14/06/2016 10:52 GMT+7 | Ký sự Euro
(lienminhbng.org) - Hôm nay, tại Paris và nhiều nơi ở nước Pháp, đã diễn ra biểu tình được cho là lớn nhất, kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình phản đối Bộ luật lao động mới của Pháp do nữ Bộ trưởng El Khomri đưa ra. Nước Pháp lại mệt mỏi và nghẹt thở.
Theo quan sát của chúng tôi, tại Paris hôm qua, trên các ngả đường cảnh sát đã được huy động tối đa, trong tình trạng sẵn sàng can thiệp mạnh để bảo đảm trật tự.
Những cuộc biểu tình bất tận đã làm nước Pháp bị chia rẽ và gần như tê liệt từ hơn 4 tháng nay. Và sau những ngày mở màn của EURO 2016, hiện vẫn là thời điểm căng thẳng có tính chất sống còn đối với chính phủ của Thủ tướng Pháp Manuel Valls.
Cùng với nỗi lo về anh ninh và khủng bố, các cuộc biểu tình của công đoàn và người lao động trong đó có ngành đường sắt (SNCF) có thể sẽ ảnh hưởng rất nhiều đối với những chặng đường tiếp theo của EURO 2016.
Những lộn xộn giữa các cổ động viên Anh và Nga tại Marseille đã khiến ban tổ chức và Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) phải tính đến phương án loại hai đội tuyển Anh và Nga ra khỏi mùa giải. Nếu điều này xảy ra, đương nhiên EURO 2016 sẽ không còn trọn vẹn.
Qua vụ việc ẩu đả tại thành phố Marseille mới thấy sự sáng suốt của chính quyền thành phố Paris khi đã cấm việc các quan bar, nhà hàng tổ chức xem bóng đá tại các khoảng sân, hè phố. Thậm chí, nhà chức trách Pháp còn đang tính tới khả năng cấm bán rượu tại khu vực công cộng tập trung nhiều fan hâm mộ. Hôm khai mạc EURO, chúng tôi thấy rằng các chủ quán xung quanh SVĐ Stade de France vẫn bán bia vô tội vạ cho CĐV. Có nghĩa, ai có sức uống bao nhiêu cũng bán.
Dù quyết định trên có thể khiến nhiều người hâm mộ không được hò hét tại các địa điểm ưa thích nhưng đó là cần thiết để đảm bảo an ninh, trật tự và xa hơn là tránh được những toan tính khủng bố của những kẻ hồi giáo cực đoan. Bởi chính rượu đã biến khu trung tâm thành phố Marseille xinh đẹp thành “chiến trường” giữa những hooligan Nga và Anh. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã yêu cầu cảnh sát và các lực lượng chức năng cần phải làm tất cả các biện pháp cần thiết để kiểm soát việc bán và tiêu thụ bia rượu tại các khu fanzone và các địa điểm nhạy cảm nhằm tránh cho các vụ việc đáng tiếc như tại Marseille tái diễn.
Vụ xả súng đẫm máu tại Orlando ngày 12/6 không khỏi làm người Pháp và các cổ động viên lo ngại về những đe dọa khủng bố châu Âu của tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Viện Nghiên cứu dân số của Pháp (INED) cho biết hiện tại Pháp có khoảng từ 3,9 đến 4,1 triệu người Hồi giáo, trong đó có khoảng từ 20.000 đến 30.000 kẻ Hồi giáo cực đoan bao gồm cả những kẻ thuộc dòng Salafism. Điều đáng ngại hơn là đã có hàng nghìn thanh niên Pháp (chủ yếu theo đạo Hồi) đã sang các chiến trường Trung Đông tham gia IS trong đó có hàng trăm đối tượng đã trở về nước Pháp. Thật khó cho các cơ quan an ninh Pháp để có thể theo sát được số này cũng như biết bao thanh niên Pháp khác (kể cả có nguồn gốc dân nhập cư hay là Pháp gốc) để ngăn chặn và hóa giải các âm mưu khủng bố trong suốt mùa giải EURO...
Hôm nay, người ta đang chờ xem nước Pháp sẽ làm gì trước thách thức nghiêm trọng từ nội tại - biểu tình?
Việt Sơn - Hữu Quý (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất