Trở lại Cát Bà sau ngày thông xe cầu Tân Vũ
(lienminhbng.org) - Bến phà Gót từ Cát Hải sang Cát Bà rất đông đúc. Một sự bùng nổ về giao thông khi thông cầu vượt biển Tân Vũ. Đứng trên bến phà, nhìn sang Cát Bà, tôi nhớ lại những ngày ở đảo mấy chục năm trước.
Khi ấy, bắt đầu thời kỳ đổi mới, nhưng cuộc sống ở Cát Bà còn khó khăn lắm. Đảo nghèo, hạ tầng chưa có gì, phố huyện đơn sơ, kinh tế kinh tế chưa phát triển, đời sống người dân nhiều khó khăn. Tôi và nhà nhiếp ảnh Ngô Dư đã lặn lội khắp nơi trên đảo, cố thu lấy những hình ảnh đẹp nhất cho cuốn sách ảnh về Hải Phòng. Mới đó đã 27 năm trôi qua!
Đi trên những con đường trên đảo Cát Bà hôm nay, sự thay đổi nhận thấy rất rõ rệt. Trước hết là những con đường. Hệ thống đường đi đến địa điểm chính trên đảo đều được trải nhựa, khá rộng rãi, bằng phẳng. Nhờ hệ thống đường được đầu tư khá tốt này mà Cát Bà có sự phát triển nhanh, toàn diện về kinh tế, dặc biệt là du lịch, văn hoá, xã hội. Thị trấn Cát Bà với các khu dịch vụ, nhà cao tầng hiện đại, sầm uất nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Không còn bóng dáng gì của phố huyện nhỏ bé, cũ kỹ ngày xưa nữa.
Khu pháo đài, một di tích lịch sử và cũng là một điểm cao của đảo. Từ đây, phóng tầm mắt ra xung quanh, du khách cảm nhận được vẻ đẹp quyến rũ, nên thơ của trên 360 hòn đảo gần xa trên mặt biển xanh, tạo nên nét đặc sắc của một danh thắng quốc gia.
Cùng nhiều khách du lịch VN và nước ngoài, chúng tôi đã đi thăm trận địa phòng thủ bờ biển những năm chống Mỹ, các giao thông hào, nhà hầm và khu trưng bày các di vật lịch sử. Một không gian của những hồi ức, gợi nhớ về những năm tháng gian khó hào hùng khi Cát Bà ở vị trí tiền tiêu cuộc chiến chống phong toả với hàng ngàn trận đánh với tàu bay, tàu biển Mỹ, bảo vệ cảng huyết mạch Hải Phòng; thời kỳ mà bình quân mỗi người dân trên đảo chịu 2 quả bom của đối phương!
Một ngày nắng đẹp. Vườn quốc gia Cát Bà đông khách. Khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận ở đây rộng khoảng 16.000 héc ta với trên 760 loài thực vật, hàng trăm loài động vật, trong đó có loài Voọc trắng Cát Bà nổi tiếng.Khu sinh quyển Cát Bà như một lá phổi xanh điều hoà sự sống cho cả vùng Đông Bắc này.
Cùng với khu sinh quyển, Cát Bà có những lợi thế khác để phát triển du lịch. Đảo có hơn 42 di chỉ văn hoá, dấu tích của người Việt cổ xưa với những địa tầng văn hoá đặc sắc; trong đó có các cụm di tích Áng Mả, Bờ Đa - Áng Sây, Eo Bùa ... Di chỉ mộ táng trong các hang động của Cát Bà như hang Khẩu Quy, Áng Giữa mang đến cho du khách những cảm nhận văn hoá đặc sắc về cuộc sống của người cổ xưa.
Cát Bà còn có nhiều công trình độc đáo như đền thờ “Các Bà”, đền thờ “Các Ông”, công trình thành cổ thời nhà Mạc gắn với lịch sử phát triển của vùng đảo này. Các lễ hội bơi chải, hội đua thuyền rồng, đua thuyền thúng, lễ thủy thần, lễ hội nghề cá... có sức hấp dẫn du khách gần xa.
Cảnh sắc thiên nhiên Cát Bà đa dạng, với hàng trăm bãi tắm tự nhiên đẹp. Hàng trăm hòn đảo phong cảnh hoang sơ kỳ thú. Nhiều đặc sản hấp dẫn với những món ăn nhiều hương vị ...Số du khách đến Cát Bà nghỉ dưỡng đang tăng nhanh, hiện ở mức 1,5-2 triệu lượt người/ năm. Đây chính là một lợi thế cạnh tranh hàng đầu để Cát Bà phát triển.
Chúng tôi có khoảng thời gian dừng chân ở Little Cát Bà và trò chuyện cùng anh Nguyễn Thanh Hải, doanh nhân trẻ, người điều hành resort nhỏ này. Anh cho biết, khách đến Cát Bà nghỉ dưỡng dài ngày đang tăng lên, nhất là khách nước ngoài. Họ yêu thích thiên nhiên còn hoang sơ, cuộc sống dân dã ở đảo. Khu resort của anh luôn kín khách đặt phòng. Đây chính là sự khác biệt giữa Hạ Long và Cát Bà.
Theo anh Hải, với việc thông xe cầu Tân Vũ, khách đến Cát Bà sẽ tăng đột biến những ngày tới đây và tạo ra những cơ hội đầu tư, phát triển mới cho hòn đảo xinh đẹp này. Nhưng phát triển thế nào mà vẫn bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ môi trường sống thân thiện, bền vững là một vấn đề lớn đang đặt ra với Cát Bà những ngày này.
Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng