Yêu quá, Đà Lạt ơi!
(Du lịch - lienminhbng.org) - Đã đến Đà Lạt không chỉ một lần và lần nào lúc ra về lòng cũng thấy bâng khuâng. Thành phố trầm lặng với những hàng thông xanh cao vút. Những loài hoa muôn màu. Những biệt thư kiểu Pháp. Những quán cafe lung linh dưới ánh đèn màu chạy khắp con phố Điện Biên Phủ. Tiết trời se se lạnh...
- Câu chuyện du lịch: Khám phá ẩm thực đường phố Morocco
- Câu chuyện du lịch: Quy Nhơn trong mắt tôi…
- Câu chuyện du lịch: Đón giao thừa ở Sydney
- Câu chuyện du lịch: Châu Đốc, đi và nhớ
Vì Đà Lạt đẹp nên nó phải...buồn. Mà cũng vì nó buồn nên nó càng đẹp. Đấy là cái đẹp không trộn lẫn với bất cứ đô thành nào ở đất nước này. Chầm chậm bước đi trên những con phố uốn quanh trong một chiều mưa bay nhè nhẹ, tôi nghe văng vẳng đâu đây Chế Linh ca bài “Thành phố buồn” trong tiếng chuông nguyện cầu ngày Chủ Nhật.
Hồ suối vàng
Thành phố nào nhớ không em?
Nơi chúng mình tìm phút êm đềm
Thành phố nào vừa đi đã mỏi
Đường quanh co quyện gốc thông già
Chiều đan tay nghe nắng chan hòa
Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em
Mắt em buồn trong sương chiều..
Anh thấy đẹp hơn…
Một sáng nào nhớ không em?
Ngày Chúa Nhật ngày của riêng mình..
Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa
Người lưa thưa chìm dưới sương mù
Quỳ bên nhau trong góc giáo đường
Tiếng kinh cầu dệt mộng yêu đương
Chúa thương tình, sẽ cho mình mãi mãi gần nhau.
Rồi từ đó vì cách xa duyên tình thêm nhạt nhòa
Rồi từ đó chốn phong ba, em làm dâu nhà người
Âm thầm anh tiếc thương đời,
Đau buồn em khóc chia phôi
Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui.
Thành phố buồn, lắm tơ vương…
Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn
và con đường ngày xưa lá đổ..
Giờ không em sỏi đá u buồn..
Giờ không em hoang vắng phố phường..
Tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương
Tiễn đưa người quên núi đồi,
quên cả tình yêu...
Không phải tất cả mọi thứ tuyệt vời nhất cho du lịch Đà Lạt đều sở hữu nhưng phải nói thành phố Cao Nguyên của Việt Nam có rất nhiều điểm đặc biệt, riêng có, phân biệt nó với tất cả các xử xở du lịch còn lại trên dải đất hình chữ S này. Có lẽ với tôi thì cái thiếu duy nhất của Đà Lạt là nó không có biển do cấu tạo đặc thù của địa hình. Tuy nhiên, điều đó không thể làm giảm hấp lực vô cùng khó cưỡng của thành phố chỉ có chưa đầy ba trăm nghìn dân này.
Đà Lạt được bao quanh bởi đồi núi còn phần trung tâm thành phố giống như lòng chảo. Nhờ có đồi núi bao quanh tạo thành một vành đai che chắn nên nội thành Đà Lạt không bao giờ bị bão lũ tấn công. Khí hậu của Đà Lạt có thể nói là lý tưởng nhất Việt Nam. Đơn giản vì nó không bao giờ quá nóng hay quá lạnh.
Người Pháp thật tinh tế. Chính họ đã khám phá ra Đà Lạt cách đây hơn một thế kỷ và sau khi khảo sát thổ nhưỡng, địa hình của xứ xở này, đã quyết định chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng. Ở miền Bắc chúng ta cũng thấy dấu ấn Pháp ở hai điểm du lịch nghỉ dưỡng khác là Tam Đảo và Sa Pa.
Nhà trên đồi rất phổ biến ở Đà Lạt
Nhưng khí hậu của cả Tam Đảo lẫn Sapa đều không có được sự ôn hòa như Đà Lạt. Bất chấp cảm giác mát mẻ mà hai nơi này được ca ngợi, mùa Đông ở Tam Đảo và đặc biệt là ở Sa Pa cực lạnh trong khi mùa Hè vẫn có nhiều khu vực ở hai nơi này cực nóng. Trong khi đó Đà Lạt nóng nhất chỉ tầm 21-22 độ còn lạnh nhất chỉ tầm 13-14 độ. Tiết trời se se ấy khiến người ta cảm thấy cực kỳ dễ chịu và chỉ với chiếc áo khoác mỏng là bạn có thể thoải mái trong mọi hoạt động của mình. Có lẽ không nơi nào khác ở Việt Nam có được thời tiết ôn hòa như Đà Lạt.
Lại nói đến dấu ấn Pháp thì cũng phải nhắc tới ngay cái tên của thành phố có rất nhiều kiểu ví von này. Tên ĐÀ LẠT khởi nguyên từ tên ĐẠ LẠCH, nghĩa là nước của người Lạch. Đây là bộ tộc cư trú lâu đời ở Đà Lạt. Người Lạch sống trải từ dưới chân dãy Langbiang cho tới trung tâm thành phố bây giờ. Người Lạch ở xung quanh Hồ Xuân Hương. Hồ này lấy nước từ suối Cam Ly chảy qua và người Lạch gọi nó là ĐẠ LẠCH, nghĩa là hồ nước của họ.
Đà Lạt nhìn từ đỉnh núi Langbiang
Sau đó người Pháp vào Đông Dương, khám phá ra ĐÀ LẠT. Họ khảo sát thổ nhưỡng, địa hình và quyết định biến nơi đây thành trung tâm nghỉ dưỡng cho các giáo sĩ. Họ muốn đặt cho trung tâm nghỉ dưỡng này cái tên có cách phát âm giống như ĐẠ LẠCH. Họ chọn 5 chữ cái đầu của 5 từ có gốc la tinh và 5 chữ cái này ghép lại với nhau cho ra từ DALAT và sau khi được việt hóa thì nó biến thành Đà Lạt như hôm nay.
Không nơi nào ở Việt Nam lại có nhiều biệt thự Pháp cổ như ở Đà Lạt. Tôi không đếm kỹ nhưng có lẽ phải có tới mấy chục biệt thự Pháp cổ trên đường Trần Hưng Đạo. Ngoài ra chúng ta còn thấy dấu ấn Pháp ở nhiều công trình khác như nhà thờ con gà (trên đỉnh tháp chuông có gắn con gà bằng đồng), nhà thờ Domaine, Trường Cao Đẳng Sư phạm Đà Lạt, nhà ga Đà Lạt, Viện Pasteur, Hồ Xuân Hương…
Tuy dân số rất ít nhưng Đà Lạt vẫn là thành phố đa tôn giáo (phật giáo chiếm đa số, đạo tin lành, công giáo…). Thành phố có mấy chục nhà thờ trong đó cổ xưa và nổi tiếng nhất là nhà thờ chính tòa (nhà thờ con gà) nói trên. Nó được khánh thành năm 1942.
Nhà hàng cafe Thanh Thủy tọa lạc ngang cạnh Hồ Xuân Hương
Có lẽ không có thành phố nào của Việt Nam có nhiều kiểu ví von như Đà Lạt, mà kiểu nào nghe cũng thấy nó đặc trưng cả. Việt Trì thì người ta thường chỉ gọi là thành phố ngã 3 sông. Hải Phòng thì chỉ gọi là thành phố hoa phượng đỏ. Đà Nẵng thì gọi là thành phố bên sông Hàn. Nhưng với Đà Lạt, bạn có thể gọi nó là thành phố sương mù vì có những thời điểm trong năm sương mù xuất hiện khá dày ở đây.
Bạn có thể gọi nó là thành phố ngàn hoa (kiểu như là Amsterdam của Việt Nam) vì hoa thì chắc chắn Đà Lạt là số 1 Việt Nam rồi. Chả thế mà họ tổ chức định kỳ cả một Festival hoa vào dịp cuối năm. Bạn cũng có thể gọi Đà Lạt là thành phố ngàn thông vì ngay từ cửa ngõ dẫn vào trung tâm thành phố, Đà Lạt chào đón bạn bằng cả một rừng thông. Loài cây ấy xuất hiện ở rất nhiều nơi trong thành phố, tạo nên nét riêng có cho Đà Lạt. Người ta cũng mô tả Đà Lạt là “Paris của Việt Nam”. Đơn giản vì chất Pháp của nó đậm đặc hơn bất kỳ nơi nào khác trên đất nước này mà Paris là hiện thân của nước Pháp.
Những điều thú vị mà Đà Lạt để lại cho khách thập phương không dừng ở đó. Có lẽ không có thành phố nào khác ở Việt Nam mà khi đi đường bạn không nhìn thấy đèn tín hiệu giao thông ở các điểm giao cắt. Lí do đơn giản có lẽ là vì địa hình Đà Lạt uốn lượn, có nhiều khúc quanh, cua liên tục, không phải dạng ô bàn cờ như kiểu Hà Nội, Sài Gòn… nên khó mà lắp đèn giao thông được. Một nguyên nhân khác có lẽ là vì dân số Đà Lạt quá ít để lắp đèn giao thông (?).
Hồ Xuân Hương
Dù vậy, do dân số khá thưa thớt nên chuyện tắc đường, kẹt xe là điều cực kỳ xa lạ ở đây.. Cũng hầu như không có tai nạn giao thông xảy ra. Ở Đà Lạt, người ta cũng không thấy có xích lô. Nếu như ở Hà Nội này, tây ba lô nhiều khi thích thú khi ngồi xích lô hay xe điện dạo quanh bờ hồ thì ở Đà Lạt, tây hay ta cũng đều cưỡi ngựa tham quan thành phố. Dân số Đà Lạt vốn không nhiều lại có một bộ phận sống ở lưng chừng hay quanh các triền đồi.
Thành phố lại trồng khá nhiều thông, lại có hồ nước ở trung tâm giống như Hồ Gươm giữa lòng Hà Nội vậy. Có cả một Flower Park cực kỳ hoành tráng cũng ở trung tâm thành phố luôn, chưa kể là hoa còn được trồng ở nhiều nơi khác….Tất cả những điều đó góp phần tạo nên một Đà Lạt “xanh” và sạch. Thời tiết thì dễ chịu. Không khí thì trong lành, mát mẻ, không bị ô nhiễm do lượng khí thải vào không trung hẳn là rất thấp. Nhiều người cứ bảo Đà Lạt buồn, đường phố vắng vẻ, gợi cảm giác quạnh hiu. Đúng là ít nhiều thì cảm giác đó là có thật. Nhất là khi bạn ở Đà Lạt vào những ngày mưa.
Cái thời tiết ấy dù ở đâu cũng đã khiến người ta cảm thấy buồn bã, cô đơn nhưng ở nơi đây thì cái cảm giác cô vắng, tịch liêu nó như thể nhân lên nhiều lần. Làm gì cũng ngại. Đi đâu cũng không muốn đi. Nhưng chính cái hoang vắng, cô liêu ấy cũng tạo nên cái “chất” của Đà Lạt, khiến người ta phải nhớ về nó như một thứ “đặc sản” trong xúc cảm.
"Nhà ma" của con gái cố Tổng Bí Thư Trường Chinh, bà Hằng Nga
Ở đây người ta làm gì cũng chậm rãi, thong dong. Cứ thủng thẳng, đủng đỉnh mà làm. Không đi đâu mà gấp gáp, vội vàng. Đi đứng cũng chậm. Ăn uống cũng chậm. Nói năng cũng nhỏ nhẹ, từ tốn. Nhịp sống trôi đi một cách hết sức êm đềm, lặng lẽ đến mức nhiều khi bạn cảm giác thời gian như ngừng trôi. Những cái hối hả, náo nhiệt, ồn ào, sô bồ của cuộc sống đầy bon chen như chưa bao giờ len lỏi được đến thành phố Cao Nguyên này, cứ như là chúng bị chặn lại bởi một vành đai bảo vệ vô hình nào đó mà chỉ Đà Lạt mới có.
Cả đất nước này cũng chỉ Đà Lạt mới có một “Crazy House” (thuộc sở hữu của bà Hằng Nga, con gái cố TBT Trường Chinh). Người ta gọi ngôi nhà nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng ấy là “nhà điên” vì nó vừa“đẹp” và vừa “độc”.
Nó đẹp vì nó độc (đáo) và vì nó độc nên nó càng…đẹp. Ngôi nhà được thiết kế kiểu hang động với rất nhiều phòng này vừa là điểm thăm quan cho khách, vừa là nhà nghỉ với các dịch vụ đi kèm như các nhà nghỉ khác. Đố bạn tìm thấy một nhà nghỉ/hotel thứ hai nào ở Việt Nam mà có thiết kế kỳ lạ như “Crazy House” của bà Hằng Nga?
Để tạm khép lại những hiểu biết vẫn còn hữu hạn của tôi về Đà Lạt, tôi muốn nhắc đến dãy Langbiang. Đà Lạt có hàng chục điểm xem. Biệt điện Trần Lệ Xuân, thác Prenn, thác Datala, Flower Park, Thiền Viện Trúc Lâm (top 3 thiền viện lớn nhất Việt Nam), Thung lũng vàng, thung lũng tình yêu hay mới hơn cả là đường hầm nghệ thuật dài khoảng 1km bên hồ Tuyền Lâm (cô đọng tất cả những gì là đặc trưng nhất của Đà Lạt trong một đường hầm với các tác phẩm điêu khắc)…nhưng tôi thích cảm giác đứng trên đồi Radar nhìn xuống. Rất khó tả. Sở dĩ gọi là đỉnh Radar vì trước đây Mỹ từng cho xây trạm radar và sân bay ở đây. Nó chỉ là một trong các đỉnh núi của dãy Langbiang.
Từ chân núi lên đỉnh tầm 6km. Đường đã trải nhựa và dốc chỉ thoai thoải nên đi bộ khá đơn giản. Nhanh thì tầm 1 tiếng, chậm thì 1 tiếng rưỡi là bạn đến nơi. Bạn nào lười thì thuê xe Jeep chạy tầm 25 phút chắc đến. Từ trận đỉnh Radar này nhìn xuống thung lũng mà bạn may mắn gặp đúng lúc mây tràn xuống thì cảnh đẹp vô cùng. Tôi cũng không biết mô tả thế nào. Bình thường thì nó vốn dĩ đã rất đẹp rồi.
Tên của dãy núi này là ghép tên của đôi trai gái trong truyền thuyết để tưởng nhớ mối tình mãnh liệt nhưng bi thương của họ. Chàng là K’Lang người dân tộc Lạch. Nàng là Hơbiang người dân tộc Chill. Trong một lần lên rừng hái quả, Hơbiang bị sói dữ tấn công nhưng được K’Lang dũng cảm cứu thoát. Họ cảm mến rồi yêu nhau từ đó. Trớ trêu thay mối tình này lại không được hai dòng tộc chấp thuận do lời nguyền để lại trước đó. K’Lang và Hơbiang vẫn quyết tâm đến với nhau và họ cùng rời làng lên ở trên một đỉnh núi cao.
Thiền viện trúc lâm Đà Lạt
Sau đó, Hơbiang đổ bệnh, K’Lang đã tìm mọi cách chữa trị nhưng không khỏi nên đành quay về buôn làng để thông báo. Chàng bị cả làng xua đuổi và bị bắn tên tẩm thuốc độc. Hơbiang đã đứng ra đỡ mũi tên cho K’Lang và không qua khỏi. Quá đau buồn, K’Lang khóc và nước mắt chàng tuôn ra như suối và dòng suối ấy chính là hồ suối vàng Dankia ngày nay.
Nó nằm trong khu du lịch thung lũng vàng của Đà Lạt, cách trung tâm thành phố khoảng 15km. Cái chết của Hơbiang khiến cha nàng hối hận, đi đến quyết định thống nhất các bộ tộc thành dân tộc K’ho còn ngọn núi mà K’Lang và Hơbiang từng sinh sống được ghép từ tên của họ thành Langbiang mà nhiều bạn đã từng lên đỉnh.