08/09/2020 06:06 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Thủ thành Neil Etheridge của Philippines phát biểu trên AFC rằng, những cầu thủ nhập quốc tịch như anh đã làm nên lịch sử cho bóng đá Philippines ở những đấu trường như AFF Cup, Asian Cup hay vòng loại World Cup. Xu hướng nhập quốc tịch cho các cầu thủ ngoại để giúp ích cho nền bóng đá vẫn chưa bao giờ cũ, không chỉ với bóng đá Đông Nam Á.
Tình hình nhập tịch cầu thủ diễn ra đáng chú ý nhất đến từ quốc gia láng giềng với Việt Nam là Trung Quốc. Hết năm nay, ĐTQG Trung Quốc có thể sẽ có đến 6 ngoại binh (đa phần gốc Brazil) sẽ mang quốc tịch Trung Quốc là Nico Yennaris, Elkeson, Goulart, Alan và Fernando. Đây đều là những cầu thủ nổi tiếng ở giải VĐQG Trung Quốc và LĐBĐ nước này đang tìm mọi cách để giúp HLV Li Tie củng cố sức mạnh, nhằm vượt qua vòng loại World Cup 2022.
Trở lại với Đông Nam Á, đấu trường World Cup đã khiến nhiều quốc gia như Malaysia nóng ruột nhập quốc tịch một cách ồ ạt cho các cầu thủ. Phó Chủ tịch LĐBĐ Malaysia (FAM) Wira Yusoff Mahadi (đứng đầu chương trình nhập tịch cầu thủ ngoại của FAM) cho biết rất cần thêm nguồn giới thiệu từ CĐV nước nhà để nhập tịch thêm cầu thủ ngoại. FAM muốn đội tuyển Malaysia thật mạnh để tranh ngôi vương Đông Nam Á với đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup và vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á ở bảng G, cũng như lấy suất dự VCK Asian Cup 2023.
Malaysia có thể đưa vào sân những cầu thủ ngoại đã có quốc tịch như Mohamadou Sumareh (gốc Gambia), Liridon Krasniqi (gốc Kosovo), Marcel Kalonda (gốc Zambia), Brendan Gan, Matthew Davies (gốc Australia), Corbin Ong (Anh) và Dominic Tan (Singapore). Trong đó, Sumareh và Krasniqi không có gốc gác gì với Malaysia, nhưng đáp ứng đủ điều kiện nhập tịch của FIFA nhờ thi đấu và sinh sống tại Malaysia trên 5 năm, muốn khoác áo ĐTQG Malaysia như yêu cầu của FAM.
Malaysia có lẽ chỉ chịu thua Philippines, nơi đội tuyển được nâng tầm đáng kể với 19/23 cầu thủ gốc nước ngoài khoác áo ĐTQG dự AFF Cup 2018. Năm đó, họ chịu thua thầy trò HLV Park Hang Seo ở bán kết nhưng với đội hình giàu sức chiến đấu hơn hẳn thập kỷ trước.
Bóng đá Indonesia cũng đang mất dần kiên nhẫn với khâu đào tạo trong nước. ĐTQG Indonesia đã thua trắng ở vòng loại World Cup 2022 và LĐBĐ Indonesia (PSSI) muốn trông cậy nhiều hơn vào những tài năng ngoại quốc. Họ đang sở hữu nhiều ngoại binh nhập tịch như Beto Goncalves (gốc Brazil), hậu vệ Victor Igbonefo (gốc Nigeria), tiền vệ Stefano Lilipaly (gốc Hà Lan), tiền đạo Greg Nwokolo (gốc Nigeria), hậu vệ Otavio Dutra (gốc Brazil), tiền đạo Osas Saha (gốc Nigeria).
Một điều dễ nhận thấy với các nền bóng đá Đông Nam Á sử dụng ngoại binh nhập tịch là họ đều phải hứng chịu sự chỉ trích của các CĐV nhà. Người Malaysia hay Indonesia đều không dễ dàng chấp nhận nhìn những cầu thủ nước ngoài khoác trên mình màu áo quê hương nhưng không hiểu nhiều về văn hóa, ngôn ngữ dân tộc. Chưa kể đằng sau lưng đó là một khoảng trống mênh mông vì đã bỏ qua sự đầu tư vào các học viện đào tạo cầu thủ trẻ hoặc khâu “trồng người” đầy thất vọng. Cầu thủ nhập tịch chưa kể còn lấy luôn cơ hội thi đấu của cầu thủ bản địa trên ĐTQG, dẫn đến tâm lý chán nản của không ít cầu thủ trẻ, khiến họ thui chột.
Hậu quả này đã thấy nhãn tiền ở Singapore, quốc gia 4 lần vô địch AFF Cup vào các năm 1998, 2004, 2007, 2012, nhưng ở những kỳ AFF Cup gần đây, Singapore đều phải dừng bước ngay từ vòng bảng.
Báo The Star của Malaysia viết: “9 năm trước, Singapore có hàng loạt cầu thủ nhập tịch. Họ thắng chúng ta, và CĐV Malaysia chỉ trích nặng nề chiến thắng của họ. Tới năm 2020, đội tuyển Malaysia lại đang đi trên con đường tương tự. Hàng loạt cầu thủ được nhập tịch và đang khoác áo ĐTQG. Một chút bổ sung từ nước ngoài là rất tốt nhưng đừng để đội tuyển trở thành đội bóng 100% ngoại quốc trong tương lai”.
V.H
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất