18/07/2018 07:16 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Triển lãm mỹ thuật đương đại Nhật Bản 10 in HCMC khai mạc lúc 10h30 ngày 17/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, giới thiệu 10 tác giả trong độ tuổi từ U50 đến U90. Thật bất ngờ, khi tuổi tác đa phần đã hưu trí, nhưng tác phẩm của họ lại khá trẻ trung. Có lẽ triển lãm này đúng với câu nói: Với người Nhật thì 40 mới là thanh niên, 60 mới là trung niên.
1. Với giới thưởng lãm quốc tế thì Ryoichi Hiratsuka, Susumu Ohira và Yoko Nakamura đã có sự quen thuộc, 7 tác giả còn lại hơi mới mẻ. Họ gồm Reiko Honma, Nobutoshi Matsuura, Aki Miwa, Yoshiya Ohara, Yoko Shimizu, Naoko Kobayashi, Naoki Yamada. Triển lãm giới thiệu 54 tác phẩm, chủ yếu là hội họa giá vẽ, chỉ có Naoko Kobayashi và Naoki Yamada làm tác phẩm sắp đặt.
Đồng tổ chức và giám tuyển của triển lãm 10 in HCMC, bà Huỳnh Nga (Blue Space Contemporary Arts Center) cho biết: “Đương đại và sâu lắng theo tinh thần Nhật Bản là tiêu chí chọn lựa, tôi không phân biệt về tuổi tác, giới tính, trường phái. Tôi ở Việt Nam, giám tuyển Aki Miwa ở Nhật Bản, nên làm việc cũng có đôi chút bất tiện. Khi Aki Miwa đề nghị là tôi chọn giúp phía Việt Nam 5-10 tác giả để làm triển lãm đương đại Nhật-Việt, dù rất muốn, nhưng tôi đã khá băn khoăn, vì tinh thần đương đại của hai nước quá khác nhau. Tôi đành đề nghị làm riêng để người xem có dịp thưởng thức trọn vẹn một kiểu đương đại của Nhật Bản”.
Trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại, ở tầm cỡ thế giới, Nhật Bản có trên 20 tên tuổi thuộc nhóm “vua biết mặt, chúa biết tên”. Ví dụ như Yoko Ono, Yayoi Kusama, Nobuyuki Araki, Mariko Mori, Takashi Murakami, Yoshitomo Nara…
2. Đặc điểm chung trong tác phẩm của họ có thể nhận diện qua 3 khía cạnh. Đầu tiên là bén rễ sâu vào truyền thống để rồi phản biện, giễu nhại, mỉa mai chính truyền thống đó.
Thứ hai, mang đến cho người xem cái cảm giác đại chúng hóa, nơi tác phẩm có kỹ thuật kiểu như “ai cũng làm được”, chẳng có gì là bí ẩn, bí hiểm hoặc kỹ thuật cao.
Thứ ba, dù tinh thần như vậy, nhưng về tạo tác - như mọi chế tác khác của Nhật Bản - các tác phẩm luôn bảo đảm sự chỉn chu, thân thiện nhất có thể. Tổng hòa 3 điều này làm nên tinh thần đương đại trong nghệ thuật Nhật Bản, khó có nước nào trên thế giới có được. Dù ở quy mô và sự sắc nét thấp hơn, nhưng sự tổng hòa này người xem cũng dễ dàng nhận ra tại triển lãm 10 in HCMC.
Nếu các tác phẩm của Yoshiya Ohara (U90), Yoko Nakamura giễu nhại thư pháp, thì Yoko Shimizu, Reiko Honma chế nhạo khả năng biểu hình. Rõ ràng Yoko Shimizu chịu ảnh hưởng của Jackson Pollock (1912-1956), nhưng cô đã không để động tác ngẫu hứng dẫn mình đi hoàn toàn, mà đã tiết chế để tạo một bề mặt vừa ngẫu hứng vừa chỉn chu.
Ấn tượng còn đến từ các tác phẩm của Susumu Ohira, ông đang ở độ tuổi U70. Mới nhìn giống như hình chụp được xử lý kỹ xảo, nhưng không phải, ông vẽ từng lớp, với các nhân ảnh mờ mờ, riêng các hình tròn thì khá rõ nét. Nếu hình dung các nhân ảnh kia chính là chúng ta, còn các hình tròn là con mắt của thế nhân, sẽ thấy ý của ông khá trẻ trung, khá điện ảnh. Nhìn lại hành trình 40 năm vẽ tranh của ông, nó chậm rãi chuyển từ tả thực, từ biểu hình đến với ấn tượng, biểu hiện, trừu tượng. Có thể tạm gọi những tác phẩm mới của Susumu Ohira là ảo giác thị giác.
Những chuyển biến miệt mài như Susumu Ohira thường rất hiếm gặp ở nhiều nền nghệ thuật khác, nhưng lại không hiếm gặp trong nghệ thuật Nhật Bản. Có lẽ điều này đến từ tinh thần nhẫn nại, khiêm nhường và thanh đạm. Từ truyền thống nghệ thuật đặc sắc, vi tế và lâu đời. Từ quan niệm sống: rằng bất cứ điều gì - ngay cả cái chết - cũng nên được biểu đạt bằng một hình thức nghệ thuật. Nhìn rộng hơn, đất nước này cũng thuộc số rất ít những quốc gia có tuổi lao động, làm việc bền bỉ nhất. Cho nên, xem 10 in HCMC sẽ thấy đương đại về tác phẩm quan trọng hơn đương đại về tuổi đời. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 21/7/2018.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất