềm google maps hoặc hỏi người dân. Đến nơi, bạn hãy tranh thủ thời gian để ngụp lặn, nhào lộn, nhảy thác. Hay đơn giản hơn, bạn chỉ cần ngồi yên tĩnh để tận hưởng không khí trong lành hay lắng nghe tiếng động của nước xả xuống trước khi trở về.
- Trải nghiệm hành trình thượng sơn Son – Bá – Mười
Chốn thâm sơn cùng cốc đẹp như tranh vẽ này chính là thiên đường trong thiên đường ở Pù Luông. Tuy đường đi rất khó khăn và vất vả nhưng cảnh sắc ở đích đến sẽ không khiến bạn ân hận đâu.
6. Lịch trình gợi ý phượt Pù Luông 3N2Đ
*** Ngày 1:
+ Bạn nên xuất phát sớm từ Hà Nội, đến Mai Châu và ăn trưa tại Mai Châu.
+ Buổi chiều, bạn xuất phát đi Pù Luông sớm để không phải chạy xe tối trong rừng. Phong cảnh khi vào khu bảo tồn rất đẹp. Đôi khi, vào mùa mưa, thời tiết thay đổi thất thường, lúc nắng lúc mưa. Nếu đi vào mùa đông hoặc xuân thì các bạn nên cẩn thận vì đường trơn. Tối ngủ tại bản Kho Mường, nếu đường trơn thì không nên xuống bản Kho Mường vì rất nguy hiểm.
*** Ngày 2:
Bạn dậy ăn sáng, trekking vào thăm hang gần đó. Một số bản trong khu này chỉ có thể đi bộ, bạn có thể hỏi thêm thông tin về trekking tại homestay. Dành cả ngày trekking, tối quay lại bạn Kho Mường ngủ.
*** Ngày 3:
Một chặng đường dài từ Kho Mường về Hà Nội, bạn sẽ chạy xe qua các con đường đất, ngắm ruộng bậc thang 2 bên đường. Sau khi đã qua khỏi khu bảo tồn Pù Luông, bạn chạy vào đường 217 về Cẩm Thùy, đừng quên ghé thăm suối Cá Thần Cẩm Lương. Tiếp đến rẽ vào đường Hồ Chí Minh, chạy thẳng về Hà Nội. Bạn có thể chọn một số quán ăn ven đường để ăn trưa, hoặc tự túc thức ăn mang theo. Về đến Chợ Bến, bạn có thể chọn đi đường qua Vân Đình về Hà Nội, tiện thể xách theo mấy con Vịt Nướng cho bữa tối, hoặc qua Miếu Môn đi về đường Chúc Sơn.
Bài: Tuệ An, Ảnh: Thanh Bình