18/04/2013 07:02 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Cách đây 9 năm, nhà chức trách Mỹ từng đưa ra cảnh báo về việc những kẻ khủng bố có thể sử dụng nồi áp suất làm công cụ gây họa. Hôm 15/4 vừa qua, lời cảnh báo này đã thành sự thật, khi những kẻ thủ ác đứng sau vụ khủng bố Boston đã chế những chiếc nồi nấu ăn vô hại này thành các quả bom chết chóc, gieo rắc thảm kịch và nỗi kinh hoàng cho nhiều người vô tội.
Phóng viên điều tra của kênh truyền hình CBS News Pat Milton hôm 16/4 dẫn nguồn cảnh sát Mỹ nói rằng bom có thành phần là nồi áp suất đã được sử dụng trong 2 vụ đánh bom liên hoàn làm 3 người chết và khiến hơn 170 người bị thương tại cuộc thi marathon Boston diễn ra một ngày trước đó.
Đã được cảnh báo trước
Có vẻ như thuốc nổ đã được đặt trong nồi cùng rất nhiều đinh và bi sắt. Tiếp đó, những kẻ thủ ác đã để chiếc nồi trong một túi nilon hoặc ba lô màu đen. Các nhà điều tra cũng tìm thấy một phần mạch điện, dấu hiệu về việc một thiết bị hẹn giờ đã được sử dụng để kích nổ bom.
Việc sử dụng nồi áp suất để làm bom có thể mới mẻ với nhiều người. Nhưng với nhà chức trách Mỹ, điều này không hề lạ. Họ đã cảnh báo trong nhiều năm về việc các đồ bếp thông thường có thể được biến đổi thành các công cụ giết người.
Mảnh nồi áp suất được tìm thấy sau vụ khủng bố Boston |
Bản ghi nhớ nói rằng kỹ thuật sản xuất bom này thường được truyền lại tại các trại huấn luyện khủng bố ở Afghanistan và đã gây thương vong. "Thông thường, những quả bom được làm từ việc bỏ thuốc nổ TNT hoặc các loại thuốc nổ khác vào trong nồi áp suất và rồi gắn kíp nổ ở trên nắp nồi. Bán kính nổ sẽ phụ thuộc vào kích cỡ của nồi áp suất và lượng thuốc nổ bên trong" - bản ghi nhớ có nói.
Bản ghi nhớ cũng tả chi tiết về việc bom sử dụng nồi áp suất có thể được chế ra bằng các vật liệu có sẵn trên thị trường và độ phức tạp hay đơn giản của nó là tùy thuộc vào người chế tạo. Các quả bom này có thể được kích nổ bằng các thiết bị điện tử đơn giản như đồng hồ kỹ thuật số, chuông cửa, điện thoại di động hoặc máy nhắn tin.
Bản ghi nhớ còn cảnh báo rằng "do có bề ngoài giống nồi áp suất thông thường nên bom nồi áp suất thường bị bỏ qua khi người ta tiến hành lục soát xe cộ, nhà ở hoặc các loại hàng hóa đi qua biên giới Mỹ". Các nhân viên an ninh được khuyến cáo rằng bất kỳ chiếc nồi áp suất nào "nặng hơn bình thường đều rất khả nghi". Họ cũng không nên tìm cách di chuyển quả bom mà cần báo ngay với những người có chuyên môn.
Bộ An ninh Nội địa cùng Cục điều tra liên bang (FBI) sau đó cũng tiếp tục hợp tác và công bố một cuốn sách nhỏ để cảnh báo về bom nồi áp suất trong năm 2010. Cuốn sách này đã được chuyển cho cảnh sát, các đơn vị vận tải đường biển, chuyển phát nhanh và các nhân viên an ninh. Trong sách có bản vẽ thiết kế của các quả bom nồi áp suất, kèm theo thông tin cho biết những kẻ khủng bố có thể cho vào trong nồi thuốc nổ, thiết bị kích nổ và các vật thể làm tăng độ sát thương.
Hiện trường vụ khủng bố sử dụng bom nồi áp suất ở Mumbai hồi năm 2006 |
Mối nguy khổng lồ từ quả bom thô sơ
Các chuyên gia nói rằng bom nồi áp suất là "đặc sản" của khu vực Nam Á, bởi các nguyên vật liệu làm bom rất dễ kiếm và chúng có thể gây sát thương tối đa. Bom nồi áp suất là thủ phạm gây ra một vụ nổ trên một đoàn tàu ở Mumbai, Ấn Độ, hồi năm 2006 làm hơn 100 người thiệt mạng. Nó cũng có mặt trong một vụ nổ ở Varanasi hồi năm 2006 làm 5 người chết. Ngoài ra, nó đã được dùng trong vụ đánh bom ở New Delhi hồi năm 2005 làm hàng chục người mất mạng.
Ngoài Ấn Độ, bom nồi áp suất cũng được sử dụng trong một vụ đánh bom xảy ra hồi tháng 3/2010 ở Pakistan khiến 6 người chết. 1 trong 3 thiết bị nổ được sử dụng trong vụ tấn công hụt tại Quảng trường Thời đại ở Mỹ vào ngày 1/5/2010 đã được chế tạo từ nồi áp suất, trong chứa khoảng 120 quả pháo.
Cánh khủng bố thích sử dụng các thiết bị làm bếp thông thường bởi chúng dễ kiếm, chúng có nắp đậy rất chặt, cho phép việc xếp thuốc nổ với lượng lớn nhất và giúp tăng tối đa sức mạnh của vụ nổ. Nhờ vậy, thương tật gây ra cũng trở nên rất lớn, đặc biệt khi quả bom còn được gắn kèm với các vật liệu như đinh, bi sắt.
"Bom nồi áp suất không phải công nghệ gì phức tạp cho lắm" - J. N. Roy, cựu giám đốc của Cục Tình báo Ấn Độ nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với tờ New York Times - "Không cần đào tạo nhiều lắm để có thể làm được một quả bom nồi áp suất .
Khi quả bom được kích nổ, bản thân chiếc nồi áp suất, vốn làm từ kim loại, cũng phát nổ và bắn ra các mảnh vỡ chết chóc".
Khi phát nổ, bom nồi áp suất gây ra những thương tích nghiêm trọng. Vụ nổ khiến các mảnh kim loại xuyên qua da và cơ nạn nhân, phá hủy chi dưới của các nạn nhân, buộc người ta phải cắt cụt chi để cứu họ. Và như thế, các nạn nhân sẽ vĩnh viễn trở thành tật nguyền, nếu họ may mắn không mất mạng trong vụ khủng bố.
Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy những kẻ đánh bom Boston có liên quan tới khu vực Nam Á. Tuy nhiên theo chuyên gia Sahni, rất nhiều trung tâm huấn luyện khủng bố đã được đặt ở Nam Á. Dù vậy, ông không phủ nhận khả năng những kẻ thủ ác đã đọc được phương thức chế tạo bom nồi áp suất trên Internet và dùng những thông tin này để gieo rắc tai họa tại nước Mỹ.
Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất