10/05/2018 14:19 GMT+7 | Bạn cần biết
(lienminhbng.org) - Ngày 10/5, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, khi có thông tin về việc một số ngân hàng thương mại tăng phí rút tiền ATM, Ngân hàng Nhà nước đã có trao đổi với Hội thẻ Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng yêu cầu các ngân hàng thương mại dừng việc tăng phí, để tạo sự đồng thuận trong dư luận.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, với vai trò quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã có quy định về khung và mức phí của dịch vụ rút tiền nội mạng và ngoại mạng để buộc các ngân hàng phải tuân thủ. Trong khung biểu phí này, các ngân hàng tăng như thế nào là do chính sách của từng ngân hàng miễn không vượt mức quy định đã đề ra.
“Mức tăng trên của các ngân hàng thương mại là đã có lộ trình và không vi phạm quy định”, đại diện ngân hàng Nhà nước cho biết thêm.
Tuy nhiên, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng và cân bằng lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng. Theo đó, nếu có tăng thì mức tăng cần phải có lộ trình và có sự chia sẻ để việc tăng phí được người dân chấp nhận. Đồng thời, ngân hàng thương mại cũng có nguồn lực để đầu tư vào công nghệ vận hành máy móc tốt hơn.
Trước đó, một số ngân hàng thương mại như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đã tăng phí ATM nội mạng từ 1.100 đồng lên 1.650 đồng/giao dịch.
Vietinbank thông báo điều chỉnh tăng phí rút tiền mặt ATM đối với các thẻ ghi nợ nội địa. Từ ngày 5/5, phí rút tiền của chủ thẻ Vietinbank tại các ATM VietinBank đã được tăng lên 1.560 đồng/giao dịch(đã gồm VAT) với thẻ thông thường và 2.200 đồng/giao dịch (với thẻ Gold, Pink). Phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM của VietinBank được thông báo là 11.000 đồng/giao dịch.
Tương tự, từ ngày 16/5, Vietcombank cũng nâng phí rút tiền nội mạng lên 1.650 đồng/giao dịch.
Agribank cũng đã thông báo từ ngày 12/5, các khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa để rút tiền mặt tại ATM của nhà băng này sẽ phải chịu mức phí 1.650 đồng/giao dịch (sau thuế), tăng 550 đồng so với mức phí cũ. Ngoài ra, phí chuyển khoản liên ngân hàng qua E-Mobile Banking cũng tăng lên mức 0,05% số tiền chuyển, tối thiểu là 8.000 đồng mỗi giao dịch.
Theo ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, chi phí duy trì ATM hiện vẫn cao hơn rất nhiều mức phí mà các nhà băng đang thu. Tại Việt Nam, 97% các giao dịch với thẻ ghi nợ nội địa vẫn là để rút tiền thay vì thanh toán các hàng hoá dịch vụ. Điều này dẫn đến việc các ATM ở Việt Nam đang quá tải và xuống cấp nhanh hơn các quốc gia.
Ông Đào Minh Tuấn cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã quy định các loại phí trong đó phí rút tiền mặt. Do ngân hàng phải đảm bảo một lượng tiền mặt trong các cây ATM dẫn đến chi phí để duy trì lớn.
“Nếu tính đầy đủ chi phí, mỗi giao dịch rút tiền, ngân hàng phải tính phí 7.000 – 10.000 đồng/giao dịch. Ngân hàng Nhà nước quy định, phí rút tiền nội mạng được phép thu tối đa 3.000 đồng/giao dịch song thực tế các ngân hàng hiện nay chỉ tính phí 1.000 đồng/giao dịch. Thời gian tới, phí ngân hàng sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình”, ông Đào Minh Tuấn nói
Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 35/2012/TT-NHNN quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1/3/2013 và nêu rõ lộ trình tăng trong các năm tiếp theo. Theo đó, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2013 và lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi. Và thực tế, đến nay, mức thu phí nội mạng phổ biến là 1.100 đồng/giao dịch.
TTXVN/Thùy Dương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất