25/05/2017 14:49 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) – Xung quanh việc hàng trăm khách sạn ở Đà Nẵng bất ngờ khi “mở tivi bị thu... bản quyền bài hát”, sáng nay (25/5), Bộ VHTT&DL đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí nhằm cung cấp thông tin xung quanh sự việc, đồng thời giải thích những thắc mắc liên quan đến vấn đề luật bản quyền tác giả, góp phần định hướng dư luận.
Cuộc gặp do ông Nguyễn Thái Bình, Người phát ngôn của Bộ VHTT&DL chủ trì với sự tham gia của nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC), ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL)...
Tại buổi gặp mặt, nhạc sĩ Phó Đức Phương giải thích, thắc mắc của các khách sạn ở Đà Nẵng là chuyện thường ngày mà VCPMC thường gặp nhiều năm qua. Theo nhạc sĩ, việc định giá mức thu 25.000 đồng/phòng/năm là dựa vào những quy định của luật pháp Việt Nam, có tham khảo các tổ chức bạn bè thế giới cũng như căn cứ vào đời sống thực tiễn của Việt Nam. Cách thu tiền của VCPMC trong các lĩnh vực như: hàng không, karaoke, truyền hình… cũng như vậy.
Trong 10 năm qua, trung tâm đã thu được tiền tác quyền ca khúc ở các khách sạn 4,5 sao ở Hà Nội, TP. HCM cũng vậy. Riêng ở Đã Nẵng cũng đã thu được nhiều khách sạn từ 2-3 năm trước, và cũng phải giải thích rất nhiều thắc mắc khi các đối tác chưa hiểu ra vấn để. Năm 2016, VCPMC thu được 284 hợp đồng, tức 284 khách sạn phía Nam với số tiền 3 tỷ đồng, có khách sạn lớn, khách sạn nhỏ...
Ông Phó Đức Phương khẳng định, VCPMC đã được 15 năm tuổi, ra đời sau khi 200 nhạc sĩ cùng ký tên gửi Quốc hội khẩn thiết thông báo, kiến nghị tình trạng xâm phạm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã trầm trọng, phát tác những hệ quả xấu.
Từ khi thành lập đến nay, VCPMC biết trọng trách của mình, cố gắng dồn hết tâm sức để đẩy mạnh quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phát triển. Sau 3 năm thành lập, trở thành thành viên của (Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời thế giới (CISAC).
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, luật pháp Việt Nam cũng như công ước Berne quy định: quyền tác giả ngoài quyền nhân thân, quyền sở hữu ra còn có 4 loại quyền chính: quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền kiểm soát sử dụng tác phẩm của mình trong phát sóng, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng... và không quyền nào "dẫm" lên quyền nào. Việc một vài khách sạn Đà Nẵng thắc mắc, VCPMC sẽ kiên trì giải thích và thực tế từ 10 năm qua VCPMC đã phải giải thích, nhẫn lại rất nhiểu mới có thể đạt được các kết quả mong đợi.
Cũng tại buổi gặp mặt,ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) cho rằng: “Đứng về góc độ quản lý Nhà nước, theo quy định tại điều 33, Luật Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi, âm ghi hình nhằm mục đích thương mại thì tổ chức khai thác sử dụng phải trả một khoản tiền bản quyền (tạm gọi là tiền bản quyền), bao gồm tiền bản quyền tác giả (trả cho tác giả có tác phẩm âm nhạc, trong đó những tác giả, có tác phẩm ủy quyền cho VCPMC thì VCPMC được thu) và quyền liên quan bao gồm: quyền của người biểu diễn và nhà sản xuất ghi âm (trong đó, những người biểu diễn mà ủy quyền cho Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (do NSND Thanh Hoa làm giám đốc) và những nhà sản xuất bản ghi âm nếu ủy quyền cho Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam thì hai nơi này được thu).
Cũng theo ông Bùi Nguyên Hùng, tại điều 35 nghị định 100 nói rất rõ: “Việc tổ chức cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm ghi hình đã được công bố tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, môi trường kỹ thuật số, trong hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng, và các hoạt động kinh doanh thương mại khác là kinh doanh thương mại.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, và các nghị định hướng dẫn, theo công ước Berne, Hiệp định Trips của tổ chức thương mại thế giới, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì việc triển khai thu tác quyền của các tổ chức trước đây liên quan đến bản ghi âm ghi hình của VCPMC tại địa bàn Đà Nẵng là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật”.
Xung quanh việc "Ai thu, ai trả?", ông Bùi Nguyên Hùng cho biết: "Nếu như tác giả, nếu như người biểu diễn, nếu như nhà sản xuất có tài sản và ủy quyền cho ba tổ chức này thì ba tổ chức này chỉ thu cho những hội viên của mình. Còn thu không đúng hội viên, không đúng tài sản là sai. Ai trả? Tổ chức cá nhân khai thác sử dụng theo điều 35 nghi định 100 là hoạt động kinh doanh thì phải nộp tiền.
"Về mức trả bao nhiêu và trả như thế nào?" - Theo ông Bùi Nguyên Hùng: “Đây là tài sản dân sự thì tác giả, hoặc chủ sở hữu của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan có tài sản của mình nếu ủy quyền cho 3 tổ chức trên thì 3 tổ chức trên theo quy định của pháp luật tự xây dựng ra mục giá và đàm phán với bên khai thác sử dụng làm sao đạt được đồng thuận thì Nhà nước không can thiệp. Trong trường hợp không thỏa thuận được, Nghị định chính phủ quy định rõ sẽ khởi kiện tại tòa án, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ vào cuộc để xử lý”.
Ngọc Tường (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất