Hiệp cuối Obama - Romney

23/10/2012 08:10 GMT+7 | Trong nước


Đêm 22-10 (sáng 23-10 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama và đối thủ Đảng Cộng hòa Mitt Romney một lần nữa bước vào “hiệp đấu” cuối cùng sau thế hòa ở hai hiệp đấu trước.



Ông Obama (trái) và ông Romney đối đầu trực tiếp lần cuối trước ngày bầu cử - Ảnh: Reuters

Đúng 15 ngày trước cuộc bầu cử vào 6-11, hai ứng cử viên lại đối mặt trực tiếp lần cuối trong 90 phút ở Đại học Lynn, thành phố Boca Raton (bang Florida). Giới quan sát chính trị Mỹ dự báo đây sẽ là cuộc “khẩu chiến” thu hút nhiều khán giả truyền hình nhất trong mùa bầu cử năm 2012. Hơn 60 triệu cử tri đã theo dõi mỗi cuộc tranh luận trước đó giữa ông Romney và ông Obama.

Ở “hiệp đấu” cuối, chính sách ngoại giao là chủ đề tranh luận, và xem ra đây là lĩnh vực mà Tổng thống Obama đang có ưu thế vượt trội so với ông Romney, người có rất ít kinh nghiệm đối ngoại và từng nhiều lần lỡ lời trong chuyến công du nước ngoài hồi mùa hè.

Iran, Nga, Trung Quốc...


Theo báo Washington Post, những đề tài chính của cuộc tranh luận cuối cùng là vai trò của Mỹ trên thế giới, chiến tranh Afghanistan, Israel và Iran, chủ nghĩa khủng bố, sự trỗi dậy của Trung Quốc... Theo chuyên gia David Yepsen, giám đốc Viện chính sách công Paul Simon, ông Obama có hai mục tiêu: một là, “khẳng định ông không việc gì phải xin lỗi về các chính sách ngoại giao của mình”, và hai là, vặn ông Romney - người đang bị mô tả là “tay mơ” trong ngoại giao.

Trước đó, ông Romney thường chỉ trích ông Obama là “chỉ đi xin lỗi các nước khác” và “yếu ớt” trong các vấn đề về chiến tranh Afghanistan, Iraq, khủng bố, Iran, Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định ông Romney sẽ gặp khó khăn nếu cứ “nhai lại” những luận điệu này. Bởi, trên thực tế tổng thống Mỹ đã ra lệnh triệt hạ Bin Laden, triển khai máy bay tiêu diệt nhiều nghi can khủng bố ở Pakistan, Afghanistan, Yemen... Người dân Mỹ cũng hài lòng với việc ông Obama cho rút quân khỏi Iraq và có kế hoạch cụ thể đưa những đứa con nước Mỹ rời khỏi Afghanistan.

Khai thác nỗi sợ hãi của dân Mỹ, ông Romney từng mô tả Nga là “kẻ thù địa chính trị số một của Mỹ” và đe dọa nếu làm tổng thống sẽ chính thức lên án Trung Quốc là nước “thao túng tiền tệ”. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri Mỹ, ông Romney cũng luôn chỉ trích Trung Quốc là nước ăn cắp ý tưởng, công nghệ và việc làm của Mỹ. Tuy nhiên, viết trên tờ New York Daily News, nhà phân tích Joshua Greenman lại cho rằng cử tri Mỹ giờ đây chẳng mấy thích thú quay lại thời kỳ Chiến tranh lạnh với Nga. Còn với Trung Quốc, dù dư luận Mỹ có bức xúc với chính sách tiền tệ của nước này, nhưng việc mở một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc chỉ là lợi bất cập hại.

Về vấn đề Iran, ông Romney cũng chỉ trích ông Obama là “quá nhẹ tay”, nhưng trên thực tế các chính sách ông đưa ra hầu như sao chép lại những biện pháp mà ông Obama đang thực thi với Tehran. Chuyên gia Yepsen dự báo ông Obama sẽ “vặn” cho ông Romney phải giải thích rõ nội dung “cứng rắn với Nga và Trung Quốc” là như thế nào và liệu có phải ông Romney muốn tuyên chiến với Iran.

So kè căng thẳng

Giới quan sát đánh giá hai cuộc “đấu khẩu” vừa qua đã khiến cuộc đua vào Nhà Trắng giữa ông Barack Obama và ông Mitt Romney đang trở nên căng thẳng và khó dự đoán. Trước cuộc tranh luận đầu tiên vào ngày 3-10, dư luận đều cho rằng ông Romney sẽ dễ dàng bị đánh bại, nhưng rồi ông đã ghi bàn với tỉ số 1-0 nhờ phong độ chói sáng và tỉ lệ ủng hộ ông đã tăng vọt.

Trong cuộc tranh luận thứ hai, ông Obama đã gỡ lại, đưa tương quan lực lượng hai bên về thế hòa. Chiến thắng của ông Obama được đánh giá là thắng sát nút, chưa đủ để giúp ông giành lại thế vượt trội trước đây. Theo khảo sát của báo Wall Street Journal và Hãng NBC News, hiện tỉ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên đang cân bằng ở mức 47%.

Theo chuyên gia Yepsen, nhiều cử tri Mỹ sẵn sàng “sa thải” ông Obama nếu họ đánh giá ông Romney là một “sự thay thế có thể chấp nhận được”. “Chính sách đối ngoại không phải là vấn đề nóng bỏng nhất trong cuộc bầu cử, nhưng nếu ông Romney chiến thắng trong cuộc tranh luận, ông ấy sẽ có thêm lợi thế” - chuyên gia Yepsen nhận định. Giới phân tích dự báo dù kết quả tranh luận như thế nào thì hai ứng cử viên cũng sẽ quay lại tập trung vào vấn đề kinh tế trong những ngày vận động tranh cử nước rút còn lại.

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm