19/04/2013 06:42 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Các quan chức Mỹ đang điều tra vụ đánh bom Bosotn nói rằng họ đã tìm thấy nhiều hình ảnh về nghi phạm gây ra vụ khủng bố trong một đoạn video giám sát. Giới quan sát đánh giá đây có thể là một bước ngoặt trong tiến trình làm rõ nguyên nhân vụ khủng bố, đồng thời là bằng chứng rõ rệt cho thấy những phương tiện phổ biến thời hiện đại như điện thoại ghi hình và camera an ninh có thể trở nên hữu ích trong công tác chống khủng bố.
Chủ tịch Hội đồng Thành phố Boston Stephen Murphy hôm 18/4 thông báo các đoạn video ghi hình có cảnh một người đàn ông đã thả chiếc túi ở lại hiện trường trong ngày 15/4. Đoạn video đã thu được nhờ một chiếc camera giám sát gắn ở một cửa hàng gần hiện trường. Ông không nói rõ việc liệu các điều tra viên đã xác định được người đàn ông kia là ai hay chưa, nhưng cho biết thêm: "Cơ quan điều tra đang ở rất gần việc bắt được ai đó và điều này rất quan trọng".
Chứng cứ lịch sử từ video điện thoại
Ngoài đoạn video này, cơ quan điều tra còn đang sục sạo hàng ngàn chứng cứ, gồm vô số các đoạn video ghi lại trên điện thoại di động do những người có mặt gần hiện trường gửi tới cho họ. Hiện nay, mỗi ngày lại có vô số đoạn video cá nhân được ghi lại như thế, nhiều hơn bao giờ hết và chúng có thể giúp nhận dạng kẻ đánh bom Boston.
Điện thoại có khả năng ghi hình đang ngày càng phổ biến và vô tình đã trở thành công cụ giúp phá các vụ khủng bố lớn |
"Thực tế là mỗi ngày có một lượng lớn người đang mang theo các thiết bị tương đương với một chiếc máy quay di động và nhờ đó hàng triệu người đang ghi lại lịch sử mỗi ngày" - Karen North, một nhà nghiên cứu tại Đại học Southern California cho biết.
Bà nói rằng chỉ trong vòng một thập kỷ vừa qua, lượng video do những người ghi hình nghiệp dư tạo ra đã tăng chóng mặt và qua đó đã giúp mang lại nhiều chứng cứ quan trọng cho cảnh sát.
"Liệu anh có thể tưởng tượng mình sẽ thu được những gì trong vụ ám sát (cố Tổng thống Mỹ) John Frank Kennedy nếu như khi đó máy ghi hình phổ biến như ngày hôm nay?" - Grant Fredericks, một chuyên gia pháp y chuyên phân tích video nói.
Fredericks hiện đang điều hành Phòng nghiên cứu xử lý Chứng cứ Truyền thông Đa phương tiện Kỹ thuật số cho biết. Cơ quan này được thiết kế để xử lý một lượng lớn video được gửi tới sau một vụ tấn công khủng bố.
Không “nhận dạng” qua video kiểu Hollywood
Phòng nghiên cứu đã tham vấn với Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) về vụ khủng bố Boston. Song họ chưa tiến hành phân tích các chứng cứ video do FBI đang tự xử lý. Tuy nhiên phòng nghiên cứu của Fredericks đã tham gia vào nhiều vụ khác và đã thấy rằng video do đám đông ghi lại có thể được sử dụng làm công cụ phá án hữu ích ra sao.
Cụ thể, phòng nghiên cứu đã hợp tác với cảnh sát Vancouver, Canada để sục sạo các đoạn video sau vụ bạo động cúp Stanley hồi năm 2011. Thông qua việc phân tích video, họ đã giúp chính quyền khởi tố hơn 300 kẻ quá khích.
Và dù thành viên của phòng nghiên cứu chủ yếu là cảnh sát, họ không làm công việc điều tra thông thường. Thay vì thế, họ chỉ giúp đỡ lực lượng cảnh sát địa phương rà soát các đoạn video và tìm ra các chứng cứ cần thiết.
Cảnh sát điều tra Mỹ dàn hàng tìm chứng cứ trong vụ khủng bố Boston |
Tiếp đó họ bắt tay vào phân tích. "Điều chúng tôi làm và làm tốt nhất là nhúng thông tin tình báo và các thông tin khác như vị trí... thẳng vào đoạn video, giúp việc tìm kiếm và phân tích trở nên dễ hơn" - Fredericks nói.
Trái với các bộ phim của Hollywood, các nhà phân tích hình ảnh thường không sử dụng phần mềm nhận dạng gương mặt khi nghiên cứu các đoạn video quay một đám đông. Công nghệ đó chỉ hiệu quả với các hình ảnh có độ phân giải cao và người ta phải có một bức ảnh mẫu, như ảnh hộ chiếu hoặc bằng lái xe, để máy tính so sánh.
Các chuyên gia phân tích sẽ phải xem các đoạn video và cẩn thận lọc ra những nhân vật khả nghi. Họ sẽ không phân tích bất kỳ ai có mặt trong video. Thay vì thế, họ chỉ tìm hiểu những người có đặc điểm trông giống với một tên tội phạm. "Luôn có những đặc điểm để nhận dạng: đó là một cá nhân, mang theo hành lý nặng, có thể là một chiếc ba lô. Bất kỳ ai tách ra khỏi đám đông, đứng một mình, trông như không thuộc về cuộc chơi, đều sẽ bị xem xét. Rất nhiều người sẽ bị xem xét và 99% trong số đó không phải là gã phạm tội" - Fredericks nói.
Fredericks nói rằng nhóm của ông sẽ đưa ra các nhận xét về các nhân vật khả nghi, nhưng không quyết định có mở một cuộc điều tra hay không. Tuy nhiên Fredericks đảm bảo rằng không cần biết một cá nhân hay một nhóm người đã tham gia vụ đánh bom Boston, FBI chắc chắn đã có hàng trăm bức ảnh về các nhân vật khả nghi này.
Theo ông, việc này diễn ra do chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số và sự riêng tư là gần như rất khó để che giấu. "Nếu bạn tham gia chạy trong cuộc thi marathon, ngã và khóc, khoảnh khắc riêng tư đó lập tức sẽ bị thu lại và trở thành hình ảnh chung. Khoảnh khắc đó đã trở thành một phần lịch sử của sự kiện. Nếu kẻ nào đó tìm cách lẻn vào cuộc thi marathon và làm điều khả nghi, nhân vật này sẽ có khả năng lớn bị ghi hình trong quá trình "viết sử" bằng hình ảnh của một ai đó".
Trở ngại nằm ở chỗ luôn có quá nhiều các đoạn video cá nhân được ghi lại, nên tìm thấy thủ phạm trong kho dữ liệu này cũng giống như mò kim đáy bể. Mặc dù vậy, Fredericks vẫn nói rằng việc nắm trong tay nhiều dữ liệu còn tốt hơn là không có gì. "Nó tạo ra nhiều cơ hội xác định kẻ thủ ác" - ông nói.
Tường Linh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất