15/05/2019 21:30 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Ngày 15/5, một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cho biết lực lượng vũ trang nước này đã tạm ngừng chiến dịch huấn luyện quân sự ở Iraq do lo ngại về căng thẳng khu vực đang gia tăng.
Báo Tiêu điểm (Focus) dẫn lời người phát ngôn cho biết quyết định trên mang tính phòng ngừa và chương trình huấn luyện có thể được nối lại trong vài ngày tới. Theo bài báo, quyết định trên được đưa ra phù hợp với động thái của các nước đối tác tham gia cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trong khu vực. Chính phủ Đức cho biết không có chỉ dấu cụ thể về một vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu của Đức ở Iraq. Hiện lực lượng vũ trang Đức có 160 binh sĩ đang tham gia chiến dịch huấn luyện quân sự tại Iraq.
Cùng ngày 15/5, một người phát ngôn của Chính phủ Đức cho biết Berlin rất quan ngại và đang theo dõi sát những căng thẳng ngày càng gia tăng ở Trung Đông, kêu gọi giải quyết căng thẳng bằng giải pháp hòa bình. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đức khẳng định Chính phủ Đức không giảm số nhân viên tại các Đại sứ quán nước này ở Iran và Iraq.
Chính phủ Hà Lan cùng ngày cũng quyết định tạm đình chỉ sứ mệnh huấn luyện của binh sĩ nước này ở Iraq vì lý do an ninh. Thông báo không cho biết thông tin chi tiết về lý do dẫn tới quyết định này. Hiện các binh sĩ Hà Lan đang hỗ trợ huấn luyện cho các lực lượng sở tại ở Erbil, miền Bắc Iraq.
Trước đó cùng ngày 15/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu các nhân viên chính phủ không làm nhiệm vụ khẩn cấp tại Đại sứ quán nước này ở Baghdad và Lãnh sự quán ở Erbil rời khỏi Iraq.
Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad cho biết các dịch vụ liên quan đến thị thực thông thường tại cả hai cơ quan này sẽ tạm thời bị ngừng đồng thời Chính phủ Mỹ hạn chế cung cấp các dịch vụ khẩn cấp cho công dân Mỹ tại Iraq. Tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ cũng đề nghị những người bị ảnh hưởng rời khỏi Iraq bằng các phương tiện giao thông dân dụng càng sớm càng tốt. Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định quyết định rút các nhân viên không làm nhiệm vụ khẩn cấp khỏi Iraq dựa trên đánh giá về an ninh.
Căng thẳng trong khu vực leo thang khi Washington liên tục siết chặt trừng phạt Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức). Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran.
Mỹ cũng đã điều động nhiều khí tài quân sự hạng nặng, trong đó có các máy bay ném bom và hàng không mẫu hạm tới Trung Đông, để đối phó với điều mà Washington gọi là những mối đe dọa từ Iran. Đáp lại, Iran cũng thông báo ngừng thực thi một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất