Fidel Castro - Nghề nghiệp ngôn từ: Giọng nói, thứ vũ khí hữu ích của Fidel

14/11/2017 08:16 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) -  (LTS) Nhà báo và đạo diễn truyền hình Italy Gianni Miná đã theo đuổi và chờ đợi 13 năm để thực hiện cuộc phỏng vấn quay phim lãnh tụ Cuba Fidel Castro 17 tiếng đồng hồ vào tháng 6/1987. Sau đó, phần hội thoại của cuộc phỏng vấn đã được gỡ băng để xuất bảnthành sách dưới nhan đề “Một cuộc gặp gỡ với Fidel”.

Nhà văn Colombia đoạt giải Nobel văn học năm 1982 Gabriel Garcia Marquez (G.G Marquez) đã viết lời tựa cho bản in ở Italy bằng một phóng sự chân dung đặc sắc, sau này đã được báo chí tại La Habana đăng lại nhiều lần.

G.G Marquez

Nhân dịp kỷ niệm một năm ngày lãnh tụ Cuba Fidel Castro ra đi về cõi vĩnh hằng (25/11/2016 – 25/11/2017). Thể thao &Văn hóa (TTXVN) xin trân trọng giới thiệu bài báo nói trên của Marquez.

Kỷ lục diễn thuyết

Có lần sau khi dẫn một vị khách nước ngoài đi thăm các địa phương ở Cuba cả tuần trở về, Fidel Castro nói: “Sao mà ông ấy nói nhiều thế không biết, nói nhiều hơn cả tôi”. Những ai quen biết Fidel ít nhiều đều hiểu rằng đấy là một sự phóng đại lên mà thôi, bởi vì người ta không thể hình dung rằng lại có người nào đó say mê trò chuyện hơn Fidel.

Sự say mê chuyện trò của Fidel thật là kỳ lạ. Thời kỳ đầu cách mạng mới thành công, sau khi trở về thủ đô La Habana, ông từng diễn thuyết trực tiếp trên truyền hình bảy tiếng đồng hồ liền. Chắc đấy phải là một kỷ lục thế giới.

Trong những giờ đầu tiên, người dân Habana chưa quen với giọng nói có sức lôi cuốn ấy của Fidel. Mọi người mở TV ngồi nghe như thường lệ. Nhưng rồi thời gian qua đi, ai nấy đều trở về với công việc của mình, một tai để ý vào điều họ đang làm, còn tai kia thì nghe Fidel nói.

Tôi đã có mặt ở La Habana trước đó một ngày cùng với nhóm các nhà báo đến từ Caracas, và chúng tôi bắt đầu nghe Fidel nói từ trong phòng khách sạn, rồi tiếp tục nghe ông qua radio khi đi vào thang máy, trên xe taxi vào khu phố buôn bán, ở các tiệm cà phê, các quán giải khát, kể cả từ những chiếc loa đài mở hết cỡ qua cửa sổ các nhà dân trên dọc đường đi. Cho đến tối hôm đó, chúng tôi làm xong mọi công việc của mình và vẫn theo dõi đầy đủ bài diễn văn của Fidel.

Chú thích ảnh
Một chú bồ câu hiền lành bay đến đậu trên vai Fidel khi ông nói chuyện tại Quảng trường CM.

Chất giọng khác thường

Có hai điều làm cho chúng tôi, những người lần đầu tiên nghe ông nói chú ý: một là sức hấp dẫn kỳ lạ của chính bản thân Fidel, hai là chất giọng khác thường của ông.

Ấy là một giọng nói mong manh, khàn khàn, nhiều khi như bị hụt hơi.

Có một vị bác sĩ sau khi nghe Fidel nói đã đưa ra nhận xét về bản chất giọng nói của ông và kết luận Fidel sẽ bị mất giọng hoàn toàn trong vòng 5 năm nữa, ngay cả khi không cần chạy đua với những cuộc diễn thuyết ma-ra-tông nhiều giờ như thế. Ít lâu sau, vào tháng 8-1962, dự đoán của vị bác sĩ nọ dường như có dấu hiệu báo động đầu tiên khi giọng nói của Fidel bị khản đặc sau buổi ông đọc bài diễn văn về việc quốc hữu hóa các công ty của Mỹ tại Cuba. Nhưng đó chỉ là một sự cố nhất thời và không thấy lặp lại.

Cho tới nay đã qua 26 năm kể từ lần đó, Fidel cũng đã tròn 62 tuổi (thời điểm Marquez viết bài này năm 1988 - ND) và giọng nói của ông cũng vẫn mơ hồ như thế, nhưng nó vẫn là thứ vũ khí hữu ích không gì thay thế được đối với nghề nghiệp sử dụng ngôn từ vốn rất tế nhị này.

Một cuộc nói chuyện kéo dài ba tiếng đồng hồ có thể là mức trung bình thường thấy hàng ngày đối với Fidel. Ngày này qua ngày khác, cứ như thế các cuộc nói chuyện ba giờ liền cuốn thời gian đi như một cơn gió thoảng.

Chú thích ảnh
Nhà văn Marquez, tác giả bài viết

Ăn, ngủ và làm việc như Fidel

Vì ông không phải là một nhà lãnh đạo theo phong cách hàn lâm chỉ ngồi lì ở văn phòng, Fidel luôn tìm đến mọi nơi có vấn đề nảy sinh; vào bất cứ giờ nào người ta cũng có thể thấy chiếc xe của ông, không cần có đội đội hộ tống tiền hô hậu ủng, lặng lẽ băng đi ngay cả vào lúc đêm khuya trên các con phố vắng vẻ giữa thủ đô, hay trên một con đường hẻo lánh nào đó.

Chính vì thế mà đã có những giai thoại được truyền miệng rằng Fidel là một nhà lãnh đạo đơn độc, lang thang vô định, một người mộng du không phương hướng, chẳng cần lễ tân, có thể đến thăm nhà người quen bất cứ giờ nào, kể cả đêm khuya và nói chuyện với chủ nhà cho tới hừng đông. Có những tranh vui của họa sĩ biếm Nuez thể hiện một nhân vật như thế.

Mà đúng là chuyện ấy có thật vào những ngày cách mạng mới thành công, khi thói quen hoạt động trên rừng núi Sierra Maestra vẫn được duy trì ở nơi thành thị. Không chỉlà chuyện những bài diễn văn dài dằng dặc, mà còn là việc ông không có một nơi ở cố định, cũng chẳng có một văn phòng nào cụ thể trong hơn 15 năm và không có thời gian biểu định trước cho bất cứ việc gì. Trụ sở của chính phủ là bất cứ nơi nào ông có mặt, và quyền lực cũng được thực thi tùy thuộc vào sự xuất hiện của ông ở nơi này hay nơi kia.

Giờ đây tình hình đã khác, tuy không hoàn toàn ngược lại với phong cách ngẫu hứng của ông, nhưng cuối cùng thì cũng phải có một trật tự cuộc sống được xác lập.

Trước đây có khi ông hoạt động liên tục đêm ngày không kể giờ giấc, và chỉ chợp mắt trong một vài khoảnh khắc nào đó, khi mà cơn mệt mỏi buộc ông phải làm thế.

Bây giờ Fidel cố gắng tự cho phép bản thân ít nhất có sáu giờ được ngủ ngon lành, nhưng ngay cả ông cũng không biết là hàng ngày mình bắt đầu ngủ vào giờ nào. Cứ theo đà của công việc thì có thể là vào lúc 10 giờ đêm hay là vào 7 giờ sáng của ngày hôm sau.

Hàng ngày, ông thường dành vài ba tiếng cho các công việc theo thông lệ tại văn phòng Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ở đó ông có một bàn làm việc được sắp xếp ngăn nắp, có những chiếc ghế bành tiện nghi bọc da thật, một giá sách thể hiện sở thích rộng rãi của ông về mọi đề tài, từ những bộ từ điền nhiều tập dày cộm cho đến những tiểu thuyết về tình yêu.

Từ chỗ mỗi ngày hút hết nửa hộp xì gà, Fidel đã bỏ hút hoàn toàn để làm gương cho phong trào chống nghiện thuốc lá tại Cuba - một đất nước mà Cristobal Colon phát hiện ra loại cây này, và sau đó đã trở thành một nguồn đặc sản quý của đất nước.

Việc ông dễ dàng bị tăng cân đã khiến Fidel phải thường xuyên tuân theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Đây là một sự chịu đựng ghê gớm, bởi ông vốn là người có khẩu vị ăn uống rất dễ; thường hay tìm kiếm thực đơn và cách chế biến món ăn và thích tự mình nấu nướng với đam mê của một nhà nghiên cứu về ẩm thực.

Vào một ngày Chủ nhật nào đó được ăn uống thả phanh, sau một bữa trưa đúng chuẩn mực, ông đã thử một lèo hết 18 viên kem, trong khi một suất tráng miệng bình thường chỉ là ba viên. Nhưng trong cuộc sống thường ngày có khi ông chỉ dùng một lát cá phi lê với ít rau luộc, và cũng chỉ trong trường hợp thật sự đói trong một ngày làm việc.

Fidel duy trì sức khỏe bằng cách tập thể dục vài giờ trong ngày và bơi thường xuyên; rượu thì thỉnh thoảng ông chỉ nhấp từ từ một ly nhỏ whisky nguyên chất. Đối với các món ăn khoái khẩu, ông đã từng phải đấu tranh bản thân để vượt qua sự quyến rũ của món mì Ý Spaghetti mà Đức ông Cesare Sacchi, Đại sứ đầu tiên của Vatican tại Cuba đã bày cho ông cách làm.

Những cơn giận dữ chớp nhoáng trước đây, nay chỉ còn là câu chuyện của thời xa vắng. Bây giờ, ông đã học được cách hóa giải những điều bực mình bằng sự kiên nhẫn hiếm có.

Từng có âm mưu gài mìn vào sò biển để ám sát lãnh tụ Fidel Castro

Từng có âm mưu gài mìn vào sò biển để ám sát lãnh tụ Fidel Castro

Báo chí chính thức Cuba ngày 27/10 cho biết, các tài liệu về vụ ám sát cố Tổng thống Mỹ John F.Kennedy vừa được Washington giải mật và công bố.

Kỳ sau: “Học cách làm việc cũng quan trọng như học cách nghỉ ngơi”

Phạm Đình Lợi biên dịch

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm