Hiện tượng Kpop EXO: Thành công muộn nhưng vang dội

18/01/2014 13:15 GMT+7 | Âm nhạc


(lienminhbng.org) - EXO là trường hợp thú vị của Kpop - được yêu và bị ghét đều do có sự hậu thuẫn của công ty giải trí cỡ bự SM Entertainment. Họ ra mắt không gây ấn tượng lớn lắm, nhưng đã đạt thành công vang dội chỉ sau 1 năm.

EXO vừa là ban nhạc châu Á duy nhất được tạp chí Billboard đưa vào danh sách 14 tên tuổi âm nhạc có triển vọng rực sáng trong năm 2014. Việc này diễn ra sau một năm 2013 cực kỳ thành công của nhóm nhạc nam gồm 12 thành viên.

Các thành tích của EXO trong năm qua gồm: Trở thành tên tuổi Kpop đầu tiên trong vòng 12 năm bán được hơn 1 triệu bản album; có 2 video ca nhạc Kpop được xem nhiều thứ 3 (Growl) và thứ 9 (Wolf) tại Mỹ.

Hôm 16/1, nhóm tiếp tục đoạt giải Disk Daesang (Album của năm - giải quan trọng nhất) tại lễ trao giải Golden Disk Awards, vốn được xem là Grammy của Hàn Quốc.

Sinh ra để là số một

Với công chúng yêu Kpop, EXO là kiểu nghệ sĩ ra mắt để trở thành số một, bởi nhận sự hậu thuẫn từ SM Entertainment, một trong 3 công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc. SM đã gây dựng các nhóm nhạc nam nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Kpop (H.O.T, DBSK, Super Junior), nên EXO được kỳ vọng cũng trở thành một tên tuổi tầm cỡ, chứ không phải chỉ làng nhàng bậc trung.

Hiện tại, vẫn còn quá sớm để nói họ đã trở thành nhóm nhạc nam số 1 Kpop. Nhưng trong năm 2013, nhóm thành công chỉ sau Psy (trong mắt người Mỹ, Psy vẫn như một nghệ sĩ số một Kpop nhờ đĩa đơn Gangnam Style) và nhóm nhạc nữ cùng công ty Girls’ Generation.



Growl - đĩa đơn thành công vượt trội của EXO năm 2013

EXO gồm 12 chàng trai trên dưới tuổi 20, không còn quá trẻ so với mặt bằng chung của các nhóm nhạc mới Kpop hiện nay. Nhóm chính thức ra mắt vào tháng 4/2012 với đĩa đơn MAMA và sau đó là History. SM đầu tư rất nhiều tiền, thời gian và năng lượng cho cuộc ra mắt này, rào đón kỹ từ trước đó nhiều tháng với các đoạn phim giới thiệu từng người trong 12 thành viên.

Thành công vượt bậc về thương mại

Nhưng, cuộc ra mắt rầm rộ về sau lại bị xem là không thành công như mong đợi, bởi sau đó nhóm đã hầu như “mất hút” trong gần một năm sau đợt quảng bá đầu tiên.

Các thành viên im hơi lặng tiếng để luyện tập, họ thậm chí không tham gia nhiều chương trình truyền hình, thứ vốn là bệ phóng không thể thiếu cho các ngôi sao Kpop. Nhóm đối mặt với áp lực lớn.

Lần trở lại của EXO vào giữa năm 2013 đã đưa họ quay về quỹ đạo của sự nổi tiếng, của nhóm nhạc được nhào nặn để là số một. Tháng 5/2013, nhóm ra mắt album thứ hai XOXO và đĩa đơn chủ đạo Wolf.

Thông tin trở lại gây chú ý vẫn nhờ hoạt động quảng bá rầm rộ của công ty chủ quản, nhưng chưa thực sự gây ấn tượng. Phải đến khi ra mắt đĩa đơn Growl, một trong những đĩa đơn thành công của Kpop 2013, họ mới thực sự thu lấy thành quả.

Growl nhận được phản hồi tốt về chuyên môn, một giai điệu hip-hop đậm chất phương Tây, video ca nhạc khá thú vị quay bằng kỹ thuật one-take (một cú máy). Nhưng thành công đậm đà nhất của đĩa đơn này, và cả album XOXO, là về mặt thương mại. Lượng bán của album đạt hơn 1 triệu bản, điều trong suốt 12 năm qua chưa nghệ sĩ Kpop nào làm được.

Growl là một bước tiến đúng vì EXO đã gỡ bỏ những chi tiết rườm rà khi ra mắt: Nhóm được giới thiệu như những nhân tố siêu nhiên ngoài hành tinh, hình ảnh trong các video ca nhạc và khi biểu diễn đều được thần thánh hóa rất cầu kỳ.

Trái lại với các yếu tố này, Growl trở về với sự đơn giản: Các thành viên nhảy và hát trong một hầm để xe, không gian không hề cầu kỳ, cả video ca nhạc chỉ là một cú máy, nhưng vẫn hút mắt người xem. Giai điệu bắt tai của bài hát cũng là một yếu tố được công nhận.

Nhưng cũng chính vì thành công quá lớn về thương mại, EXO gặp phản hồi không mong đợi: Bị ghét. Những người căm ghét còn cho rằng tài năng của nhóm không nổi bật, nhưng được đầu tư lớn và có ngoại hình đẹp nên được “trải thảm” trước thành công. Dù sao, EXO được dự báo sẽ tiếp tục tỏa sáng trong năm 2014.

Kpop giờ đây được nhắc đến không phải như một hiện tượng lạ, mà như một dòng nhạc có công chúng ổn định. Ở thị trường Mỹ, các nghệ sĩ Kpop khi xuất hiện cũng gây được sự chú ý, nhưng không theo xu hướng thần tượng hóa và thổi phồng thành tích như ở châu Á, mà khách quan hơn và bình đẳng với các nghệ sĩ khác.

Ở châu Á, nghệ sĩ Kpop thường được xây dựng hình tượng và sự nghiệp theo một số mô hình có sẵn, biến họ thành những thần tượng được yêu thích, hướng sự quan tâm đến không chỉ âm nhạc mà còn tính cách, chuyện nhỏ nhặt trong đời sống của các thần tượng. Nhưng ở Mỹ, truyền thông khi nhắc về Kpop chỉ tính đến các thành tích đo đếm được như video ca nhạc ăn khách, lượng đĩa, nhạc số bán ra, các giải thưởng giành được...

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm