17/04/2021 18:00 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 sẽ diễn ra vào tối 20/4/2021 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi các sự kiện, hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2021, nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa lịch sử, tài nguyên và sản phẩm du lịch tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phục hồi du lịch địa phương cũng như du lịch cả nước sau dịch COVID-19.
Góp phần phục hồi, tạo bứt phá cho ngành du lịch sau đại dịch COVID-19
Trong bản đồ du lịch quốc gia và vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, Ninh Bình luôn chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống không gian, tuyến, điểm du lịch quốc gia và vùng.
Vốn là vùng đất Cố Đô, Ninh Bình hiện đã trở thành điểm đến vô cùng nổi tiếng của Việt Nam. Không chỉ hấp dẫn khách du lịch trong nước, nơi đây còn thu hút hàng triệu du khách nước ngoài đến tham quan mỗi năm. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã có ảnh hưởng lớn tới du lịch địa phương. Nếu như năm 2019, tổng số khách đến tham quan du lịch Ninh Bình đạt 7,6 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch năm 2019 đạt 3.600 tỷ đồng, thì đến năm 2020, lượng khách chỉ đạt 2,8 triệu lượt, doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng.
Vì vậy, theo ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình: Năm Du lịch Quốc gia 2021, sẽ là sự kiện kích cầu lớn nhất cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Ninh Bình nói riêng phục hồi và phát triển mạnh mẽ trở lại. Sự kiện cũng sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch Ninh Bình với các địa phương trên cả nước, thu hút các nguồn lực đầu tư, mở rộng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch...
Theo đó, việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2021 đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. UBND tỉnh đã đưa nội dung này vào Chương trình công tác năm 2021 và chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2021.
Với chủ đề "Hoa Lư-Cố đô ngàn năm", Năm Du lịch quốc gia Ninh Bình 2021 bao gồm 11 hoạt động chính, 27 hoạt động khác do tỉnh Ninh Bình chủ trì, phối hợp tổ chức tại địa phương, hai hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức tại Ninh Bình.
Trong đó, điểm nhấn quan trọng của Năm Du lịch quốc gia 2021 là Lễ Khai mạc; Tuần Du lịch "Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An"; Lễ hội chùa Bái Đính; "Festival nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ nhất-năm 2021, Triển lãm "Di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam và sản phẩm thủ công truyền thống"; Hội chợ triển lãm công nghiệp, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Bình; Triển lãm "Di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam và sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống"...
Cùng với các hoạt động được tổ chức tại Ninh Bình, còn có 103 hoạt động hưởng ứng được diễn ra tại 27 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tiêu biểu như: Lễ hội Văn hóa-Du lịch Hà Nội; Lễ khai hội chùa Tam Chúc; Hội chợ Thương mại-Du lịch quốc tế Việt Trung năm 2021; Liên hoan du lịch Mẫu Sơn năm 2021; Lễ hội du lịch biển Thanh Hóa; Lễ khai mạc và bế mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VII năm 2021: "Quảng Nam-hành trình kết nối di sản"…
Nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, độc đáo
Trong lịch sử dân tộc, với 86 năm tồn tại của Nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta, có 42 năm Nhà nước Đại Cồ Việt định đô ở Hoa Lư - vùng đất của Ninh Bình. Và vùng đất “địa linh, nhân kiệt” Ninh Bình đã ghi nhiều dấu ấn đặc biệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Thiên nhiên cũng ưu ái, ban tặng cho Ninh Bình một vùng đất có biển, có rừng núi, có đồng bằng, giàu tiềm năng phát triển toàn diện. Đặc biệt, Ninh Bình sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cũng là nơi giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền, khu vực từ Bắc vào Nam, từ miền núi đến đồng bằng và vùng ven biển, tạo nên màu sắc văn hóa độc đáo, ghi dấu trong các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể...
Ninh Bình hiện có 1.821 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, 2 bảo vật quốc gia. Đặc biệt, có Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên ở Đông Nam Á.
- Quần thể danh thắng Tràng An
Với những giá trị đặc sắc nổi bật về thẩm mỹ, cảnh quan, địa chất, địa mạo và truyền thống cư trú của người tiền sử, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào tháng 6/2014, trở thành Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên tại Việt Nam. Đặc biệt, nơi đây có nhiều di tích danh thắng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Các nhà địa chất quốc tế đánh giá, Tràng An là một trong những nơi có cảnh quan tháp karst đẹp và quyến rũ bậc nhất thế giới, một “Bảo tàng địa chất ngoài trời” hơn 250 triệu năm tuổi, cùng các thảm rừng nguyên sinh với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Những khối đá vôi Tràng An được ví như một vịnh Hạ Long "hóa thạch", độc đáo ở chỗ đã từng bị biển xâm lấn, biến cải nhiều lần, qua thời gian dài phong hóa đã nổi lên trên cạn, tạo ra những cảnh đẹp lạ thường.
Đến với Tràng An, điều thú vị nhất là được hòa mình vào thiên nhiên, với không khí trong lành, không gian yên tĩnh. Vẻ hài hòa của đá, sông nước, rừng cây và bầu trời tại Tràng An đã cùng nhau tạo nên một thế giới tự nhiên vô cùng sống động và quyến rũ. Toàn cảnh Tràng An được bao phủ bởi thảm rừng xanh mướt và các tháp dạng nón hùng vĩ cao gần 200 m, với các hố trũng hẹp khép kín, bao quanh là những sống núi nối liền nhau, các đầm lầy thông nhau qua hệ thống suối xuyên ngầm có chiều dài lên đến 1 km.
- Khu du lịch sinh thái Tràng An
Nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, Khu Du lịch sinh thái Tràng An đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây còn được gọi là thành Nam của Cố đô Hoa Lư, gồm hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, qua thời gian dài phong hóa bởi sự biến đổi của trái đất, khí hậu, biển tiến, biển thoái đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động, hồ đầm. Trong danh thắng này còn có nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi và các di tích gắn với lịch sử của kinh đô Hoa Lư xưa.
Cùng với hệ thống sông, suối chảy tràn trong thung lũng, Tràng An là một trong những địa danh hiếm hoi sở hữu thảm thực vật, rừng nguyên sinh cùng hệ sinh thái đất ngập nước vô cùng phong phú, nguyên sơ.
- Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động
Nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, thuộc địa phận xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 8 km, Khu Du lịch Tam Cốc - Bích Động là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, với hệ thống hang động sơn thủy và phong cảnh trữ tình, nên thơ. Nơi đây được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn” với vẻ đẹp hoang sơ, cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ, cùng những hang động kỳ ảo như chốn thiên đường.
Đến với Tam Cốc mùa nào cũng đẹp, lúc nào cũng nên thơ, nhưng ấn tượng nhất là khi Tam Cốc khoác lên mình sắc vàng rực rỡ của những cánh đồng lúa chín. Khoảng tháng 6 hằng năm là thời điểm những cánh đồng lúa chín vàng óng. Những mảng màu vàng rực nổi bật trên nền xanh thẫm của rặng núi đá vôi, trùng điệp soi mình lên màu nước bạc, xen lẫn là những vạt sen, vạt súng như điểm tô thêm cho bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ, làm say đắm lòng người.
Tam Cốc có nghĩa là 3 hang, gồm Hang Cả, Hang Hai và Hang Ba. Cả 3 đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. Đó cũng chính con đường thủy độc đạo để có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Tam Cốc. Sông Ngô Đồng - một chi lưu của sông Sào Khê và là một trong những dòng sông đẹp nhất của đất cố đô, mềm mại như một dải lụa vắt qua các chân núi trùng điệp, vấn vít bên các cánh đồng rồi hòa mình vào những thung nước mênh mông.
Năm 2015, Tam Cốc lọt top 15 địa danh “tuyệt đẹp nhưng ít người biết đến” do tờ Telegraph (Anh) bình chọn. Đầu năm 2018, hình ảnh dòng sông Ngô Đồng như dải lụa mềm mại, nhẹ nhàng vắt lên thảm lúa đang chuyển dần sang màu vàng óng, uốn lượn quanh những ngọn núi ở Tam Cốc đã xuất hiện trên tạp chí Business Insider, đứng đầu danh sách 50 điểm đến hấp dẫn nhất năm 2018.
- Cố đô Hoa Lư
"Cờ thiêng phất lên/ Muôn người như một/ Thống nhất sơn hà", đó là hào khí được viết thành lời ca, thể hiện dấu ấn "vàng son" một thời của triều đại nhà Đinh, biết dựa vào thế núi hình cánh cung hiểm trở, điệp trùng làm thành lũy; dùng sông làm hào sâu để tập binh, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta vào mùa xuân năm 968.
Lên ngôi Hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng cung điện, triều nghi tại vùng non nước Hoa Lư hữu tình. Vì thế mà Cố đô Hoa Lư còn được gọi là kinh đô đá. Đây là nơi phát tích các triều đại: Đinh - tiền Lê - Lý. Nơi Nhà nước Đại Cồ Việt khẳng định nền tự chủ, tự tôn dân tộc, là sự khởi đầu hội tụ những tinh hoa trên kinh đô đá, tạo tiền đề cho sự phát triển các triều đại và đất nước sau này.
Có thể nói, di tích đẹp và có ý nghĩa nhất, góp phần tạo nên sự hấp dẫn riêng biệt của Hoa Lư là cụm di tích gồm đền Đinh (thờ Vua Đinh Tiên Hoàng) và đền Lê (thờ Vua Lê Đại Hành) - hai ngôi đền cổ có “tuổi thọ” hàng nghìn năm. Được xây dựng từ thời nhà Lý, sau đó được xây lại vào thời Hậu Lê, đền Đinh và đền Lê mô phỏng kiến trúc của kinh đô xưa - sau mỗi lần cửa lại mở ra một không gian riêng biệt và trong cùng là cung cấm, nơi đặt bài vị thờ vua. Mỗi ngôi đền là một giá trị văn hóa, nghệ thuật rất đặc sắc.
Bên cạnh đó, các chùa, đình cổ ở Hoa Lư cũng rất đặc biệt do phần lớn đều được xây dựng ngay trong các hang núi đá vôi, dựa vào núi đá hoặc tận dụng núi đá làm chùa. Điển hình là các chùa: Bái Đính, Bích Động, Thiên Tôn, Hoa Sơn... Trong đó, chùa Bái Đính được tôn vinh là khu chùa lớn nhất Đông Nam Á… .
Hoàng Yến/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất