25/06/2016 06:09 GMT+7 | Ký sự Euro
(lienminhbng.org) - Tôi mến mộ chàng ngay từ những trang đầu tiên của bộ “Ba người lính ngự lâm” của văn hào Alexandre Dumas (1802-1870). Đấy là một chàng quý tộc trẻ trung, phiêu lưu, lãng tử kiểu cổ điển, nhưng dũng cảm, nghĩa hiệp và sẵn sàng hết mình vì những người chàng yêu mến và đã thề sống chết vì họ.
Lupiac, nơi sinh của d'Artagnan
Con đường đến làng Lupiac, nơi đã sinh ra d’Artagnan, đẹp và thơ mộng đến lặng người. Rời khỏi con đường cao tốc giữa Bordeaux và Pau là một con đường nhỏ ngoằn ngoèo chạy gần một trăm cây số, nối giữa rất nhiều thị trấn và làng mạc nông thôn của xứ Gascogne. Vùng đất ấy trở nên quyến rũ một cách đặc biệt khi trời đổ về chiều, khi lướt qua hai bên là những cánh đồng lúa mì mênh mông mới gặt xong còn trơ gốc rạ vàng ươm ánh lên trong nắng, những cuộn lớn đứng tư lự ở khắp nơi, những cánh đồng nho của thứ vang Armagnac hảo hạng, những hồ nước in bóng mây trời, những đàn bò nhẩn nha gặm cỏ, những tháp chuông nhà thờ xa tít tắp nằm giữa một ngôi làng nào đó, và thỉnh thoảng xuất hiện những bảng quảng cáo bán “foie gras” (pa tê gan ngỗng, đặc sản của Pháp). Không gian sực mùi ngai ngái của cỏ, mùi của hoa dại bên vệ đường, mùi của đất trời trong gió mênh mang, mùi của tuổi trẻ khao khát sống.
Lupiac của d’Artagnan rất nhỏ, với chưa đầy 300 dân và chừng vài chục nóc nhà kiểu cổ quây quanh hai con đường, và một quảng trường lớn. Chàng cưỡi ngựa và giơ kiếm ở giữa quảng trường ấy, trong một tư thế như đang tấn công. Bức tượng của nhà điêu khắc Daphne du Barry thực ra mới được dựng lên năm ngoái, nhân kỉ niệm 400 năm ngày sinh của chàng. Một bảo tàng nhỏ về chàng được dựng bên cạnh nhà thờ Saint Jacques. Lâu đài Castelmore, nơi d’Artagnan đã sinh ra vào năm 1615, với tên thật là Charles de Batz de Castelmore, vẫn còn đó, đẹp đẽ giữa những hàng cây xanh ngắt, những bụi cẩm tú cầu nhiều màu khoe sắc trước cửa căn nhà, với một tấm biển ghi rõ rằng, nơi đây, d’Artagnan đã ra đời vào năm 1615 và mất năm 1673 trong trận Maastricht bên Hà Lan xa xôi.
Tôi đứng đó một lúc, nhắm mắt lại và tưởng tượng cảnh cậu bé bắt đầu học đấu kiếm với cha trước sân nhà, rồi chàng lớn lên, mơ mộng như Don Quijote và lên đường kiếm tìm những thách thức ở Paris hoa lệ. Những người bạn của chàng, Athos, Porthos, Aramis cũng là những nhà quý tộc sinh ra ở gần Lupiac, và số phận đưa đẩy họ gặp nhau trong đời ở Paris. Những cuộc phiêu lưu bắt đầu từ đó.
D'Artagnan, người hùng từ tiểu thuyết
Cảnh quan trên con đường đến Lupiac có lẽ không khác bao nhiêu so với bốn thế kỉ về trước, khi chàng trai d’Artagnan chia tay cha để lên Paris trên một con ngựa còi cọc, trong túi có một lá thư tiến cử tới bạn của cha chàng, ngài de Treville, chỉ huy ngự lâm quân của nhà vua, và trong tâm là một ý chí, một khát vọng đổi đời, một khi tìm thấy vận may và sự nghiệp.
Dumas, trong những trang đầu của cuốn sách, đã lột tả rất rõ hình dáng của chàng thanh niên ấy và ví chàng, lúc ấy mới 18 tuổi, như một Don Quijote đang trên đường đi tìm các cối xay gió để chiến đấu vì nghĩ chúng là kẻ thù và mơ mộng đến một cô thôn nữ to béo và hôi nách vì nghĩ nàng là người đẹp Dulcinea. Chàng gặp đủ những rắc rối trên đường vì cái tính ngông cuồng của mình và từ đó tự đẩy mình vào những cuộc thách đấu kiếm tay đôi với những người lính ngự lâm có những cái tên kì cục là Porthos, Athos và Aramis ngay trong ngày đầu ở Paris. Thế rồi số phận đưa đẩy họ thành những người bạn thân của nhau, thay vì lúc ấy giết nhau. Tình bạn ấy đưa họ vào những câu chuyện chính trị của nước Pháp nửa đầu thế kỉ 17 của Louis XIII và Louis XIV, với những âm mưu, những cuộc hãm hại, những vụ giết chóc, và đương nhiên, tình yêu, sự trả thù, những người đàn bà đẹp mà xảo quyệt như Milady và cả những nỗi đau mất mát.
Bao trùm lên tất cả trong hơn một nghìn trang của bộ ba tiểu thuyết, từ “Ba người lính ngự lâm” cho đến “20 năm sau” và phần kết “10 năm sau nữa” (hay là “Cái chết của ba người lính ngự lâm”) là tình bạn, sự nghĩa hiệp theo đúng kiểu hiệp sĩ của ngày xưa và lí tưởng sống để chống lại cái Ác, cái bạo tàn. Với thanh kiếm và sự dũng cảm, với khẩu hiệu “Tous pour un, un pour tous” (Một người vì mọi người, mọi người vì một người), d’Artagnan và các chàng ngự lâm đã làm say mê biết bao thế hệ độc giả hai thế kỉ qua.
Tôi, cậu trai mới lớn, đã mê say bộ truyện ấy, mà cha tôi mượn của một người thợ điện gần nhà rất thích văn học cổ điển. Tôi mê d’Artagnan ở sự phiêu lưu và mãnh liệt như Indiana Jones và cái vẻ ngông cuồng, đẹp trai, lãng tử như Fanfan hoa Tulipe của chàng. Chàng là người hùng ngày xưa của tôi, người thắp lên trong tôi những ngọn lửa của tuổi trẻ, với máu phiêu lưu, cả sự ngông cuồng (cho đến giờ vẫn thế...).
Trước bức tượng d'Artagnan
D’Artagnan trong đời thực có như thế không thì đến bây giờ vẫn còn nhiều điều chưa biết, thậm chí Dumas đã sửa cả tuổi cho chàng trẻ hơn 8 tuổi để tạo điều kiện cho chàng tham gia vào các biến cố của nước Pháp dưới thời giáo chủ Richelieu, nhưng những trang sách của Dumas đã khiến chàng trở thành một hình tượng lớn cho điện ảnh, với cả trăm bộ phim làm về chàng và những người lính ngự lâm, tượng của chàng có mặt ở Lupiac, Auch, Paris, ở Maastricht, nơi chàng đã qua đời năm 1673 trong một trận đánh và rất nhiều con phố trên nước Pháp có tên d’Artagnan, một con người vẫn là đề tài nghiên cứu và tìm kiếm của các nhà sử học hiện đại.
Tượng d'Artagnan ở Paris
Một ông già trên con phố nhỏ của Lupiac nói với tôi rằng, d’Artagnan trong đời thực còn nhiều điều điều chưa rõ và về ông chỉ có một bức tranh khắc duy nhất khiến người ta biết mặt, là người đã phục vụ tể tướng Mazarin và vua Louis XIV, rồi sau trở thành sĩ quan chỉ huy cấm quân. D’Artagnan ấy có lẽ không nổi tiếng được như nhân vật d’Artagnan của Dumas, nhưng Dumas đã nói đúng về bản chất của người Gascogne mà không ít người vẫn cho là khoác lác và “phổi bò”. Họ hào hiệp, dũng cảm, sử dụng thành thạo vũ khí để đi săn và chiến đấu, họ yêu cuộc sống, bạn bè, đồ ăn ngon, và đương nhiên, phụ nữ.
Đứng trước bức tượng cưỡi ngựa và cầm kiếm của d’Artagnan trên quảng trường mang tên chàng, bỗng nhiên tôi thấy trước mặt mình hình ảnh của chính tôi 30 năm trước. Cậu thiếu niên ấy đang cầm một tập của bộ “Ba người lính ngự lâm”, đọc say sưa và không quan tâm đến những điều đang xảy ra quanh mình. Cuộc đời, xét cho cùng, là tập hợp của rất nhiều những ước mơ, hoài bão và những lộ trình để đưa ta đến việc biến những điều ấy thành sự thực, bất kể sau bao năm đi nữa. Và chợt nhận ra, là hình như khi ta lớn lên, có một điều gì đó rất vô hình đẩy ta vào một con đường mà ngày bé ta chỉ dám mơ ước, nhưng nay dần thành sự thực.
Một cảnh đấu kiếm trong festival d'Artagnan, được tổ chức vào tháng 8 hàng năm ở Lupiac
Những chàng ngự lâm quân của Les Bleus
Cậu trai mới lớn là tôi ngày ấy không thể biết được rằng, một ngày nào đó, cậu lại đứng ở đây, trước nơi đã sinh ra thần tượng một thời của mình. Trong hình hài của một người đàn ông đã trưởng thành, người ấy bồi hồi nhớ lại những gì đã thúc đẩy cậu mơ ước và khao khát đi ra thế giới. Trong số những cái tên đã khiến tôi mơ ước một ngày đi xa đến thế, và rồi đến được đây, sau bao năm, có cái tên của d’Artagnan. Liệu một nhân vật được hư cấu có thể khiến một cậu trai trẻ khao khát, mơ ước, học hỏi, liên tục thu nạp kiến thức và bay xa ngay khi có thể, để hôm nay đến đây cũng là để cảm ơn chàng? Chuyện đó là có thật. Và nó xảy ra với tôi.
Trên quê hương của d’Artagnan, chợt nghĩ đến những chàng ngự lâm của đội tuyển Pháp. Nhiều trong số những chàng Áo Lam ấy, từ Payet đến Pogba, không sinh ra trên đất Pháp hoặc không có màu da trắng, cũng không dùng gươm và súng hỏa mai (“mousquetaire”, lính ngự lâm, bắt nguồn từ chữ “mousqueton”, súng hỏa mai, một thứ súng trường ở đầu thế kỉ 17). Để chinh phục EURO, họ dùng đôi chân, cái đầu, trái tim (và nếu cần, có thể là cả cái tay như Henry 7 năm trước đã dùng để loại Ireland). Đấy là một cuộc chiến không đơn giản, nhưng tình bằng hữu, sự dũng cảm và đôi khi liều lĩnh như của d’Artagnan có thể giúp họ chiến thắng. Và nữa, đừng bao giờ quên tinh thần “Tous pour un, un pour tous” (Một người vì mọi người, mọi người vì một người)...
Những người lính ngự lâm, những người hùng của tôi Đấy không phải là những nhân vật hư cấu, mà là có thật, và Dumas, bằng trí tưởng tượng vô cùng phong phú của mình, chỉ biến lịch sử làm cái đinh để treo bộ quần áo là các nhân vật của mình lên thôi, như ông nói thế. D’Artagnan ngoài đời thật sinh trong khoảng các năm từ 1611 đến năm 1615 ở Lupiac, tỉnh Gers, vùng Pyrenees thuộc Pháp, trong một gia đình quý tộc và đã trải qua phần lớn thời gian đời mình làm lính ngự lâm, sau đó là sĩ quan ngự lâm của vua Louis XIV. Rất nhiều chi tiết liên quan đến cuộc đời thực của ông bây giờ vẫn chưa được làm sáng tỏ, và người ta chỉ bắt đầu nhắc đến tên d’Artagnan lần đầu vào năm 1700 trong cuốn sách của Courtilz de Sandras, 27 năm sau khi ông mất trong trận vây thành Maastricht ở Hà Lan. Một số chi tiết nhỏ khác cho đến giờ vẫn là điều bí ẩn, và nhờ Dumas nhắc đến trong tiểu thuyết của mình mà các nhà sử học tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu cho tới bây giờ, chẳng hạn d’Artagnan, Athos, Porthos và Aramis thậm chí đã dính líu đến một âm mưu tạo phản, khi đưa một người anh em song sinh giống vua Louis XIV như một giọt nước lên thay ông trong các chương liên quan đến “người đàn ông mang mặt nạ sắt”. Hành động ấy bị bại lộ và dẫn đến cái chết của ba người lính ngự lâm bạn d’Artagnan, còn d’Artagnan thì chết trận sau đó. Đến giờ, các sử gia vẫn đặt ra các nghi vấn về việc liệu có tồn tại một người giống Louis XIV như thế hay không. Trong khi đó, trên thực tế, cả ba người bạn d’Artagnan đều có thật. Athos, người thông thái và là bộ não của cả nhóm, có tên thật là Armand de Sillegue d’Athos d’Auteville, cũng tầm tuổi d’Artagnan, chết vào năm 1643 do một vết thương chí mạng sau một cuộc đấu kiếm. Porthos (tên thật là Isaac Portau), sinh năm 1617 và không rõ mất năm nào. Dumas, khi viết về cái chết của chàng hiệp sĩ to béo này, đã bật khóc. Aramis, tên thật là Henri d’Aramitz, người đẹp trai, giỏi thơ ca, thích làm cha xứ nhưng cũng chưa từng ngại ngùng chinh phục các quý bà quý cô, sinh năm 1620 và mất năm 1672. Các trang sử liệu và hồi kí rời rạc cho thấy họ chơi với nhau, chiến đấu cùng nhau. Alexandre Dumas đã lấy gốc là cuốn sách tiểu sử có hư cấu của de Sandras để tạo hình nhân vật của mình. Bộ tiểu thuyết thành công rực rỡ, và cũng như rất nhiều tiểu thuyết khác của ông, từ “Hoàng hậu Margot”, “Bá tước Monte Cristo” hay “Hoa tulipe đen”, nó được dựng thành phim, kịch và tạo các cảm hứng nghệ thuật thế giới trong hơn một thế kỉ. Có một câu chuyện khác liên quan đến Dumas. Đã có một thời, người ta cứ tranh cãi về việc có nên đưa Dumas vào điện Pantheon hay không. Nhiều ý kiến cho rằng, các tác phẩm Dumas là văn học bình dân theo kiểu feuilleton (đăng nhiều kì trên các báo), không xứng đáng được đưa vào ngôi đền của những bậc vĩ đại đã làm nên tư tưởng, giá trị và lịch sử của nước Pháp đang nằm trong ngôi đền thiêng kia. Nhưng cuối cùng, 200 năm sau ngày Dumas mất, ông cũng được đưa vào Pantheon. Mộ ông nằm cùng nơi với hai văn hào lớn khác là Victor Hugo và Emile Zola. Tôi đã thăm hầm mộ của họ cách đây mấy năm, và thấy rằng họ nằm đó không đơn độc. Tôi tưởng tượng họ luôn có bạn để hàn huyên với nhau ở thế giới bên kia. Dumas vui vẻ và hài hước, Hugo thì đọc thơ, còn Zola thì trầm ngâm kể chuyện đời. Tiếng đao kiếm sẽ vang lên ở hầm mộ bên cạnh để “nói chuyện” cùng, vì đấy là nơi mà Jean Lannes, một tướng kị binh, một trong những thống chế vĩ đại nhất nước Pháp và là bạn chiến đấu của Napoleon, đang nằm một mình. Lannes, cũng như nhân vật d’Artagnan của Dumas, đều là người xứ Gascogne, đều thích những cuộc phiêu lưu và không thể sống nổi một mình nếu không thề sẽ sống hoặc chết cho một ai đó. Tất cả những người đó, những chàng ngự lâm có thật và được hư cấu, cho đến Dumas, Hugo, Zola và Lannes đều là người hùng của tôi. Hẹn gặp lại một ngày được gần họ khi tôi thăm lại Pantheon ở Paris mến yêu. |
Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (từ Lupiac, tỉnh Gers, miền Nam Pháp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất