16/06/2016 09:22 GMT+7 | Euro 2020
(lienminhbng.org) - Người cổ động viên già của Marseille nói với tôi rằng, “O.M” đã từng là một biểu tượng lớn trong trái tim ông 1/4 thế kỉ về trước, khi đội bóng của Bernard Tapie trở thành lá cờ đầu của bóng đá Pháp trên con đường gạt phăng những đối thủ lớn ở Châu Âu để rồi từ đó chinh phục một chức vô địch Champions League. “Lên đỉnh cũng là lúc O.M rớt xuống vực sâu. Chúng tôi không bao giờ quên những ngày đó”, ông nói.
Ký ức đau buồn về bê bối O.M – V.A
Những thước phim được quay chậm lại: tháng 5/1993, Marseille, thành phố cảng lớn nhất nước Pháp, với những khu phố dọc ngang và leo dốc nhìn xa chẳng khác Napoli ở Ý hay Buenos Aires ở Argentina, như lên cơn sốt trong một niềm tự hào lớn lao chưa từng có, khi O.M đánh bại Milan hùng mạnh 1-0 trong trận chung kết Champions League để trở thành CLB Pháp đầu tiên đoạt chức vô địch Châu Âu.
Hình ảnh hiếm hoi về Tapie mà tôi tìm được trên một bức tường ở ngoại ô Marseille
Những cuộc ăn mừng diễn ra một cách hoành tráng và ầm ỹ trong nhiều ngày, trên những đường phố ở các khu cùng đinh khi ấy còn chưa tràn ngập người nhập cư Bắc Phi, ở ngoài khu Vieux Port (Cảng Cũ) cổ kính nhưng kiêu hãnh, trên cả những bức tường ngoại ô, nơi người ta vẽ lên những bức tranh có hình chủ tịch Tapie, HLV Goethals và người hùng Basile Boli. Một niềm tự hào lớn lao ngập tràn trong tất cả, và những cái đầu ngẩng cao. Bởi Marseille, thành phố của giới thợ thuyền, với khu cảng đã đi vào văn học với những nhân vật để đời nhằm tố cáo sự bất công xã hội như Edmond Dantes trong “Bá tước Montecristo” hay Jean Valjean trong “Những người khốn khổ”, coi chiến thắng đó như một thông điệp mạnh mẽ gửi đến Paris. Paris hào nhoáng, Paris giàu có, Paris của những người đứng đầu đất nước, Paris của những chủ tư bản bóc lột người lao động.
Những nghệ sĩ tranh tường mà những tác phẩm thể hiện sự đấu tranh xã hội như Banksy khi ấy chưa xuất hiện. Internet và smartphone là những khái niệm hoặc chưa phổ cập hoặc quá xa vời. Chiến tranh Lạnh vừa kết thúc và Châu Âu mở toang những cánh cửa để đón nhận những tư tưởng mới, hình ảnh, suy nghĩ và con người mới. Bóng đá cũng thế. Khủng bố Hồi giáo vẫn là một khái niệm mới mẻ. Và vào thời kì ấy, chiến thắng của O.M giống như một làn gió mới thổi khắp Châu Âu, một cái tên mới trên bầu trời bóng đá, chống lại những thế lực giàu có và đầy tham vọng kiểu Milan. Đấy là một quá trình đi lên không ngừng trước đó, từ 4 chức vô địch nước Pháp liên tục, từ việc gạt bỏ Milan khỏi Cúp C1 năm 1991 trước khi thua Sao Đỏ trong trận chung kết, với những ngôi sao lớn trong đội hình ngày đó, như Papin, Barthez, Angloma, Waddle hay Boksic. Nhưng Bernard Tapie, một phiên bản lỗi của Berlusconi kiểu Pháp, đã không làm được những gì Berlusconi xịn làm được: leo lên trên đỉnh cao chính trị. Scandal O.M-V.A đã làm tất cả sụp đổ.
Đội hình xuất phát của O.M trong trận chung kết Champions League 1993. Hàng đứng, từ trái sang phải: Barthez, Sauzee, Desailly, Voeller, Boli,. Hàng ngồi: Angloma, Abedi Pele, Deschamps (đội trưởng), Boksic, Eydelie, Di Meco. Eydelie chính là người đã giao tiền cho 2 cầu thủ Valenciennes trước trận gặp Milan.
O.M bị tố cáo đã bỏ tiền ra “mua giò” các cầu thủ Valenciennes trong trận đấu trước đó mấy ngày ở giải vô địch Pháp để giữ chân cho trận đấu với Milan. Jacques Glassmann, một trung vệ của Valenciennes tiết lộ rằng, Tổng giám đốc Marseille Jean-Pierre Bernes và tiền vệ O.M Jean-Jacques Eydelie đã dùng tiền để mua chuộc hai đồng đội của anh ở Valenciennes là tiền đạo Christophe Robert và tiền vệ Jorge Burruchaga, người đã cùng Argentina vô địch ở World Cup Mexico 1986. Lời tố cáo được chứng minh là có cơ sở, và chỉ một thời gian rất ngắn sau những đêm ăn mừng ầm ỹ trên đường phố Marseille, là nước mắt. Marseille bị đánh tụt hạng, bị tước chức vô địch Pháp, những người liên đới bị đưa ra tòa, Tapie từ một người hùng trở thành kẻ tội đồ, cũng rơi vào vòng lao lí, và sự nghiệp chính trị đang lên nhờ hình ảnh từ chiến thắng của O.M cũng đứt đoạn vì tù tội.
Antoine nói rằng, nỗi đau của người Marseille 23 năm trước, sau scandal ấy, rất lớn, và họ chỉ trích Tapie. Bởi nhiều người cho rằng, thậm chí O.M không cần mua Valenciennes trận ấy thì vẫn có đủ lực để đá với Milan. “Nhưng điều đó đã xảy ra, và đó là một điều vô cùng đáng tiếc. Những người phạm lỗi nặng đã phải trả giá, và đến giờ, còn lại trong tôi là một khoảng trống vô cùng lớn”, Antoine nói. “Nhưng dù ở Marseille này, nơi mà rất nhiều người ủng hộ những trò bẩn thỉu để chiến thắng, thì tôi muốn khẳng định rằng, tôi không ủng hộ thắng lợi bằng cách lừa dối”.
Những dấu ấn của ngày đó không còn tồn tại nữa, đúng ra, còn rất ít, sau 23 năm. Có thể, những người đã vẽ lên các bức tranh về người hùng đã xóa chúng đi, khi những người hùng trở thành tội đồ. Tôi đã đi qua nhiều con phố của Marseille, với hy vọng sẽ tìm được một bức tường nào đó có những hình ảnh về O.M, những dòng chữ ca ngợi chiến công của Tapie và các học trò dưới tay Goethals. Không có gì hết. Không cả những hình ảnh của Zidane. Ở Napoli, các tifosi thậm chí đã dựng lên một ảnh thờ Maradona sau khi anh rời Napoli vì scandal cocaine năm 1991. Nhưng ở Marseille, Zidane, đứa con của thành phố này, chỉ còn trong tim của người hâm mộ. Đã từng có một bức ảnh rất lớn hình ảnh của anh ngày còn trẻ trên một bức tường gần trung tâm cổ của thành phố. Nhưng đấy chỉ đơn giản là hình ảnh quảng cáo của hãng Adidas. Không còn gì hơn thế nữa. Nay thì bức ảnh đó cũng không còn nữa. Quảng cáo đã hết hạn. Marseille vẫn là một đội bóng rất mạnh của nước Pháp và đây vẫn là một thành phố điên cuồng vì trái bóng. Nhưng họ không sống trong quá khứ.
Tapie đã từng phải ngồi tù sau scandal O.M-V.A, từng trở lại làm GĐ thể thao của Marseille vào mùa 2001-02.
Ở Marseille, liệu vẫn có những người khóc cho Bernard Tapie và tiếc nuối những gì đã qua? Với một thành phố cảng mà 1/3 dân số là người nhập cư có gốc Bắc Phi và tuổi trung bình khá trẻ, những kí ức ấy rất khó được chia sẻ. Thời gian trôi qua, những mối bận tâm cũng khác và những người hùng cũng khác. Thế hệ những người nhập cư ấy cũng hâm mộ đội Marseille, nhưng họ không biết nhiều về quá khứ 1993 và chỉ thần tượng một con người, Zidane. Tiếc thay, tháng 5 vừa rồi, một biểu tượng gắn liền với cầu thủ huyền thoại là con của một gia đình nhập cư gốc Algeria ấy, cũng không còn nữa. Ngôi nhà mà ở đó anh đã được sinh ra và đã sống đến năm 12 tuổi ở khu Castellane, ngoại ô Marseille, đã bị ủi sập để nhường chỗ cho một khu chung cư mới sắp xây lên. Người ta muốn phá nó đi để tái thiết khu dân cư lớn tập trung hơn 6 nghìn người, chủ yếu là nhập cư này. Đấy luôn được coi là một khối ung thư của Marseille, nơi người ta buôn bán ma túy và thanh toán lẫn nhau trong các cuộc đấu súng của các băng đảng, nơi mà đói nghèo và thất nghiệp ngự trị, nơi mà EURO này không tới được. Ở đó, ngôi nhà của Zidane, được người dân trìu mến gọi là “Tour Zidane” (tháp Zidane) không còn nữa. Anh cũng không bao giờ quay lại đây kể từ khi rời đi, cùng gia đình sống ở chỗ khác.
Khi những biểu tượng cũ đã không còn nữa, từ O.M đến “Tour Zidane”, thành phố lớn thứ hai nước Pháp vật lộn trong việc tìm ra những biểu tượng mới. Trong khi chờ đợi tìm ra biểu tượng ấy, “Vieux Port” sẽ luôn ngự trị ở trung tâm cổ của thành phố. Và nơi đó đã là sân khấu cho những cuộc làm loạn của hooligan Anh những ngày đầu EURO…
Người hùng trong bóng tối bây giờ ở đâu? Ở Marseille, vẫn có người ghét Jacques Glassmann, người đã tố cáo vụ này, vì cho rằng, vì sự trung thực của anh mà nước Pháp mất đi một biểu tượng. Tên tuổi của anh chẳng ai biết đến, cho đến trung vệ này trở thành một nhân vật đầy tranh cãi trên nước Pháp. Những người theo chủ nghĩa dân tộc nói rằng, anh là một kẻ phản bội, kẻ đã giết chết đội bóng đem về cho nước Pháp chiếc Cúp C1 đầu tiên. Những người khác-không ít trong số đó là những người không thích O.M thì gọi anh là một người hùng, người đã tôn vinh bóng đá sạch. 23 năm kể từ ngày đó, anh đang làm gì và ở đâu? Sau khi tố cáo các đồng đội Robert và Burruchaga của mình đã nhận 250 nghìn franc từ tiền vệ của Marseille là Jean-Jacques Eydelie để thua Marseille 0-1 trong một trận đấu của giải vô địch Pháp, ba ngày trước trận O.M-Milan ở chung kết Champions League, Glassmann đã được báo chí Pháp tôn vinh là một người hùng, trong khi bản thân anh bị các đồng đội và cổ động viên Valenciennes nguyền rủa. Glassmann rời nước Pháp ngay sau đó để tới đảo Reunion thuộc Pháp (trên Ấn Độ Dương) và chơi bóng ở đó cho tới năm 1996, khi anh quyết định giải nghệ. Một năm trước đó, Glassmann được FIFA trao thưởng vì sự chân thành. 20 năm đã qua từ đó, không còn ai biết anh đang làm gì và ở đâu. Anh cũng không chấp nhận trả lời báo chí kể từ đó. Cũng như Marseille, Valenciennes bị đánh tụt xuống hạng 2 và mất nhiều cầu thủ trụ cột. Đội bóng này tụt xuống tiếp hạng 3 vào năm 1994 và cuối cùng tan rã vào năm 1996 do phá sản. |
Trương Anh Ngọc (từ Marseille, Pháp)
Thể thao & văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất