Đội trưởng dưới con mắt Van Gaal: Thủ quân vẫn không phải là thủ lĩnh

26/07/2014 06:59 GMT+7

(lienminhbng.org) - Giống như mọi HLV, Louis van Gaal rất coi trọng chiếc băng đội trưởng ở những đội bóng mà ông dẫn dắt, nhưng nếu quá khứ của chiến lược gia người Hà Lan có cho thấy điều gì, thì với ông, những cầu thủ đeo băng thủ quân cũng chỉ là một kẻ thừa hành không hơn không kém.

Một khi Van Gaal không bằng lòng hoặc cảm thấy quyền lực của mình có thể bị đe dọa, thì ngay cả với người đội trưởng, ông cũng sẽ tỏ rõ sự độc đoán đã làm nên những thành công trong suốt sự nghiệp lừng lẫy của chiến lược gia 62 tuổi này. Những ví dụ rất rõ ràng là Mark van Bommel ở Bayern Munich và Robin van Persie với ĐT Hà Lan.

Từ Van Bommel…

Khi Van Gaal tới Bayern mùa hè 2009, Van Bommel đang đeo băng thủ quân và cầu thủ đồng hương của ông cũng là một trong những nhân tố quan trọng nhất giúp Bayern giành cú đúp ở trong nước ngay mùa đầu tiên của HLV người Hà Lan.

Nhưng trong kỳ nghỉ đông mùa giải sau đó, Bayern đã đưa về tiền vệ 23 tuổi người Brazil Luiz Gustavo, đá cùng vị trí tiền vệ trung tâm với Van Bommel. Gustavo, trị giá 13 triệu bảng, là một trong những ngôi sao đang lên ở Bundesliga, và kém Bommel 10 tuổi.

Van Gaal gặp riêng Van Bommel và thông báo anh không còn là đội trưởng của CLB nữa, đồng thời sẽ phải cạnh tranh với những Andreas Ottl, Anatoliy Timoshchuk và Danijel Pranjic cho một vị trí ở hàng tiền vệ, một thông báo không chỉ gây thất vọng, mà còn có phần xúc phạm.

Nhưng Van Gaal muốn một đội bóng trẻ trung hơn, cũng như muốn áp đặt tính cách của ông lên CLB, khi mà Van Bommel, cùng những bạn thân của anh Arjen Robben và Bastian Schweinsteiger, có thể tạo thành một “nhóm đảo chính” trong phòng thay đồ. Ở một đội bóng khác, một tiền vệ kỳ cựu nhiều ảnh hưởng như Van Bommel có lẽ sẽ được trân trọng hơn, nhưng với Van Gaal, chỉ ông mới là người có quyền ra lệnh.

“Dễ hiểu khi quan hệ giữa một HLV và một cầu thủ không còn được đá chính đổ vỡ. HLV có quyền làm như thế. Mark rất tức giận với tôi, nhưng tôi là người quyết định anh ta ở lại hay ra đi”, Van Gaal tuyên bố thẳng thừng với báo chí Đức khi đó. Ngay trong mùa đông, Van Bommel khăn gói sang AC Milan.

… Tới Van Persie

Không phải vụ đụng độ nào với các đội trưởng của Van Gaal cũng kết thúc trong cay đắng như vụ Van Bommel. Khi ông dẫn dắt ĐT Hà Lan lần thứ 2 sau màn trình diễn tệ hại của họ ở EURO 2012, bầu không khí độc hại trong phòng thay đồ đội bóng áo cam là điều đầu tiên ông phải xử lý. Ông đã đưa các cầu thủ tới một khách sạn sang trọng ở làng Noordwijk bên bờ biển Hà Lan, gần nhà ông.

Ông yêu cầu họ nói thẳng quan điểm về EURO 2012. Hầu hết đều lên tiếng, nhưng Van Persie im lặng vì anh không muốn chỉ trích ai. “Tôi coi đó là thái độ tiêu cực”, Van Gaal nói. “Nên tôi tuyên bố từ đó trở đi, Klaas-Jan Huntelaar sẽ là tiền đạo số 1 của tôi, và Robin phải ngồi dự bị”.

Trận đầu tiên của Van Gaal gặp Bỉ, thật kỳ lạ, cũng là buổi tối Van Persie chính thức chuyển sang Man United. Anh ngồi dự bị suốt 90 phút, và không phàn nàn một lời nào. Sau trận đấu, Van Persie thậm chí còn ca ngợi HLV của mình. Van Gaal ngạc nhiên bởi “thái độ và tinh thần chuyên nghiệp đó”.

“Tôi phải thừa nhận tôi đã không nhìn ra con người bên trong anh ấy, Van Persie 2012. Tôi biết các cầu thủ về mặt chuyên môn, nhưng Robin như một con người thì tôi chẳng biết gì”, Van Gaal sau này nói. “Tôi phải biết rõ anh ấy hơn và khi tìm hiểu, tôi nhận ra anh ấy cực kỳ chuyên nghiệp. Điều quan trọng là anh ấy cũng rất hòa đồng với các cầu thủ khác trong đội hình. Anh ấy cho thấy tố chất thủ lĩnh và đó là lý do tại sao sau 10 tháng, tôi đã trao cho anh ấy chiếc băng đội trưởng ĐT Hà Lan”.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm