09/06/2011 11:02 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Trong Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2011, ngày hôm qua 8/6, Viện Hải dương học tại TP Nha Trang đã khai trương Phòng trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Người dân được tận mắt ngắm nhìn những thư tịch cổ, văn bản triều Nguyễn về Hoàng Sa, Trường Sa, hình ảnh của đội thuyền Hoàng Sa thế kỷ 17-18 và nhiều tài liệu lịch sử về quá trình khảo sát, quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam qua các thời kỳ.
Ngoài ra, với hàng nghìn mẫu địa chất và các loài sinh vật sống đặc trưng cho 2 quần đảo này, ắt hẳn người xem sẽ ngỡ ngàng vì vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa lại có nhiều tài nguyên đa dạng và trù phú đến như vậy.
Dấu ấn Hoàng Sa, Trường Sa từ đầu thế kỷ 20
TS Võ Sỹ Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết: Bảo tàng sinh vật biển của Viện có khoảng 10.000 mẫu sinh vật lấy từ Trường Sa, Hoàng Sa và một số vùng biển khác trong nước. Đó là kết quả của sự miệt mài nghiên cứu, khổ công sưu tầm của những cán bộ nghiên cứu của Viện Hải dương học qua các thời kỳ, những người thường xuyên bôn ba trên biển Đông từ những năm đầu của thế kỷ 20.
Những mẫu vật lấy từ Trường Sa năm 1989
Viện Hải Dương học ra đời từ năm 1922, là cơ quan nghiên cứu khoa học về biển có bề dày lịch sử nhất nước ta. Đây là nơi quản lý, lưu giữ có hệ thống các công trình, kết quả nghiên cứu về biển Việt Nam. Từ khi mới ra đời hoạt động khảo sát, nghiên cứu của Viện đã gắn liền với vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Chỉ trong vòng 6 năm, từ năm 1927 đến năm 1933 tàu De Lanessan đã 3 lần đến vùng biển Trường Sa để khảo sát, điều tra. Ngoài những nghiên cứu về hải dương học và khai thác phốtphát trên đảo, năm 1938, Viện đã thành lập một trạm quan trắc hải dương học tại đảo Pattle trong quần đảo Hoàng Sa (sau này vì chiến tranh nên trạm này tạm dừng hoạt động).
Thời gian đầu thế kỷ 20, các hoạt động của De Lanessan đã thu nhiều kết quả, tuy nhiên sau đó tàu này phải về Sài Gòn để sửa chữa. Thế chiến II bùng nổ phần nào làm các hoạt động nghiên cứu của Viện Hải dương học gặp khó khăn. Tuy vậy, trong cuộc sống và hoạt động của nhiều thế hệ cán bộ của Viện vẫn luôn gắn liền với việc tìm hiểu, làm rõ nhiều vấn đề khoa học về biển đảo Việt Nam.
TS Bùi Hồng Long, Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết: “Để góp phần thực hiện Chiến lược biển đến năm 2020, Viện sẽ là địa chỉ cho các du khách, nhà khoa học đến nghiên cứu, tìm hiểu biển đảo Việt Nam. Viện sẽ đưa ra cho thế hệ trẻ những nhận thức, hiểu biết đúng đắn về biển, đảo qua đó nâng cao lòng tự hào dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia”.
Đặc sản của Hoàng Sa, Trường Sa
Được sự đồng ý của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong gần 1 năm qua Viện Hải dương học đã xây dựng phòng trưng bày “Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa” nhằm giới thiệu những hoạt động nghiên cứu, quản lý biển đảo và các tài nguyên sinh vật đa dạng và phong phú ở 2 quần đảo này.
Trong phòng trưng bày có thể thấy nhiều tài liệu lịch sử về quá trình khảo sát, quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam qua các thời kỳ. Như một loạt các thư tịch, văn bản triều Nguyễn liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa. Hay một số hình ảnh về thuyền của đội Hoàng Sa thế kỷ 17-18, bản đồ địa hình đáy biển của Việt Nam. Đặc biệt là hình ảnh của tàu De Lanessan gợi về một thời nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa trong buổi đầu thành lập Viện Hải dương học.
Thuyền của đội Hoàng Sa thế kỷ 17-18
Ngoài ra, các mẫu sinh vật, địa chất được lấy từ 2 quần đảo trên và khu nuôi sinh vật biển sống tại vùng biển thuộc 2 quần đảo cũng được trưng bày. Trong đó nổi bật là bom núi lửa lấy ở đảo Phan Vinh năm 1989, vỏ sò dài 1m, nặng 145kg lấy từ đảo Sinh Tồn năm 1991, mẫu cá mặt trăng đuôi nhọn lấy từ Trường Sa năm 1998, mẫu cá thu Song khổng lồ nặng 70kg dài 4m lấy ở Trường Sa đầu năm 2011... Một số sinh vật như loài cá Demo (khoang cổ) có bố mẹ lấy từ Trường Sa, được Viện đem về nhân giống, sinh sản nhân tạo và nhiều loài san hô, cá quý hiếm khác cũng được Viện đem ra trưng bày.
Có thể nói phòng trưng bày này có ý nghĩa rất lớn, không chỉ phù hợp với Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng thời, góp phần giúp người xem cảm nhận rõ hơn về tình yêu tổ quốc, biển đảo và bảo vệ môi trường. Như lời TS Bùi Hồng Long: “Mong rằng tất cả những người có tấm lòng với Hoàng Sa, Trường Sa đến với nơi này sẽ ấm lòng hơn vì Hoàng Sa, Trường Sa không còn là hình ảnh xa xôi nữa mà lúc nào cũng gần gũi trong vòng tay của chúng ta”.
Quang Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất