17/10/2024 10:20 GMT+7 | Tin tức 24h
Nhiều nước châu Âu đã và đang kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thắt chặt chính sách đối với người nhập cư bất hợp pháp cũng như tăng cường kiểm soát biên giới bên ngoài khối nhằm đối phó với làn sóng di cư đang ngày càng tăng. Hiện nhiều quốc gia trong khối đang nỗ lực tìm cách giải quyết tình trạng này.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 15/10/2024, Ủy ban này sẽ đề xuất một luật mới về tăng cường trục xuất người nhập cư bất hợp pháp gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia sở tại, trong đó quy định rõ ràng các nước có nghĩa vụ hợp tác trong việc hồi hương và tiếp nhận người di cư bất hợp pháp, khiến cho quá trình này được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Bà khẳng định khuôn khổ pháp lý mới này sẽ giúp tăng cường năng lực để giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Chủ tịch EC lưu ý các nước thành viên cần xây dựng lòng tin, sự hài hòa và thống nhất linh hoạt, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.
Số liệu từ Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) cho biết, các vụ vượt biên trái phép vào EU trong 9 tháng năm 2024 đã giảm 42% so với cùng kỳ năm 2023 xuống còn 166.000 vụ. Frontex nhấn mạnh xu hướng giảm mạnh nhất là dọc theo các tuyến đường qua Tây Balkan và trung tâm Địa Trung Hải.
Cụ thể, gần 17.000 người tị nạn đã vượt biên vào EU qua Tây Balkan (giảm 79%), trong khi khoảng 47.700 người đã vào EU qua khu vực trung tâm Địa Trung Hải (giảm 64%). Ngược lại, số người vượt biên qua tuyến đường Tây Phi đã tăng gấp đôi, lên hơn 30.600 người trong 9 tháng năm 2024. Xu hướng tăng mạnh nhất tập trung tại biên giới đất liền phía Đông của EU, bao gồm cả vào Ba Lan, với gần 13.200 vụ vượt biên, tăng 192% so với cùng kỳ năm 2023.
Các cuộc khảo sát khác cũng cho thấy người nhập cư bất hợp pháp tại Anh và Đức hiện chiếm 1/4 trên tổng số 2,6-3,2 triệu người nhập cư bất hợp pháp tại 12 quốc gia EU trong diện được nghiên cứu. Nói cách khác, hiện có 23-29% số người nhập cư bất hợp pháp ở châu Âu đang sống ở Anh. Theo nghiên cứu của Đại học Oxford, tại Anh hiện có khoảng 745.000 người nhập cư bất hợp pháp, vượt con số 700.000 người tại Đức và cao hơn gấp đôi so với 300.000 người ở Pháp.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc cứ 100 người đang ở Anh thì có một người sống bất hợp pháp. Con số 745.000 người nói trên bao gồm những người nước ngoài đã quá hạn thị thực, người bị từ chối tị nạn nhưng hiện đang mất tích và những người vượt eo biển Manche từ Pháp sang Anh. Ngoài điểm nóng là Anh thì Tây Ban Nha, Đức và Pháp hiện có khoảng 469.000 người nhập cư bất hợp pháp, Italy có 458.000 người.
Trong bối cảnh vấn đề di cư luôn là một trong những chủ đề được quan tâm hàng đầu của châu Âu, chính phủ Pháp mong muốn thông qua một luật nhập cư mới vào năm 2025. Một trong những nội dung dự kiến là kéo dài thời gian giam giữ những người nhập cư không giấy tờ bị xem là nguy hiểm để thực hiện tốt hơn lệnh trục xuất. Một trong những lựa chọn đang được xem xét là tăng thời hạn giam giữ tối đa từ 90 lên 210 ngày, thời hạn hiện chỉ được thực hiện đối với những kẻ tấn công khủng bố. Chính phủ Pháp hy vọng dự luật sẽ được trình lên Quốc hội vào đầu năm 2025. Trong khi đó, từ ngày 16/9/2024, Đức đã mở rộng kiểm soát biên giới đối với tất cả 9 quốc gia láng giềng nhằm ngăn chặn dòng người di cư đến nước này.
Về phần mình, Ba Lan và Cộng hòa Séc đầu tháng 10/2024 kêu gọi thắt chặt chính sách di cư của EU, cũng như tăng cường kiểm soát biên giới bên ngoài khối nhằm đối phó với làn sóng di cư đang ngày càng tăng. EU đã thông qua hiệp ước mới của khối về di cư và tị nạn hồi tháng 5/2024 nhằm mục đích chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người tị nạn tại 27 nước thành viên và đẩy nhanh quá trình trục xuất những người không đủ điều kiện để ở lại. Hiệp ước vốn dự kiến có hiệu lực vào năm 2026.
Trong những tháng qua, cả hai quốc gia Trung Âu này đều vận động nhằm đưa ra “những cách thức mới” trong xử lý vấn đề di cư và thúc đẩy việc cải tổ mang tính bước ngoặt đối với các chính sách di cư của EU. Hai nước đều muốn thúc đẩy chính sách hồi hương - vốn không hiệu quả, cũng như đẩy mạnh cuộc chiến chống các đối tượng buôn người. Ba Lan là một trong những quốc gia của EU đang phải đối phó với làn sóng di cư ồ ạt. Kể từ mùa hè năm 2021, hàng nghìn người di cư và người tị nạn, chủ yếu từ Trung Đông, đã vượt biên hoặc cố vượt biên giới giữa Belarus và Ba Lan. Tháng 5/2024, Ba Lan tuyên bố chi hơn 2,5 tỷ USD để tăng cường bảo vệ biên giới.
Tại Italy, vào tháng 11/2023, Thủ tướng nước này đã ký một thỏa thuận với người đồng cấp Albania nhằm giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp vào EU. Thỏa thuận kéo dài 4 năm, ước tính có giá 175 triệu USD mỗi năm, quy định rằng những người có đơn xin tị nạn bị từ chối sẽ được chuyển từ cảng Shengjin, phía bắc Albania, đến trung tâm tại căn cứ không quân Gjader ở phía Tây Bắc Albania. Các trung tâm này hoạt động theo phương thức như các “điểm nóng” hồi hương của Italy, nơi những người di cư và người tị nạn lưu trú cho đến khi có kết quả về việc xin tị nạn của họ.
Thỏa thuận trên là minh chứng đầu tiên về một quốc gia ngoài EU chấp nhận người di cư thay cho một quốc gia EU. Động thái cũng đã thu hút sự quan tâm của các quốc gia phương Tây đang tìm cách ngăn chặn số lượng người di cư ngày càng tăng đến từ châu Phi, Trung Đông và nhiều nơi khác.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất