28/07/2020 19:45 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Bạn “hồn nhiên” chia sẻ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, thậm chí là số Chứng minh nhân dân cho một nhân viên tiếp thị... Đôi nam nữ có những cử chỉ riêng tư nhạy cảm trong rạp chiếu phim, bị người khác quay clip đưa lên mạng…
Đó là những tình huống rất dễ xảy ra ngoài đời, bởi không phải ai cũng nhận thức đầy đủ về dữ liệu cá nhân, cũng như biết bảo vệ quyền riêng tư của bản thân, nhất là trong thời mà thông tin lan truyền với tốc độ chóng mặt như ngày nay.
Gần nhất, cuộc hội thảo "Bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số" tại Hà Nội (do Hội Truyền thông số Việt Nam, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp với Oxfam tại Việt Nam tổ chức) cũng đã nhắc nhiều tới điều này.
“Lỗ hổng” trong nhận thức về “tài sản mềm”
Điển hình, luật sư Nguyễn Tiến Lập, chuyên gia nghiên cứu của IPS cho rằng, một bộ phận trong xã hội chỉ ý thức về quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân khi quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân đó bị xâm phạm và gây hậu quả trực tiếp, chứ bình thường lại không bảo vệ. Đó chính là “lỗ hổng nhận thức” trong bảo vệ dữ liệu cá nhân!
Với tình huống một đôi bạn trẻ có cử chỉ tình cảm riêng tư trong rạp chiếu phim, bị người khác quay clip đưa lên mạng, liệu đó có vi phạm quyền riêng tư hay không?! Luật sư Nguyễn Tiến Lập phân tích, trên quan điểm luật pháp, cái gì thuộc thông tin nhạy cảm của cá nhân nhưng nếu cá nhân không có ý định bảo vệ một cách chủ động, tức là cá nhân đó đã tạo điều kiện để người khác tiếp cận được. Và khi người khác biết được theo một phương thức thông thường, chứ không phải theo một cách thức đặc biệt hay phi pháp, thì trường hợp này không còn là quyền riêng tư. Và, khi cá nhân đó chưa xác định được ranh giới quyền riêng tư và không có ý định giữ mà để mặc cho người khác biết, thì không được pháp luật bảo vệ.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhận xét: Nhận thức của người dân về quyền riêng tư chưa đồng đều, một số đông chưa thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân. Thậm chí họ không biết đến việc mình có quyền riêng tư đó.
Theo Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam Phạm Quang Tú, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cần xuất phát từ hành động của mỗi cá nhân. Trên thực tế, không thể đổ lỗi cho người khác khi bản thân người sử dụng điện thoại di động có thói quen tải hàng loạt ứng dụng miễn phí, có yêu cầu xác thực quyền sử dụng bằng số điện thoại di động. Thậm chí nhiều người dùng cung cấp cả số chứng minh thư nhân dân, thông tin về ngày tháng năm sinh, địa chỉ, quê quán và nhiều thông tin khác trong các phần khai báo ứng dụng mà không để ý tìm hiểu các thông tin đó sẽ được sử dụng vào mục đích gì.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) chia sẻ bài học “cay đắng” đến từ chính giới truyền thông. CSAGA là đơn vị hỗ trợ cho nhóm người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Đã có trường hợp có cơ quan báo chí đến tiếp cận những nạn nhân của bạo lực gia đình, quấy rối tình dục - vốn là những câu chuyện vốn rất nhạy cảm trong xã hội - và tiết lộ tên tuổi thân nhân trên mặt báo dù đã cam kết bằng lời với nạn nhân. Hậu quả đau đớn sau đó nạn nhân tiếp tục phải gánh chịu.
“Tất cả là những câu chuyện buồn khiến chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi không cẩn thận, một lần nữa những người mà chúng tôi bảo vệ bị bạo lực, thậm chí sỉ nhục”, bà Nguyễn Vân Anh nói.
Cần Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân
Cho rằng nên có những quy định pháp lý rõ ràng về vấn đề vi phạm dữ liệu cá nhân, bà Nguyễn Vân Anh bức xúc: “Tôi chưa thấy ai bị phạt khi bị lộ thông tin của những người trong nhóm yếu thế cả, chỉ có những người trong cuộc họ phải chịu những hậu quả nghiêm trọng.”
Hiện nay, Việt Nam đã có 17 luật, nghị định điều chỉnh vấn đề bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân, nhưng hầu hết mới chỉ dừng ở mức nguyên tắc, đặt yêu cầu chứ chưa có định nghĩa, quy định cụ thể và cơ chế thực thi hiệu quả. Do đó, theo ý kiến của luật sư Nguyễn Tiến Lập, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cần tập trung vào việc quản trị dữ liệu và quản lý dữ liệu. Ông Nguyễn Lâm Thanh cho rằng, giai đoạn trước mắt, quản lý Nhà nước nhanh chóng rà soát lại để mà thay đổi thống nhất lại điều khoản trong quy định về quyền riêng tư cá nhân đồng thời bổ sung quy định còn thiếu bởi cho phù hợp với sự phát triển công nghệ thực tiễn.
Bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư được xác định là trọng tâm cho Chương trình chuyển đổi số quốc gia đang đặt ra bài toán cho các nhà lập pháp đối với vấn đề này trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử cũng như đô thị thông minh. "Việt Nam cần khuôn khổ pháp lý hoàn thiện về bảo vệ dữ liệu, quyền riêng tư để vừa đảm bảo tôn trọng quyền công dân, góp phần đưa nền kinh tế số vận hành trên cơ sở dữ liệu...", ông Phạm Quang Tú nhấn mạnh.
Nhằm hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, các chuyên gia khuyến nghị, cần xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để có đủ quy định pháp lý cụ thể bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng thời, nước ta cũng cần xây dựng chiến lược quốc gia về dữ liệu để có hành động thống nhất trong lĩnh vực này.
Ngân Lượng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất