Franz Kafka – Đằng sau một đôi mắt đẹp

17/07/2013 13:33 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Thế giới vừa kỷ niệm 130 năm ngày sinh Franz Kafka, một trong những cây bút có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20. Ít ai có ánh mắt gây ám ảnh như vậy mà lại không làm nghề… diễn viên. Sự nghiệp văn chương tiếng Đức của Kafka tạo nên một niềm tự hào đa quốc tịch: Viện Goethe giới thiệu ông trong Ngày văn học châu Âu ở Hà Nội như một tác gia quan trọng của nền ngôn ngữ này, mặc dù ông chưa bao giờ mang một quốc tịch Đức.

Năm nay, nhân Ngày văn học châu Âu ở Hà Nội (17 và 18/5), trong khi Hội đồng Anh đưa nhà văn trẻ xuất sắc Evie Wyld, một tác giả chưa được dịch ở Việt Nam, đến Hà Nội giao lưu thì Viện Goethe chọn giới thiệu thật đậm đà (tất nhiên là vắng mặt) một trong những tác gia vĩ đại nhất của văn chương tiếng Đức, dù chưa bao giờ mang quốc tịch Đức: Franz Kafka.



Nhà văn Franz Kafka – niềm tự hào văn học không biên giới: người Do Thái, sinh ra ở Czech, viết bằng tiếng Đức, qua đời ở Áo.

Một tối với Kafka

Nhà văn sinh năm 1883 trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức ở Prague thuộc Đế quốc Áo – Hung, nay thuộc CH Czech. Đây cũng là thành phố nơi ông sống phần lớn cuộc đời ngắn ngủi (41 năm) của mình.

Một tối với Kafka là tên cuộc giới thiệu sách tại Viện Goethe gồm 2 tác phẩm mới toanh: Thư gửi bố – một bức thư dài kiêm tự truyện của Franz Kafka (Đinh Bá Anh dịch) và Phút tráng lệ cuối đời – tiểu thuyết của nhà văn Michael Kumpfmüller về một năm cuối đời của Kafka (Lê Quang dịch). Đây đều là những tác phẩm quan trọng giúp người đọc Việt Nam hiểu thêm về con người và sự nghiệp của một nhà văn “đồ sộ” của thế kỷ 20.

Hai dịch giả Việt đều là những người rất yêu và hiểu về Kafka. Lê Quang còn nói, anh tìm hiểu về Kafka nhiều đến nỗi nếu chính bản thân anh cũng bị “nhiễu” thông tin: hoặc trùng lặp quá nhiều hoặc các thông tin mâu thuẫn nhau. Còn Đinh Bá Anh cho rằng Kafka có vẻ ngoài cực kỳ đẹp trai, gầy gò nhưng rất khỏe mạnh (cho đến khi ông mắc bệnh lao vào quãng 34 tuổi và bắt đầu yếu đi), nhưng cũng nhấn mạnh, tính cách của nhà văn bị biến dạng do sự áp chế quá lớn của người cha.

Phút tráng lệ cuối đời

Có lẽ điều khó quên nhất ở diện mạo Kafka là đôi mắt, đầy trẻ thơ và ám ảnh. Thông minh, thậm chí tinh quái, nhưng không lạc quan. Trong những bức ảnh chụp ông khi còn bé và thời niên thiếu, ánh mắt đó đã hiện hữu.

Hai cuốn sách kể hai câu chuyện – Kafka với bố và Kafka với phụ nữ, nhưng đều liên quan đến nhau. Với Kafka, gia đình – phụ nữ – cuộc sống, những thứ đó đan chéo vào nhau ở xung quanh ông, tạo nên thế giới quan khác người của ông (sẽ được nói đến trong phần sau của bài), nhiều khi chập làm một.

Kafka viết Thư gửi bố trong hoàn cảnh bị người cha Hermann ép hủy hôn ước với cô hầu phòng khách sạn Julie Wohryzek. Cần lưu ý, trong đời ông hủy hôn rất nhiều lần với nhiều phụ nữ vì chính ông cũng ghê sợ cuộc sống gia đình. Với bố, Kafka có một mối quan hệ kỳ lạ. “Người bố có quyền lực tuyệt đối với người con, được khái quát lên thành một mô hình nhà nước xã hội chứ không chỉ là mối quan hệ cá nhân” – dịch giả Đinh Bá Anh. “Đó là hành động đàn áp nhân danh tình yêu” – dịch giả Lê Quang.

Còn Phút tráng lệ cuối đờikể về mối tình cuối cùng của Kafka với Dora Diamant, khi ông 40 tuổi và cô 25. Dora không quá xinh đẹp, những bức ảnh mà Google cung cấp cho thấy cô có đôi mắt sáng, mũi to, môi dày, gương mặt đầy đặn. Nhưng đó là người phụ nữ khiến Kafka say đắm trong một năm cuối đời. Câu chuyện trong tiểu thuyết được kể từ góc nhìn của cô, một “ánh nhìn mê đắm”.


Mâu thuẫn và giằng xé

Với phụ nữ, Kafka cũng có một mối quan hệ kỳ lạ. Ông khao khát họ nhưng cũng ghê sợ họ. Phụ nữ trong ông có gì đó đồng nhất với chính cuộc sống. Cảm xúc của ông dành cho cả hai “thứ” là như nhau. Một nhà nghiên cứu Đức từng viết, Kafka có cách “hãm hiếp” phụ nữ mà không cần đụng vào họ: buộc họ phải viết thư cho ông mỗi ngày, thậm chí nhiều lá một ngày như với “vị hôn thê không bao giờ kết hôn” Felice Bauer. Felice cũng không xinh đẹp, nét mặt bà thô và đanh, Kafka từng tả bà trong lần đầu họ gặp nhau, nhấn mạnh Felice có những nét “không gợi cảm”. Thế mà vẫn yêu. Họ đính hôn đến ba lần nhưng cả ba lần Kafka đều “bỏ trốn”.

“Trước ông, chưa một người đàn ông nào nhìn cô như thế, ông nhìn thấy nhục thể, thấy sự phập phồng dưới làn da, sự run rẩy, và mọi thứ làm cô hài lòng” – trích trang 27, tiểu thuyết Phút tráng lệ cuối đời của Michael Kumpfmüller, bản dịch của Lê Quang.

Không thể không nói về Kafka mà không nhắc đến đời sống tình dục, đó là một lĩnh vực “đầy mâu thuẫn và giằng xé”, không lãng mạn như người ta hình dung. Kafka viết về tình dục hoặc bạo lực bằng những câu văn “trâng tráo” đến khó tin (chữ của nhà dịch giả Đinh Bá Anh trong buổi giới thiệu sách ở Viện Goethe). Trong tiểu thuyết kinh điển Vụ án, ông tả cảnh hai nhân vật giao hợp với nhau như hai con chó.

Còn về chính con người mình ngoài đời, Kafka viết một câu “Tôi đi qua trước nhà thổ mà cũng như đi qua trước nhà người yêu dấu” (câu này từng bị người bạn thân Mad Brox cắt bỏ khi xuất bản tác phẩm của ông).

Franz Kafka (1883 - 1924) là nhà văn vĩ đại thế kỷ 20. Các tiểu thuyết nổi tiếng của ông: Hóa thân (Die Verwandlung), Vụ án (Der Process), Lâu đài (Das Schloss) đều đã được dịch ở Việt Nam. Ông là một nhà văn được nhiều thế hệ tôn thờ.

Hạ Mi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm