22/07/2011 11:09 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc, chùa Một Cột, Ngọ Môn Huế, Bến Nhà Rồng… được tái hiện bằng mô hình thu nhỏ rất chân thực, sống động trong khuôn viên 7ha của Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, TP.HCM.
Dưới nắng gắt mùa Hè, nhiều đoàn du khách vẫn tích cực theo chân các hướng dẫn viên thăm mô hình thu nhỏ các địa danh nổi tiếng của Việt Nam, mới được ra mắt. Đặc biệt là sự mô phỏng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với sự thể hiện rõ chủ quyền biển đảo Việt Nam giữa lòng đất thép. Họ hăng say chui qua hàng trăm mét địa đạo, rồi lại thăm khu vực tái hiện cảnh sống và chiến đấu của quân, dân Củ Chi xưa kia...
Sự tái hiện sống động
Giới thiệu về sa bàn trận “đánh bại cuộc hành quân Cedarfalls (bóc vỏ trái đất) vào vùng Tam giác sắt tháng 1/1967”, anh Nguyễn Văn Tấn, một hướng dẫn viên cho biết: “Nhiều du khách rất thích xem cảnh tái hiện lại trận đánh diễn ra cách nay 44 năm, đặc biệt về chiến công của quân và dân Củ Chi đã quật cường chống trả các trận bom đạn của kẻ thù để giành chiến thắng. Trận đánh đã đi vào sử sách, nhưng có ít người biết được sự khốc liệt của trận chiến thế nào. Qua việc tái hiện trên sa bàn họ đã hiểu được sâu sắc hơn”.
Một lớp học thời chiến được tái hiện
Nhà trưng bày tắt hết điện, chỉ còn mô hình sa bàn trận chiến sáng rực với nhiều ánh đèn và lời bình về một trong những cuộc chiến “trong lòng đất” huyền thoại của quân dân Củ Chi. Sa bàn này mô tả toàn cảnh trận chiến, hướng tấn công của lính Mỹ, mô hình xe tăng, máy bay được chuyển động và những chiến sĩ, du kích Củ Chi đáp trả bom đạn của quân thù từ lòng đất với những hiệu ứng âm thanh, khói lửa, ánh sáng tạo hình ảnh rất sinh động.
Một du khách người Nhật: “Tôi đã từng nghe đến cuộc chiến tranh tại Việt Nam và biết đến vùng đất Củ Chi với những người dân dũng cảm. Hôm nay có mặt tại đây, tôi càng hiểu hơn về sự quả cảm của người dân Việt Nam”.
Xây dựng mô hình các hải đảo
Anh Nguyễn Văn Tấn cho biết: “Nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, ngõ ngách như mạng nhện với tổng chiều dài hơn 200km, địa đạo Củ Chi ngày nay đã được nâng cấp khiến nhiều khách tham quan muốn khám phá, nhất là khách nước ngoài”.
Chứng kiến cảnh một đoàn khách nước ngoài với vóc dáng to lớn hớn hở theo chân một hướng dẫn viên chui xuống địa đạo, chúng tôi biết họ thích thú thế nào. Họ muốn cảm nhận một cuộc sống dưới lòng đất của con người “đất thép”.
Quần đảo Hoàng Sa được thu nhỏ trong mô hình
Dải đất non sông hình chữ S giữa lòng đất thép
Khi mới chui xuống địa đạo, chúng tôi cảm thấy hơi ngột ngạt, trong đầu luôn nghĩ nếu các bóng đèn điện kia vụt tắt thì không biết đường nào để lên được mặt đất. Ngay cả khi có ánh đèn, nếu không có sự hướng dẫn của “thổ địa” chắc chẳng biết phải đi thế nào, bởi quá nhiều ngõ ngách.
Một du khách Nhật Bản cho biết thêm: “Địa đạo Củ Chi thực sự vượt qua sức tưởng tượng của tôi khi chưa đặt chân đến vùng đất này. Chỉ cần đi trong đường hầm nhỏ bé, tối tăm, thì sẽ hiểu được vì sao những người lính Việt Nam với vóc dáng bé nhỏ, vũ khí đơn sơ lại chiến thắng một kẻ thù mạnh mẽ với vũ khí hiện đại”.
Dự án tái hiện nông thôn Củ Chi thời chiến tranh đã tạo ra những hình ảnh thực tế, có kích thước như thật mang tên Khu tái hiện vùng giải phóng từ năm 1961- 1974 với tổng diện tích khoảng 50ha, sẽ giúp du khách hình dung được bối cảnh thời ấy.
Điều đặc biệt trong khu vực tái hiện vùng đất hồi sinh là mô hình cảnh quan mô phỏng biển Đông được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2010 với mô hình quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc, Côn Đảo trên quy mô mặt nước rộng 3,6 ha và các công trình chùa Một Cột, Ngọ Môn Huế, bến Nhà Rồng... và cùng với việc sưu tập nhiều loại cây gỗ quý từ 3 miền đất nước.
Cảm nhận khi đến tham quan mô hình “dải đất non sông hình chữ S giữa lòng đất thép” chính là tình yêu nước của những người con “đất thép thành đồng” gửi gắm cho cả non sông. Chị Nguyễn Thị Hường, một du khách từ Hà Nội xúc động nói: “Đến Củ Chi để tận tay chạm vào những kỷ vật, những hình ảnh chiến đấu đầy gian khổ, hào hùng của dân tộc và thấy cả mô hình non sông trên vùng đất thép này, tôi thực sự cảm thấy trân trọng và yêu quý sự tự do, hòa bình được tạo ra bằng xương máu của anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho tổ quốc. Sau khi tham quan khu di tích và địa đạo, tôi không khỏi xúc động khi đến bia tưởng niệm tại đền Bến Dược khắc tên hơn 44.000 chiến sĩ đã hy sinh tại mảnh đất này”.
Đại tá Trần Văn Tâm, Giám đốc Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi còn cho biết, thời gian tới khu di tích sẽ đầu tư công trình Khu bám trụ chiến đấu ven sông Sài Gòn với diện tích rộng 125 ha để đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của khách du lịch.
Thái Nguyên - Anh Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất