Cựu danh thủ Đặng Phương Nam: Vì sao các số 9 không còn là 'sát thủ'?

11/07/2016 11:44 GMT+7 | Tranh cãi

(lienminhbng.org) - Xu hướng mới của bóng đá không còn đề cao vai trò săn bàn của các cầu thủ mũi nhọn và ở EURO 2016 này cũng vậy. Kết thúc giải đấu, danh sách những cầu thủ ghi bàn nhiều nhất chỉ có Giroud, Morata là những số 9 đích thực (cùng ghi được 3 bàn).

Còn người dẫn đầu là hộ công Griezmann, các nhân tố khác như Ronaldo, Nani, Bale, Payet cũng chưa bao giờ là một trung phong cắm thực thụ.

Các số 9 không cần… ghi bàn?

EURO 2016 không có nhiều cách tân về sơ đồ chiến thuật. Không còn đội hình 4-6-0 huyền ảo đã từng giúp Tây Ban Nha vô địch 4 năm về trước. Cũng không thấy 4-1-4-1 với mô hình một máy quét phía trước hàng phòng ngự và một trung phong cắm đảm nhiệm trọng trách ghi bàn. Phổ biến nhất là 4-2-3-1 của Đức, Pháp, Croatia; 4-3-3 của Anh, Tây Ban Nha; 4-4-2 cổ điển của Bồ Đào Nha hay 3-5-2 phòng ngự phản công tuyệt vời của Italy và hiện tượng Xứ Wales.

Mỗi đội một lối chơi, một phong cách sở trường khác nhau, nhưng có một điểm chung đó là không có một đội bóng nào sử dụng tiền đạo như một cây săn bàn thực thụ. Có 3 lý do để giải thích vấn để này:

Thứ nhất, thế giới đang thiếu những sát thủ ghi bàn, những cầu thủ thường xuyên cắm chốt trong vòng cấm địa, không cần tham gia quá nhiều vào lối chơi đồng đội. Nhiệm vụ duy nhất là di chuyển, chọn vị trí để ghi bàn. Mẫu cầu thủ kiểu Romario, Van Basten của thế hệ trước, gần hơn chút là Alan Shearer, Inzaghi, Bierhoff..   

Bóng đá hiện đại không còn chỗ cho những mẫu tiền đạo như thế nữa. Họ đề cao lối chơi tập thể, sự đồng bộ cùng tấn công, cùng phòng ngự của cả đội. Các đội đều chú ý đến những miếng tấn công đa dạng với sự tham gia của nhiều cầu thủ, di chuyển liên tục, hoán đổi vị trí để thực hiện những pha phối hợp ngắn, trung bình với sự nhuần nhuyễn và đột biến cao. Điểm cuối của pha phối hợp có thể là bất cứ cầu thủ nào chứ không nhất thiết là trung phong cắm.

Thứ 2, chính xu hướng phát triển ấy của thế giới đã khiến các nền bóng đá phát triển cũng không còn tập trung vào đào tạo các số 9 theo mẫu cổ điển như vậy. Kết quả đến EURO lần này, mẫu trung phong cắm chỉ còn vài người: Lewandowski, Morata, Giroud, Lukaku, Robson-Kanu… Và cũng không có nhiều người trong số họ được thi đấu như một cây săn bàn thực thụ. Lewandowski thường xuyên phải lùi về nhận bóng, làm tường để hỗ trợ cho hàng tiền vệ thiếu sức sáng tạo. Morata cũng thường xuyên phải dạt biên để tạo khoảng trống cho các tiền vệ dâng cao. Lukaku, Giroud nặng nề, chậm chạp không phù hợp với những đường lên bóng tốc độ, nhiệm vụ chính là làm tường và không chiến từ những quả tạt.

Thứ 3, có những tiền đạo còn làm nhiệm vụ phòng ngự nhiều hơn là tấn công. Chẳng hạn như Ronaldo, Nani, Bale hay Robson-Kanu… Họ luôn là nhân tố đầu tiên tham gia phòng ngự một cách tích cực và hầu như chỉ tham gia tấn công trong các đợt phản công hoặc tình huống cố định.

Nhiệm vụ ghi bàn thuộc về tất cả

Rõ ràng, với những xu hướng tổ chức tấn công như vậy thì cơ hội sẽ thuộc về những cầu thủ thi đấu xung quanh tiền đạo mũi nhọn. Đặc biệt là những hộ công bởi họ sẽ tận dụng được những khoảng trống mà trung phong để lại. Griezmann là một trường hợp điển hình. Anh dùng tốc độ để khai thác tối đa những pha nhả bóng vào khoảng trống rất nhạy cảm của Giroud. Và khi số 9 của Pháp được hậu vệ đối phương tập trung chăm sóc trong những tình huống bóng bổng thì Griezmann với bản năng sát thủ, khả năng chọn vị trí tốt đã rất nhiều lần lặng lẽ băng vào và đánh đầu hiểm góc.

Đã đến lúc người Pháp thừa nhận Giroud

Đã đến lúc người Pháp thừa nhận Giroud

Dù không phải là tiền đạo tốt nhất của bóng đá Pháp ở thời điểm hiện tại, những gì Olivier Giroud làm được ở EURO 2016 rất xứng đáng được thừa nhận, ít nhất từ những người yêu mến đội tuyển Pháp.


Hay trường hợp Pelle - Eder cũng giống như vậy. Eder hoạt động hiệu quả như một vệ tinh xung quanh trung phong cắm. Nani thì hơi khác, anh chia sẻ với Ronaldo ở vị trí 2 tiền đạo song song nhưng cũng thường tận dụng rất tốt những khoảng trống mà Ronaldo để lại, họ cũng thường xuyên tìm thấy nhau trong những đường chuyền cuối cùng.

Vẫn biết bóng đá là môn tập thể, đề cao sức mạnh của toàn đội, đôi khi cá nhân dù rất xuất sắc cũng phải hy sinh vì đội bóng. Xu hướng phát triển bóng đá, tư duy chiến thuật của các đội bóng cũng đã thay đổi quá nhiều. Lối chơi tập thể sẽ được chú trọng hơn những thành tích của mỗi cá nhân. Nhưng vẫn thấy nuối tiếc khi thấy thiếu vắng những chân sút chủ lực, những tay săn bàn kiệt xuất, những pha xử lý độc đáo và những bàn thắng đẹp.

EURO 2016 không phải là một giải đấu quá thiên về tấn công khi hiệu suất ghi bàn cũng chỉ là 2,1 bàn/ trận. Và có những đội bóng đã phải trả giá khi thiếu vắng những số 9 đích thực như đội tuyển Đức. Hy vọng đó cũng là bài học không chỉ cho HLV Joachim Loew mà còn cho những đội bóng khác. Chiến thuật dù có thay đổi có cải tiến và hiện đại đến cấp độ nào đi chăng nữa thì vẫn cần phải ghi bàn để chiến thắng. Mà ghi bàn thì chắc chắn không ai làm tốt hơn các trung phong cắm.

Hy vọng Wolrd Cup 2018 những số 9 đích thực sẽ trở lại.

Đặng Phương Nam
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm