Hooligan: Đặc sản Anh?

19/06/2016 19:31 GMT+7 | B

(lienminhbng.org) - Một lần nữa ở một giải đấu lớn, những tay côn đồ bóng đá tới từ nước Anh gây náo loạn bằng những vụ ẩu đả, đập phá và gây rối tại nhiều nơi trên đất Pháp khi Euro 2016 mới chỉ bắt đầu.

“Văn hóa hooligan”

Tháng 8/2014, West Ham ra mắt tiền đạo người Ecuador mới mua từ Pachuca của họ, Enner Valencia. “Tôi biết West Ham chỉ qua phim ảnh”, Valencia nói với cánh phóng viên qua người phiên dịch. “Và tôi biết các CĐV ở đây rất cuồng nhiệt”. “Phim gì vậy anh?” Một câu hỏi cất lên từ bên dưới. Valencia mỉm cười, còn tay phiên dịch bắt đầu lúng túng. “Ờ, anh ấy nói là phim Green Street”. Những tiếng cười rộ lên phía dưới phòng họp báo. Green Street, hay tên đầy đủ là Green Street Hooligans, là một bộ phim về hooligan West Ham, theo tên con đường nơi mà sân Upton Park tọa lạc.

West Ham tất nhiên là không muốn được biết tới qua bộ phim đó, nhưng Valencia đã vô tình chạm tới điều cấm kỵ. Nạn hooligan được coi là đã giảm bớt rất nhiều với bóng đá Anh, qua các con số chính thức. “Các sân bóng ngày nay đều an toàn để chào đón mọi người”, LĐBĐ Anh (FA) nói trong một báo cáo tóm tắt về tình trạng bạo lực bóng đá. “Các sân bóng không còn hàng rào. Tất cả các sân ở hai hạng cao nhất, và nhiều sân ở những hạng thấp hơn đều là sân chỗ ngồi toàn bộ. Thỉnh thoảng cũng có rắc rối, nhưng ở quy mô rất giới hạn và thường cách xa sân bóng”.


Bộ phim Green Street

Nhưng ở Pháp, CĐV Anh đã lại gây tiếng xấu lần nữa, với những vụ đập phá, ẩu đả sau khi say xỉn cả trong lẫn ngoài sân cỏ, trước, trong và sau trận Anh-Nga ở Marseille. Nạn hooligan thực ra còn lâu mới chết. Đó là cả một “nền văn hóa” ăn sâu bén rễ. Phim ảnh, các loạt phim truyền hình, sách vở, chuyện kể truyền miệng, và cả thời trang, tất cả đã trở thành một “căn bệnh của người Anh” ở những giải lớn.

Một tìm kiếm trên trang Amazon cho những cuốn sách mà tựa có từ “hooligan” cho ra 20 trang kết quả. Cả các đội đá bóng rất làng nhàng như Millwall, Hibernian, Bolton, Portsmouth và Burnley lẫn các đội lừng lẫy thế giới như Chelsea, Manchester United và Liverpool đều có những lực lượng CĐV dữ dằn không ai chịu thua ai.

Để hiểu “nền văn hóa” đó, cần gặp đúng người, như “Hotshot” (không phải tên thật), một tay bợm hooligan vốn là CĐV Man United. “Ngay ở trường học, ai cũng có băng nhóm phân theo đội bóng rồi, áo xanh hoặc áo đỏ”, Hotshot, hiện ngoài 40 và từng viết sách về hooligan, nói. “Bạn lớn lên cùng với điều đó. Tôi có rất nhiều bạn bè lập băng nhóm ở trường, phân theo khu. Nếu bạn thuộc băng Man United, Man City hay Bury (chỉ là một đội bóng nhỏ ở vùng Đại Manchester, đang đá ở League One, tức hạng Ba Anh), thì bạn phải chọn đi theo tuyến xe buýt riêng của băng mình để đến trước, nếu không muốn ăn đòn”.

Băng của Man United dễ hiểu là đông nhất, ngay cả trong những ngày đen tối khi CLB rớt hạng vào giữa những năm 1970. Để được nhận vào nhóm hooligan này, các tay mới sẽ phải “lấy số” bằng những trận đánh nhau với CĐV đội đối thủ. “Nếu bạn là CĐV Man United, thì khi đánh nhau bạn dứt khoát không được bỏ chạy”, Hotshot giải thích. “Rất nhiều bạn bè của tôi rốt cuộc đã kết thúc cuộc đời trong nhà tù”.

Thời nay, theo lời Hotshot, các băng nhóm CĐV ở Anh vẫn xử nhau hàng ngày, nhưng là tránh xa các SVĐ: “Tới sân rất rườm rà, bảo vệ, máy quay, nhà chức trách… Không đáng bỏ công sức, và bạn còn có thể bị cấm vào sân nữa”. Những vụ ẩu đả ở Pháp không diễn ra trong sân bóng, theo điều tra ban đầu, cũng chỉ là giữa các CĐV Anh với nhau, khi hai nhóm đối lập “hẹn gặp” ở một quán bar tại Marseille. Không khác gì các cầu thủ, những băng hooligan của các CLB cũng tụ tập với nhau mỗi khi ĐTQG thi đấu.

Đã không còn như xưa

CĐV Man United hiện dẫn đầu danh sách bị bắt giữ ở Anh, 112 vụ mùa trước, trong 2.273 vụ ở 92 CLB chuyên nghiệp. Công bằng mà nói, các con số đã giảm nhiều. 2.273 vụ bắt giữ chỉ chiếm 0,01% tổng số 38 triệu lượt khán giả tới sân xem các giải đấu, và mùa 1988-89, số vụ bắt giữ liên quan tới bóng đá của nhà chức trách là 6.185.

Bạo lực trên sân bóng giờ chỉ còn diễn ra ở quy mô từng vụ đơn lẻ. Một lý do quan trọng là bởi hiện giờ hình phạt với bạo lực liên quan đến bóng đá rất nặng, có thể lên tới vài năm tù giam. Chỉ việc say xỉn vào sân cũng có thể khiến một CĐV phải nhận lệnh cấm vào sân một thời gian dài.

Hotshot từng bị cấm vào Old Trafford 3 năm, điều với ông còn tệ hơn cả án tù. “Cuộc sống của bạn không còn ý nghĩa khi không thể tới sân”, ông nói. “Điều đó hủy hoại tất cả. Tôi thậm chí có lúc đã không còn thấy yêu bóng đá, không muốn xem Man United đá nữa”. Cảnh sát và bảo vệ ở sân bóng cũng được luật pháp Anh trao quyền rộng rãi hơn so với lực lượng thực thi pháp luật thông thường. Chức trách của họ tương đương với các lực lượng đặc nhiệm chống bạo động.


Andy "Hotshot" Mitten và cuốn truyện về cuộc đời làm hooligan

Thời đại Premier League, bắt đầu từ mùa 1992-93, cũng là báo hiệu cho cáo chung của chủ nghĩa hooligan ở quy mô lớn, bởi bóng đá Anh bắt buộc phải thay đổi hình ảnh nếu muốn kiếm được tiền, từ các hợp đồng tài trợ, bản quyền truyền hình, quảng cáo, và bán hàng thương mại nữa. Công nghệ cũng góp phần giảm bớt các trận chiến băng đảng hooligan. Điện thoại di động, internet và mạng xã hội giúp các CĐV tụ tập dễ dàng hơn, nhưng cũng khiến bằng chứng rõ ràng về những kẻ khát máu dễ tới tay cảnh sát hơn qua các đoạn băng ghi hình, ảnh chụp, Facebook và Twitter (như vụ ở Marseille). “Giờ rất khó để họ tổ chức đánh nhau. Ở đâu cũng có máy quay phim và chụp ảnh”, Hotshot nói. Thỉnh thoảng vẫn có một vài vụ lớn như ở Euro 2016, nhưng nhìn chung, nền văn hóa hooligan đang ngày càng không còn đất sống nữa.

Ảnh: Hooligan Anh đã “sống lại” mạnh mẽ ở EURO 2016, là nỗi hổ thẹn của bóng đá



Ultra Nga là ai?

Một tay không vỗ nên tiếng, những vụ ẩu đả ghê người ở Marseille cũng có sự tham gia “tích cực” của các CĐV Nga sau trận Anh hòa Nga 1-1 hôm Chủ nhật.

“Tay cầm đầu chạy lại đánh một CĐV Anh, những kẻ khác theo gương, và họ lao vào nhau một cách tàn bạo”, phóng viên báoThe Mirror, Andy Lines, kể lại về cuộc ẩu đả ở Marseille. Trận Anh-Nga được nhà chức trách Pháp xếp trong tốp 5 những trận “rủi ro an ninh cao nhất” ở vòng bảng, và dự báo của họ đã thành hiện thực.

Báo cáo năm 2015 của FARE, một tổ chức gồm các tổ chức phi chính phủ, hội CĐV, nhóm ủng hộ người đồng tính… cho thấy tình trạng bạo lực và phân biệt chủng tộc rất phổ biến trong bóng đá Nga. “Chúng tôi ghi nhận nhiều vụ các CĐV đánh người trên các phương tiện công cộng nhắm vào những đối tượng “không phải Slave””, báo cáo viết.

Nhiều cầu thủ da màu chơi bóng ở Nga từng là nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc trên sân, bao gồm Hulk, chân sút người Brazil của Zenit St Petersburg; Emmanuel Frimpong, tuyển thủ Ghana và nhiều người khác.

Trần Trọng

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm