06/02/2017 05:43 GMT+7 | Tennis
(lienminhbng.org) - Phần lớn những CĐV thể thao đều khát khao bất ngờ, những chiến thắng của kẻ yếu trước người mạnh, nhưng không phải là kiểu câu chuyện về một lão già lại vác vợt đánh bại tất cả, như Roger Federer ở Australian Open.
Chấm dứt tranh cãi Federer-Nadal
Thật ra ngay từ đầu, bất cứ ai từng cầm vợt ra sân - dân chuyên nghiệp, những tay nghiệp dư đánh mỗi tuần một buổi hay mỗi cuối tuần, và cả những kẻ chỉ hứng bất tử mỗi kỳ Grand Slam - khá chắc chắn đều thích Federer hơn Nadal. Tất nhiên, nhiều kẻ hoàn toàn ngoại đạo cũng thích Federer hơn. Họ chẳng cần phải hiểu lắm về việc chơi quần vợt: bản thân cú trái tay một tay đưa bóng bay thẳng băng quá lưới như Người Nhện phóng đi một sợi tơ từ cổ tay cũng đã là một tạo tác của nghệ thuật trình diễn đáng để chiêm ngưỡng rồi.
Chủ nhật trước ở Melbourne, ngày 29/1/2017, đi vào lịch sử như ngày phân định mọi cuộc tranh cãi, nếu còn có, về Federer và Nadal. Người ta vẫn nói Federer chưa gặp Nadal khi anh còn ở đỉnh cao. 5 năm chênh lệch tuổi tác giữa họ khiến các phim tài liệu về quần vợt kém hấp dẫn đi nhiều. Trong 4 mùa đầu ở ngôi số 1 thế giới, 2004-2007, Federer giành 42 danh hiệu ATP, 11 trong đó là Grand Slam. Thời kỳ này, Federer và Nadal gặp nhau 5 lần ở các giải lớn. Tay vợt người TBN thắng 3, đều trên sân đất nện ở Pháp, và vị vua người Thụy Sĩ thắng 2, đều trên sân cỏ. Năm 2008, Federer bắt đầu sa sút. Năm đó điều không tưởng xảy ra: Nadal đánh bại Federer ở Wimbledon để giành lấy ngôi số 1. Năm tiếp theo, hào quang của Federer tàn lụi, và anh không bao giờ trở lại với đỉnh cao thực sự của mình nữa, với những ngày mà anh giành trung bình hơn 10 danh hiệu ATP mỗi năm. Sau 2007, số danh hiệu mỗi mùa của anh không bao giờ lên được số 10.Trong bối cảnh này, trận chung kết Australian Open có vai trò lịch sử quyết định. Federer và Nadal đều chơi trên mặt sân không phải sở trường: sân cứng. Cả hai cũng vừa trở lại sau một giai đoạn chấn thương dài. Rốt cuộc, Nadal đã khiến Federer rất chật vật, nhưng rồi vẫn thua. Tay vợt người Thụy Sĩ giờ là vị vua không thể tranh cãi trong các vị vua. Federer đã có danh hiệu Grand Slam thứ 18, nhiều nhất trong lịch sử. Anh làm điều đó ở vị trí hạng 17 thế giới, sau gần một năm không hề chơi ở các giải lớn, đã 35 tuổi, và đã là cha của 4 đứa con. Chất liệu của một bộ phim Oscar!
Trong bối cảnh mới
Quần vợt ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với quá khứ. Đó từng là một môn thể thao không chỉ của sức mạnh và kỹ năng đơn thuần, mà cả sự tinh tế và tinh thần nghệ sĩ cũng quan trọng. Người ta gọi nó là quyền anh có lưới ở giữa. Nhưng hiện giờ, quần vợt đã trở thành đấu võ trong lồng, với những tay vợt chuẩn bị như thể chuẩn bị đua xe F1, với mục đích tối thượng là tạo ra một cỗ máy chiến thắng (nhân tiện, Nadal là một cỗ máy như thế).
Federer hôn vợ sau khi giành Grand Slam thứ 18
Khoa học hiện đại đã bóp méo tennis, nhưng Federer là kẻ lỳ lợm vẫn quyết chơi thứ quần vợt “đồ thủ công” đầy tự hào. Anh từ chối sản xuất công nghiệp những cú đánh của mình. Trong cuộc mưu cầu cái đẹp, bất chấp những thay đổi, Federer vẫn vậy. Anh giống như một họa sĩ “Old Master” cặm cụi bên cạnh những tay làm đồ tạo tác tổ chức kiểu phường hội trước năm 1800, trong khi tất cả xung quanh anh đều đã chuyển sang “Biểu hiện trừu tượng” và “Nghệ thuật tương tác” hết rồi. Điều tối quan trọng, là anh vẫn chiến thắng.
Chính bởi lối chơi của thợ thủ công đó, trong một cuộc thăm dò ở 25 quốc gia, Federer xếp thứ 2 trong danh sách những người đàn ông đáng tin cậy nhất thế giới, chỉ sau Nelson Mandela. Cũng như với Mandela, thời gian không buông tha Federer. Những năm qua, ở những trận lớn, bạn không còn tin tưởng các cú trái tay ngộp thở của anh như ngày xưa nữa. Cảm giác dễ tổn thương thật rõ ràng. Giống như mọi thứ đẹp đẽ cực độ, chúng cũng phù phiếm cực độ, và không dễ để Federer, dù là một nghệ nhân bậc thầy, giữ cho ngọn lửa cháy mãi.
Tài năng thực sự không cần cơ bắp
Kế hoạch của anh trong phần lớn các trận đấu, và ngay cả tuần trước khi gặp Nadal, là tiếp bóng sớm hơn và trả bóng lại ngay. Đó là mẹo vặt của một con chó già: trả bóng nhanh để ép những kẻ chuyên ôm dây ngang phải chộn rộn, phạm sai lầm, không cho họ có khoảng trống để vung tay đập những cú trời giáng mà một lão ông 35 tuổi sẽ không thể nào đuổi kịp, hay đánh trả hiệu quả. Trước Nadal, anh lại càng phải chơi thế. Đó là một bí mật ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng đối phó nổi.
Kế hoạch đó còn phải kết hợp với khả năng di chuyển được tính toán rất đặc biệt của Federer nữa. Đầu gối đau, mắt cá đã sưng mấy lần, cân nặng 85 kg và cao 1,85 mét, từng bước chân của anh đều sẽ ảnh hưởng tới kết quả trận đấu. Federer phải nghĩ xem khi nào thì đuổi theo bóng, không được chạy quá sức, tránh tối đa nguy cơ chuột rút. Suốt 5 set đấu, hiếm khi nào bạn thấy anh phán đoán sai và phí phạm những pha sải chân của mình.
Michael Jordan đánh bại trọng lực, hay ít ra nhà sản xuất giày của anh muốn người ta tin thế. Federer - ngay cả các nhà vật lý học cũng sẽ phải đồng ý - đặt nghi vấn với định luật 1 Newton về việc một vật, trong trường hợp này là quả bóng, chịu lực tác dụng lực tối thiểu, cú vung vợt nhẹ nhàng của anh, mà vẫn thay đổi tốc độ một cách đáng kinh ngạc. Một tình huống như thế là pha ghi điểm của Federer khi tỉ số đang là 30-30 ở game thứ 2 của set 3 trước Nadal cuối tuần rồi. Sau một pha đôi co kéo dài, Federer bị đẩy vào góc trái tay và Nadal quật bóng liên tục về rất gần dây ngang. Bản năng sẽ nói với bạn là nên lùi lại để đỡ đòn dễ hơn. Tuy nhiên, Federer không hành động theo bản năng. Anh vẫn chạy song song với dây ngang, và không hiểu bằng phép lạ nào, trùng người xuống và trả bóng với rất nhiều sức mạnh như thể đang chơi bóng bàn vậy. Ở sân Rod Laver, các CĐV lắc đầu không tin nổi; khắp thế giới, những chiếc ghế sô-pha trước ti-vi rung lên bần bật. Người hâm mộ biết đó không chỉ là một pha ghi điểm. Dù có tập tành bao nhiêu năm, khả năng lớn là bạn không thể đánh được một cú như thế. Trong trường hợp của Federer, tài năng thật sự không và chưa bao giờ chỉ ở cơ bắp.
18 Grand Slam của Federer Australian Open: (2004, 2006, 2007, 2010, 2017) Roland Garros: (2009) Wimbledon: (2003, 2004, 2005, 2006, 2007, 2009, 2012) US Open: (2004, 2005, 2006, 2007, 2008) |
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất